Theo dõi trên

Chương trình OCOP: Kỳ vọng về các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng

03/08/2020, 09:07

BT- Thực hiện chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, triển khai các chính sách để thực hiện. Qua đó, tạo ra các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế, đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

                
      Các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Tánh Linh.

Nông sản lợi thế

Những ngày diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tánh Linh vừa qua, hình ảnh đẹp mà các đại biểu đều trầm trồ là các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, được huyện Tánh Linh trưng bày ngay sảnh hội trường. Không ấn tượng sao được, khi một huyện miền núi có thế mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp như Tánh Linh đã sản xuất ra nhiều loại nông sản có giá trị đặc trưng vùng miền. Đó là quầy chuối cấy mô ở xã Gia An với hàng trăm trái to, dài và thơm ngon. Loại chuối này được trồng tại HTX Nông nghiệp Gia An từ tháng 6/2019, trên diện tích 12 ha. Hiện diện tích này đang cho lứa thu hoạch đầu tiên, sản phẩm được liên kết với các công ty ở TP. Hồ Chí Minh để sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Hay như trái ớt đỏ được trồng từ giống ớt nhập nội, mở rộng sản xuất ở các xã Huy Khiêm, Đồng Kho, La Ngâu, Lạc Tánh theo chương trình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp Hoàng Gia phục vụ xuất khẩu, đem lại thu nhập cao cho nông dân. Đặc biệt là sản phẩm gạo hữu cơ Đức Lan (xã Đức Bình) gắn lo go “Gạo Tánh Linh” và chả cá thát lát (xã Gia An) được cấp nhãn hiệu “Cá thát lát Tánh Linh” khi xuất bán. Hiện có rất nhiều người trong và ngoài huyện biết đến, ưa chuộng.

Ông Nguyễn Đình Lâm - Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh cho biết: Huyện đã lên kế hoạch triển khai chương trình năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu nhằm phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở các xã trên địa bàn huyện do các thành phần kinh tế thực hiện. Trong đó Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, triển khai các chính sách để thực hiện, nhằm tạo ra các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế, đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Nhờ vậy, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, bảo vệ môi trường và những giá trị truyền thống của địa phương.

Kỳ vọng từ chương trình OCOP

Theo kế hoạch năm 2020, huyện Tánh Linh sẽ lựa chọn, hoàn thiện, nâng cấp 3 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch hiện có, gồm các sản phẩm hạt điều của Công ty TNHH Hoàng Phú - Bình Thuận ở thôn 3, xã Bắc Ruộng; gạo Đức Lan của HTX DVNN Đức Bình, thôn 3, xã Đức Bình; cá thát lát của Công ty TNHH TM Dịch vụ sản xuất Phối Phối, thị trấn Lạc Tánh. Đến thời điểm này, huyện Tánh Linh đang phấn đấu chứng nhận từ 1 - 2 sản phẩm cấp tỉnh. Trong đó, phối hợp đào tạo nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước trong hệ thống OCOP huyện, xã và lãnh đạo các doanh nghiệp, HTX tham gia OCOP. Đồng thời lựa chọn củng cố, phát triển 3 - 5 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hiện có của các địa phương tham gia OCOP. Theo đó, UBND huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng hướng dẫn, hỗ trợ cộng đồng tham gia Đề án OCOP tiếp cận nguồn vốn khuyến công; lập kế hoạch và ngân sách hàng năm cho hoạt động khuyến công. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương tổ chức, quản lý, điều phối các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm theo chương trình OCOP…

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (One commune one product - gọi tắt là OCOP) giai đoạn 2018 - 2020 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 490 là một hợp phần trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tại Bình Thuận, đề án chương trình OCOP năm 2019 -2020, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 6/2019. Theo kế hoạch, chương trình OCOP của tỉnh sẽ công nhận, chứng nhận 3 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, trong tổng số 36 sản phẩm giai đoạn 1. Đồng thời lựa chọn, hoàn thiện, nâng cấp 8 - 10 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp… Kinh phí thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh là 94,442 tỷ đồng, gồm vốn Trung ương, vốn của tỉnh và vốn ngân sách nhà nước lồng ghép khác.

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chương trình OCOP: Kỳ vọng về các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng