Theo dõi trên

Người Bình Thuận xưa làm quan dưới Triều Nguyễn

24/07/2020, 09:34

Kỳ 4:  Thự Bố chánh Bùi Tăng Huy và khởi nghĩa Nông Văn Vân (2) 

 Đền đáp bề tôi tử tiết vì nghĩa

BT- Tháng 12/1833, sau khi chiếm lại tỉnh thành Cao Bằng, biết được mọi việc xảy ra 2 tháng trước, vua Minh Mạng chỉ dụ, các quan đầu tỉnh Cao Bằng gặp bọn giặc cỏ chỉ rút lui, không thể chối tội. Lương thực kho tỉnh thành còn đầy, nơi đồn núi lại hiểm địa, vừa mới bị bao vây hơn 1 tháng đã không giữ được phải tự vẫn. Trách nhiệm bề tôi phải giữ đất đai, thì chết cũng chưa hết tội. Nhưng để xảy ra biến, gây nên việc đáng tiếc trọng đại này là do quan đầu tỉnh Tuyên Quang, chứ không phải vì Cao Bằng lầm lỡ việc phòng ngự. Gặp lúc nguy khốn, biết hy sinh tính mạng giữ tròn tiết nghĩa, không chịu quy hàng, điểm ấy đáng thương.

                
      
      Đền Tam Trung xưa nằm bên phải bờ sông Bằng, thành phố Cao Bằng    (nguồn: baocaobang.vn)

Vậy việc giáng cấp trước đây của thự Bố chánh Bùi Tăng Huy, Án sát và Lãnh binh đều cho khôi phục chức như cũ và chiếu theo phẩm hàm cấp tiền tử tuất, thưởng gia quyến thêm 100 lạng bạc. Các quan tỉnh mới đến nhậm chức, lập tức sắm sửa quan tài, thu liệm di thể, chở về nguyên quán. Tìm chọn chỗ đất cao ráo sạch sẽ ở tỉnh thành lập đền đề biển “Tam Trung từ”, sửa lễ, cúng tế một tuần những người tử tiết vì nước.

Tháng 11/1835, đền Tam Trung gồm 1 tòa, 3 gian được dựng xong tại tỉnh thành Cao Bằng. Hàng năm vào mùa xuân, cúng tế 3 vị quan triều đình đã vì nghĩa tử tiết. 

Sau này, trong tập Ngự vịnh tặng phong Cao Bằng tỉnh Tam trung tuẫn tiết tam thủ, vua Minh Mạng đã thổ lộ nỗi niềm về chuyện xảy ra với 3 vị quan triều đình trung nghĩa: “Vì nước có người lưu đại nghĩa/Lập đền riêng Đế xót cô trung/Ba sinh danh chẳng đề năm tháng/Một chết theo về với núi sông/Cuồn cuộn giữa dòng cùng nước chảy/Hiu hiu muôn thuở gió mênh mông/Vân Trường hiển miếu là hàng xóm/ Trung hiếu xưa nay Nam Bắc cùng”.

Tháng 7/1842, đời vua Thiệu Trị truy tặng chức Lễ bộ Tham tri cho thự Bố chánh Bùi Tăng Huy.

Tháng 12/1848, đời vua Tự Đức cho xây dựng đền Trung Nghĩa thờ các bề tôi chết vì việc nghĩa. Đến tháng 5/1856, vua Tự Đức chuẩn y 469 bề tôi được đưa vào thờ tại đền. Gian chính giữa đặt án thờ 13 vị, trong đó có thự Bố chánh truy tặng Lễ bộ Tham tri Bùi Tăng Huy và 2 vị quan tử tiết cùng ngày.

 Đền Tam Trung và nỗi lòng tiếc thương

Sự tuẫn tiết vì nghĩa của ông Bùi Tăng Huy và quan Án sát, Lãnh binh đã làm lay động rất nhiều danh sĩ, quan lại đương thời. Khi đi đến nhậm chức hoặc ngang qua địa hạt Cao Bằng, họ đều ghé viếng đền Tam Trung, để lại những nỗi lòng tiếc thương. Tại đền có nhiều bài văn tế, bài thơ, câu đối của các quan đồng liêu, du khách và nhân dân địa phương viếng hương hồn 3 quan lại ở 3 miền Bắc (Án sát họ Phạm quê Hải Dương) - Trung (thự Bố chánh Bùi Tăng Huy quê Bình Thuận) - Nam (Lãnh binh họ Phạm quê Gia Định).

Hàn lâm viện Kiểm thảo Hà Tôn Quyền, Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Nhâm Ngọ (1822) có bài thơ viếng (trích):… Đã hết sức không nổi/Thì liều một thác thôi/Ba trung thành nhớ mặt/Một chết tiếng muôn đời/Gây biến ai mang tội?/Ban danh ấy tự trời/Kìa nay công luận đó/ Hương khói ngát bên đồi…

Biện lý Binh bộ Phạm Đôn Nhân, Hoàng giáp khoa thi Nhâm Thìn (1832) có bài thơ viếng (trích):… Cô thành viện đã cắt/Một tay không chống nổi/Báo quốc thề xin chết/Thân thể giống như còn/Quỷ thần kêu la khóc/Núi non phải phất thiêng/Rực rỡ Bùi sứ quân (tức ông Bùi Tăng Huy - Tg)/ Hơn hớn Phạm Lãnh binh/ Cùng mất ba bậc nhân… Bồi hồi lạnh lòng thương”. Biện lý Phạm Đôn Nhân còn viết một câu đối ca ngợi sự trung nghĩa của 3 vị quan: “Hiếu là hiển danh cha mẹ, song thọ cửa nhờ biết có con/Chết mà rèn tiết sĩ phu, Tam Trung đền miếu vẫn như còn”.

Quan Án sát Cao Bằng Bùi Quốc Trinh soạn một bài ký khắc trên bia đá, cùng 3 bài thơ, trong đó có đoạn: “Cứu nước, do người gìn đại nghĩa/Dựng đền, vua giữ đức Tam Trung/Ba sinh vốn đã ghi ngày tháng/Một chết vẫn đương đối cửu trùng/Cuồn cuộn nửa sông cùng dòng nước/Dịu dàng nay, cũ vẫn mát chung/Mây dài quanh miếu vùng biên giới/Chính khí sáng soi Nam Bắc cùng”.

Đốc học tỉnh Quảng Yên (Quảng Ninh hiện nay) Đặng Văn Toàn đến thăm đền Tam Trung cũng đã làm câu đối tiếc thương, ca ngợi sự trung nghĩa vì nước của 3 vị quan Bắc - Trung - Nam: “Đền nước thân này trung là hiếu/Danh cao muôn thuở chết như còn”; “Tuyệt bút một chương trung và hiếu/Đối đầu tam liệt chết như còn”.

Đền Tam Trung tồn tại đến năm 1951 thì bị máy bay Pháp bắn phá, hủy hoại, chỉ còn một vài tấm bia bị vỡ nát. Năm 2000, một gia đình tại nơi dựng đền đã bỏ kinh phí, lập điện thờ, hàng ngày hương khói 3 vị quan Tam Trung. 

Thay lời kết

Ông Bùi Tăng Huy (? - 1833), quê phủ Hòa Đa, đỗ hương cống khoa thi năm Kỷ Mão (1819), làm quan dưới triều vua Minh Mạng. Quan lộ của ông nhiều nổi truân chuyên, thăng trầm, được bổ nhiệm nhiều chức quan, lúc cao nhất từng làm thự Thừa Thiên Phủ doãn và thấp nhất là Bát phẩm Thư lại. Ông tuẫn tiết tại Cao Bằng vào tháng 10/1833 trong cuộc khởi nghĩa Nông Văn Vân.

Ông Bùi Tăng Huy là vị quan để lại cảm xúc, thương xót cho các thế hệ quan lại phong kiến. Quan nghiệp trớ trêu, ngày nhậm chức đứng đầu một tỉnh cũng là ngày bắt đầu xảy ra biến cố. Ông chỉ còn biết nương theo thời cuộc, dùng trí lực của mình mong xoay chuyển nó. Số phận người làm quan giữa lúc nhiễu nhương này, theo lẽ phải thì mang tiếng “tạo phản”, mà để tròn đạo “trung quân” thì buộc phải quay lưng lại với “chính nghĩa”. Dù bao lần bị giáp cấp, quở trách, ông vẫn một lòng “trung quân”, giữ tròn khí tiết, chứng minh bằng cái chết, chứ không đầu hàng quan binh tri châu miền núi phía Bắc chống lại vua Minh Mạng.

Trong các quan lại người Bình Thuận, cuộc đời làm quan của ông Bùi Tăng Huy đắng cay cũng nhiều, khổ cực không ít, đến khi chết đi vẫn còn lận đận, kẻ gièm người phê. Vinh hoa, hiển hách, hư danh rồi cũng trả về hư không. Một tiếng thơm lưu đến muôn đời sau, chẳng qua cũng chỉ là dăm ba dòng chữ cổ xưa lưu lại trên trang giấy nhuốm màu thời gian, được mấy người tường tận. Sự “trung quân” của ông có xác đáng hay không, cũng chẳng nên bàn luận thêm, bởi thời gian và lịch sử đã minh chứng.

Xin mượn lời thơ của Đốc học Bắc Ninh Nguyễn Văn Lý, Đệ Tam giáp tiến sĩ khoa thi Nhâm Thìn (1832) viếng đền Tam Trung thay lời kết: “Tên mưa trong thành thế tựa mộng/ Thong dong hạ bút đối quân thân/Anh hùng hào kiệt nhẹ sống chết/ ừ đó non sông quỷ khóc thần/Gươm sáng lóe sâu và trăng nước/Trống vang xa thẳm tận đầu mây/Nghìn năm công luận ghi thanh sử/ Ai giữ cõi bờ đệ nhất nhân”. “Nghìn năm công luận ghi thanh sử”, các sử quan của Quốc sử quán Triều Nguyễn đã chép lại sự việc của ông vào Đại Nam liệt truyện để lưu truyền đến mai sau.

Hà Ngân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người Bình Thuận xưa làm quan dưới Triều Nguyễn