Theo dõi trên

Chuyện cũ…

31/07/2020, 09:42 - Lượt đọc: 168

BT- Mẹ kể, miền Bắc nửa sau những năm 60, thanh niên trai tráng vào chiến trường gần hết, ai thọt, chột mắt, cụt tay, mất sức lao động mới ở nhà. Trẻ con không có ba cũng hay bị trẻ lớn hơn hoặc mấy ông xấu tính bắt nạt. Mẹ vừa là hậu phương của ba, vừa là tiền phương của con trai, bảo vệ con khỏi những kẻ “gà què ăn quẩn cối xay”, có lẽ vì thế, người đàn bà trong mẹ trở nên rắn rỏi, kiên cường.

                
Ảnh minh họa.

Bấy giờ, phụ nữ miền Bắc vào tập thể từ rất sớm, quần quật làm việc và chi viện cho miền Nam; còn đàn ông, vào chiến trường không phải tính bằng năm, bằng tháng mà bằng cả tuổi trời, đi không hạn định. Chiến tranh, chẳng ai biết bao giờ kết thúc.

Ngày ấy, nếu bụng mang dạ chửa, phụ nữ chỉ được nghỉ 2 tháng: 1 tháng trước sinh, 1 tháng sau sinh, nghỉ dồn cho trước hay sau đều không được phép vì không bảo đảm tái tục sức lao động.

Đưa con vào nhà trẻ, các bà mẹ thường chuẩn bị thêm 1 bình nước hồ (được chắt ra khi cơm sôi), hòa thêm tí đường rồi gửi ở cô thay cho sữa. Bao thế hệ anh chị đã lớn lên ở miền Bắc bắt đầu bằng việc cai hơi mẹ lúc còn đỏ hỏn, và miệng khát sữa phải tập uống nước hồ hòa đường. Nghĩ quá thương!

Đêm về, trong mấy gian nhà tập thể leo lét ngọn đèn dầu, mẹ và các cô chuyền tay nhau đọc bản viết tay những tác phẩm dài dăm trăm đến vài nghìn trang như: “Thép đã tôi thế đấy”, “Những người khốn khổ”, “Sông Đông êm đềm”... Ở tuổi 81, mẹ còn thuộc cả những đoạn trong tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách.

Về phần ba, như bao đàn ông thời chiến, “chí tang bồng hồ thỉ” được thời cuộc hóa bằng “chí làm trai dặm nghìn da ngựa, gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao”, huống hồ, vào Nam, với ba và các chú, đồng nghĩa với việc trở về - về lại quê hương sau gần 15 năm xa cách (1954 - 1967). Cái khí thế “xẻ dọc Trường Sơn”, với nhiều người trong cuộc, là lẽ sống lớn của trai thời loạn lạc, chứ không phải là những phút lên gân nhất thời.

Chiến tranh ngày một ác liệt, người người vào Nam để lấp khoảng trống cho hàng hàng lớp lớp người nằm lại, nhưng chẳng thể nào bù đắp nổi. Trầm Tử Thiêng khi viết: “Người về một ngày một lưa thưa, người đi càng đêm càng đông dần” cũng chính là nhìn thấy nỗi niềm u hoài vạn cổ của muôn đời lính chiến.

Xóm làng đìu hiu vì thiếu bóng đàn ông. Ngoài kia, chẳng biết nước non dài mấy vạn dặm, ba và các chú cứ đi, mất mấy tháng trời mới đến miền Nam.

Vào chiến trường, trong một trận đánh năm Mậu Thân 1968, ba bị thương, rồi bị bắt. Giấy báo tử đến tay mẹ 2 lần, tóc mẹ rụng phân nửa, người gầy chỉ còn 30 kg.

Nhưng ba vẫn còn sống. Ở Ty chiêu hồi, người từng là đồng chí, cũng tập kết ra Bắc như ba, cũng vào Nam chiến đấu nhưng bị chiêu hồi, chính ông ta đã nhận mặt, gọi đích danh tên ba, khai hết về ba, dù trước đó ba đã nghĩ ra một cái tên và kể một câu chuyện hoàn toàn khác về mình.

Ba bị đưa ra Côn Đảo. Ba bảo, tù Côn Đảo thường khắc nghiệt hơn Phú Quốc vì đây là nơi giam giữ các tù nhân chính trị, không phải tù binh chiến tranh. Công ước Geneve và những tổ chức nhân quyền khó lòng bảo vệ các tù nhân vì họ bị quy kết có hành động phản loạn, đe doạ đến an ninh quốc gia, thường không qua xét xử...

Ba kể, trong tù muôn vàn khốn khó, đói rét, bệnh tật, nhận đủ thứ hình phạt, tra tấn, khổ sai, nhưng khi bắt được một con bọ hung, anh em không ai bảo ai, luôn ưu tiên cho những người đau ốm hoặc cán bộ cấp cao ăn trước. Có lần, để đấu tranh cho quyền lợi của tù binh, cả nhà tù quyết định tuyệt thực. Đối phó lại, phía bên kia đã mang những thùng phân người đổ tràn ra mặt sàn. Ba và các chú đã nằm trên đó 1 ngày, 1 đêm.

Bao nhiêu điều với mình là chuyện cũ nhưng với ba mẹ chỉ như vừa hôm qua. Bước chân mẹ rã rời quay về dưới rừng cao su một ngày mùa đông năm 1967, sau khi tiễn ba đi, vẫn còn nặng trĩu. Tưởng vĩnh viễn mất nhau, những người xa nhau lại tái hợp, nhưng, trong những oái oăm không ngờ, niềm vui nhân lên, song, nỗi buồn cũng không vì thế mà vơi đi một nửa. Vết thương chiến tranh để lại sẹo trong tâm hồn của tất cả những người đã đi qua cuộc chiến. Dù đó là ai.

Thanh Hương



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện cũ…