New Page 1
“Bước đệm” vùng cao
BT- Chính những mong
muốn của các hộ dân trên mà tôi đã cảm nhận ở nơi vùng cao này, suy nghĩ về sự
tự lực vươn lên trong cuộc sống đang nhen nhóm...
 |
Nhà cửa ở xã Phan Sơn khang trang hơn. |
“3 không, 3 có”
Đứng trên đoạn đèo cao nhất
của tuyến đường 28B, bây giờ đã thấy công trình hồ Sông Lũy đang xây dựng rất đồ
sộ giữa cảnh núi rừng mênh mông của vùng cao Bắc Bình. Cách đó không xa, làng
mạc của xã Phan Sơn hình như cũng đang thay màu áo mới, chỉn chu và tươi mới
hơn. Những dãy nhà tái định cư lúc trước, giờ đã sửa chữa mở rộng ra, có hàng
rào kiên cố, có trồng cây xanh. Dọc hai bên đường đi, giờ xuất hiện những hàng
cây ăn trái xanh mát. Phần lớn các gia đình đã có xe gắn máy, tivi, điện thoại
di động và nhiều thiết bị khác phục vụ sinh hoạt gia đình.
Kể về sự đổi thay ấy, Phó Chủ
tịch UBND xã Phan Sơn – K’Bảy nhớ lại những ngày đầu tháng 1/2020, trụ sở xã
Phan Sơn rộn ràng hẳn lên, vì có 274 hộ dân nhận tiền đền bù từ dự án Hồ chứa
nước Sông Lũy. Hộ nhận nhiều nhất là khoảng 5 tỷ đồng; hộ ít nhất là 70 triệu
đồng. Hộ nhận tiền nhiều nhất ấy ở xã Phan Sơn, được đền bù từ 5 ha đất có trồng
cây lâu năm. Hôm ấy, tại trụ sở xã Phan Sơn, ai cũng chú ý đến hộ đặc biệt này,
vì ông cứ lúng ta lúng túng với số tiền nhận về quá lớn. Nhưng lúc ấy có cán bộ
của các chi nhánh ngân hàng tiếp cận. Sau khi được cán bộ ngân hàng tư vấn về
lãi suất, cách thức gửi tiền, hộ dân này đã quyết định gửi 3 tỷ đồng vào Ngân
hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh Lương Sơn. Từ khi nhận tiền
đền bù đến nay, hộ dân ấy vẫn sống bình dị như trước đây. Vì số tiền còn lưu
lại, gia đình này đã đầu tư trồng bắp, nuôi thêm bò...
 |
Công trình hồ Sông Lũy nhìn từ đoạn đường
28B. |
Cũng tương tự hộ dân trên,
273 hộ dân khác có đất nằm trong dự án Hồ chứa nước Sông Lũy đã nhận tiền đền bù
với số tiền trên 192,35 tỷ đồng đều gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng, số tiền còn
lại xây sửa, trang hoàng nhà cửa…theo đúng định hướng của xã là “3 không, 3 có”.
K’Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Phan Sơn thông báo điều đó với tôi một cách phấn
khởi, cứ như vừa đạt một mùa bội thu. “Hiện trong 274 hộ có khoảng 65% dùng số
tiền đền bù để sửa sang nhà cửa; 5% số hộ mua sắm tiện nghi phục vụ nhu cầu
thiết yếu hàng ngày. Một số hộ chưa có kế hoạch dùng tiền đã gửi ngân hàng hoặc
mua đất sản xuất. Riêng đối với những hộ đã có đất cấp theo Nghị quyết 04 thì
đầu tư xe máy cày”. Chuyện sử dụng tiền đền bù như thế nào, ngay khi có thông
báo sẽ có tiền đền bù từ đất, UBND xã đã họp bàn và định hướng người dân phải
thực hiện “3 không, 3 có”. Bản thân anh đi giải thích, vận động, may là bà con
hiểu cái gì đúng, cái gì sai và tự giác thực hiện.
Tôi bỗng thấy vui lây niềm
vui của anh, vì đồng bào lâu nay vẫn theo lối sống, nếp nghĩ mà K’ Bảy cho là
khi có tiền, sẽ “thả ga” tiêu xài mà quên mất từ nay tạm nghỉ làm nông, cũng tạm
hết... việc làm. Nếu như không có sự tuyên truyền, định hướng cách sử dụng tiền
thì nay mai số tiền đó sẽ không còn. Hơn thế, đất sản xuất cũng chưa có nên nguy
cơ một số hộ sẽ bị tái nghèo…
Mong ước
Ghé vào một tiệm tạp hóa nhỏ
ven đường chính của xã Phan Sơn, anh Mang B. - chủ quán đón khách rất niềm nở,
cứ như anh đang có niềm vui trong lòng. Hỏi ra mới biết tiệm tạp hóa của anh mới
mở hồi đầu năm 2020, từ tiền đền bù đất. “Nhà tôi có 1,2 ha đất trồng lúa được
đền bù hơn 300 triệu đồng. Sau khi được sự tư vấn của cán bộ ngân hàng, tôi
quyết định gửi 200 triệu đồng để tiết kiệm nuôi con cái ăn học. Số còn lại tôi
dùng để mở tiệm tạp hóa nhỏ và mua thêm chiếc xe máy phục vụ nhu cầu đi lại”,
anh Mang B. chia sẻ. Giờ đây, đôi vợ chồng trẻ tuy có ít vốn liếng để dành nhưng
đất đai sản xuất thì không còn nữa nên anh mong Nhà nước xem xét tạo quỹ đất ở
gần nhà để gia đình thuê sản xuất.
Cùng niềm hân hoan như anh
Mang B, bà Trịnh Thị C. ở xã Phan Lâm, dù đã 58 tuổi, đôi mắt thâm quầng, trũng
sâu hiện rõ sự lam lũ nhưng vẫn ánh lên niềm vui. Hôm ấy, bà được nhận 800 triệu
đồng tiền đền bù từ 2 ha đất sản xuất. Đất này, gia đình bà trồng điều, mít, bắp
lai và còn nợ tích tụ đến 200 triệu đồng. Vì vậy, bà đã tính toán sử dụng tiền
đền bù rất phù hợp hoàn cảnh: “Tôi rất vui mừng bởi lần đầu tiên trong đời được
sở hữu số tiền lớn trong tay. Vợ chồng tôi đã trả 200 triệu đồng tiền nợ bắp
lai, dùng 20 triệu đồng để mua 2 con bò, số tiền còn lại tôi gửi ngân hàng để
dành nuôi con và dưỡng già”. Hỏi về mong ước, bà C. tâm sự: “Tôi mong muốn Nhà
nước sớm tạo quỹ đất để tôi thuê sản xuất, chứ tiền bao nhiêu ăn cũng hết chỉ có
đất sản xuất giúp có đồng ra đồng vào thì mới ổn định cuộc sống lâu dài được
thôi”…
Qua thống kê, hiện tại 2 xã
Phan Lâm, Phan Sơn có 260 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang cần có đất sản xuất,
trong đó Phan Lâm 162 hộ, Phan Sơn 98 hộ. Chính những mong muốn của các hộ dân
trên mà tôi đã cảm nhận ở nơi vùng cao này, suy nghĩ về sự tự lực vươn lên trong
cuộc sống đang nhen nhóm. Vì vậy, tôi tin văn bản mà ông Lê Văn Long – Chủ tịch
UBND huyện Bắc Bình đã ký ngày 22/7 về đề xuất UBND tỉnh bố trí khu đất phục vụ
sản xuất cho nhân dân cần đất ở 2 xã trên với diện tích 314,5 ha thuộc tiểu khu
82B là sự hợp ý nhau. Vì diện tích này có địa hình tương đối bằng phẳng, giao
thông thuận lợi lại gần khu vực 2 xã. Hơn thế, đây là phần diện tích đã được
điều chỉnh đưa ra khỏi 3 loại rừng nên sẽ là vùng đất tốt cho sản xuất, nhất là
khi nơi đây có nước thủy lợi của hồ Sông Lũy kề bên.
Vùng đất này cũng là một lối
mở, vì trước đó, UBND tỉnh đã giao cho Bắc Bình kiểm tra, rà soát đối với phần
diện tích 513 ha đất dự kiến ban đầu cho những hộ dân cần đất trên. Nhưng rồi
nơi đây có một số điều kiện không thuận lợi cho việc sản xuất của đồng bào. Vì
phần diện tích trên ở xa với các hộ dân Phan Lâm, Phan Sơn, xa tận 20 km vì
thuộc địa bàn xã Bình An, lại đang bị một số hộ dân lấn chiếm. Thêm nữa, bên
cạnh điều kiện giao thông không thuận lợi, không thể đầu tư thủy lợi nội đồng
phục vụ sản xuất sau này cho nhân dân…
Hiện tại, các thủ tục để đưa
vùng đất rừng 314,5 ha chuyển sang đất sản xuất đang chạy nước rút. Tôi hình
dung vào một hôm nào đó trong thời gian tới, những hộ cần đất sản xuất của 2 xã
trên sẽ nhộn nhịp chọn mảnh đất nào trong vùng 314,5 ha để thuê sản xuất. Hình
ảnh ấy thật đặc biệt, vì thể hiện bao ý nghĩa của sự tự vươn lên của đồng bào
dân tộc thiểu số. Và chính cách sử dụng tiền đền bù có được là “bước đệm” cho
điều đó…
“3 không, 3 có” của UBND xã Phan Sơn, theo ông K’Bảy, Phó Chủ tịch UBND
xã phân tích, đó là không mua xe phân khối lớn; không giữ tiền trong
nhà; không sắm và đeo trang sức; 3 có là có nhà vệ sinh, có hàng rào và
có cây xanh. |
THU HÀ