Theo dõi trên

Tự hào là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng

28/07/2020, 09:59

 BT- Nhớ lại những năm 2000 - 2001, khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thi đua đại hội các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X thì một tin vui đến với đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng, khi Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhất trí với đề nghị của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương lấy ngày 1/8/1930 làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa.

Ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng được xác định căn cứ vào văn bản của Ban Cổ động và tuyên truyền Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên truyền cho Ngày Quốc tế đỏ 1/8/1930 còn lưu giữ được.

Thật vinh dự và tự hào, tôi và đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy lúc ấy được mời ra thủ đô Hà Nội dự cuộc họp mặt thân mật do Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương tổ chức vào ngày 31/7/2000, kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa (1/8/1930 - 1/8/2000). Đây cũng là lần đầu được nghe trực tiếp đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói chuyện rất chân tình và sâu sắc. Đồng chí nói: “Công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng, sự trưởng thành của công tác tư tưởng - văn hóa gắn liền với sự trưởng thành của Đảng. Công tác tư tưởng - văn hóa là nhiệm vụ của toàn Đảng, của tất cả mọi đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ của Đảng, của các cấp ủy Đảng, trong đó không thể không khẳng định đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng-văn hóa của Đảng phát huy, phát triển theo mỗi bước tiến lên của sự nghiệp cách mạng, ngày càng đông đảo và trưởng thành, thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia”.

Thật vinh dự cho thế hệ chúng ta khi được kế tục sự nghiệp vẻ vang của các bậc tiền bối mà vị tổng chỉ huy là Bác Hồ kính yêu và đội ngũ chiến sĩ tiên phong là những học trò xuất sắc của Người, đó là các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn - những nhà chiến lược đồng thời cũng là những nhà tư tưởng của Đảng; đồng chí Phạm Văn Đồng là nhà kinh tế đồng thời cũng là nhà lãnh đạo tư tưởng, nhà văn hóa; đồng chí Lê Đức Thọ vừa là nhà tổ chức, vừa là nhà lãnh đạo tư tưởng… Rồi các đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và nhiều cán bộ ưu tú khác của Đảng cũng đều là những cán bộ tư tưởng xuất sắc của Đảng.

Nhìn lại cần thấy, không phải chỉ có chúng ta hôm nay mới làm công tác tư tưởng. Ông cha ta ngày xưa làm công tác tư tưởng rất giỏi, nên đã xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước để chúng ta có được giang sơn, gấm vóc như ngày nay. Hội nghị “Diên Hồng” chẳng phải là hình thức thực thi dân chủ của các vua nhà Trần đó sao! Sự kiện lịch sử đó đã trở thành biểu tượng mẫu mực của công tác vận động tư tưởng, tập hợp, cổ vũ, động viên sức mạnh toàn dân tộc chung một ý chí quyết đánh thắng giặc xâm lược. “Bình Ngô Đại cáo” của Nguyễn Trãi, “Hịch Tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo đều là những tác phẩm tư tưởng - văn hóa xuất sắc, nêu cao lòng tự hào dân tộc, cổ vũ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, lịch sử cách mạng nước ta mãi mãi còn ghi những thành tựu to lớn của công tác tư tưởng – văn hóa, những đóng góp xuất sắc của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ chiến đấu trên mặt trận vẻ vang này.

Đồng chí Hữu Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương lúc ấy thay mặt toàn ngành hứa với đồng chí Tổng Bí thư: “Quyết tâm giữ vững niềm tin, ra sức phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, nỗ lực phấn đấu góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới của Đảng; đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Tôi rất xúc động và rất đỗi tự hào kính phục khi nghe đồng chí Tố Hữu, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương phát biểu: “Trước hết, phải nói người thầy vĩ đại của công tác tư tưởng-văn hóa là Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Bác Hồ là người Việt Nam đầu tiên đưa công tác tư tưởng theo phương pháp biện chứng của Chủ nghĩa Mác - Lê nin. Sự thật là những năm 20 của thế kỷ XX, đồng chí Nguyễn Ái Quốc (tức Bác Hồ) đã công bố “Bản án của chế độ thực dân Pháp”, xuất bản báo “Người cùng khổ”, “Quốc tế nông dân”, “Thanh niên”, “Công nông”, “Lính kách mệnh”… Khi ở Trung Quốc, Người đã mở nhiều lớp huấn luyện, đào tạo những người cộng sản Việt Nam gieo những hạt giống đỏ đầu tiên cho Cách mạng Việt Nam và chính Người đã khởi thảo “Đường Kách mệnh”. Đây là tác phẩm lý luận đầu tiên của Đảng ta. Cái sáng tạo kỳ diệu của Bác Hồ là “Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội; giải phóng dân tộc gắn với giải phóng giai cấp; cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đi lên chủ nghĩa xã hội không qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Bằng sáng tạo ấy, Bác Hồ là nhà lý luận, nhà chiến lược thiên tài. Người đã đề ra công tác tư tưởng phải khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh thời đại…

Những ngày này, chúng ta đang hướng đến kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa (1/8/1930 – 1/8/2020). Trong lúc toàn Đảng bộ đang ra sức tiến hành đại hội các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Với tất cả ý thức trân trọng và tình cảm quý mến, chúng tôi những người làm công tác tư tưởng, văn hóa trước đây bày tỏ lòng tin đối với các đồng chí đang làm công tác tuyên giáo tỉnh nhà sẽ vượt xa lớp trước chúng tôi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trước hết là Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra. Và cũng xin gửi đến các đồng chí một điều, gọi là kinh nghiệm cũng được, gọi là tâm huyết cũng đúng, đó là: Người làm công tác tư tưởng, văn hóa phải là người có niềm tin mãnh liệt. Anh nói, anh viết, anh diễn giải… mà chính anh không tin những điều anh nói, anh viết thì ai tin được. Niềm tin đó là niềm tin bất diệt, không lay chuyển vào Đảng, vào cách mạng, vào nhân dân.

Lê Chí Phương

(Nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tự hào là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng