Theo dõi trên

Xây dựng cơ sở pháp lý để phát huy giá trị di tích

22/07/2020, 09:27

BT- Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Bình Thuận đã coi trọng việc bảo vệ, trùng tu và xây dựng hồ sơ khoa học xếp hạng các di tích, thắng cảnh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, giữ gìn, bảo tồn nguyên trạng giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích theo chiều hướng bền vững và  phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch.

                
   Du khách tham quan thắng cảnh Suối Tiên.    ảnh: N.Lân

Ông Nguyễn Chí Phú - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Di tích ở Bình Thuận thể hiện sự đa dạng và đa sắc màu, mang những nét đặc trưng riêng của từng cộng đồng dân tộc. Các di tích là sản phẩm kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này sang đời khác đã dày công tạo dựng, chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, điêu khắc, mỹ thuật truyền thống. Trong những năm qua, Bảo tàng tỉnh đã tham mưu, triển khai, phối hợp thực hiện nhiều hồ sơ khoa học các di tích có giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan thiên nhiên trình Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đơn cử như Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ ở Sa Lôn, xã Đông Giang (Hàm Thuận Bắc), trước đây rất ít người nghe và biết đến. Nhưng sau khi được công nhận di tích cấp tỉnh vào tháng 10/2017 và sắp tới đây khi xây dựng Nhà tưởng niệm – trưng bày, đây sẽ là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh hào hùng, bất khuất của Đảng bộ và nhân dân Bình Thuận. Ngoài ra có thể phát huy cảnh đẹp thiên nhiên của núi rừng, suối, thác nước để phát triển thành điểm du lịch sinh thái, dã ngoại, khám phá thiên nhiên rất lý thú.

Tính từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh đã công nhận thêm các di tích, danh thắng Tháp nước Phan Thiết, đền thờ Bạch Mã Thái Giám (Phú Quý), Đồi Cát Bay, thắng cảnh Suối Tiên xếp hạng cấp tỉnh. Đặc biệt năm 2019, thắng cảnh Bàu Trắng (Bắc Bình) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích quốc gia và vạn Thủy Tú là trường hợp đầu tiên ở tỉnh vừa được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và lễ hội truyền thống được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo đánh giá của Bảo tàng tỉnh, các di tích được xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh đã thực hiện hiệu quả việc bảo tồn, phát huy giá trị, giới thiệu, quảng bá phát triển hoạt động du lịch. Nhiều điểm đến đã và đang có  sức thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, góp phần tăng thu ngân sách và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm và ý thức của người dân trong gìn giữ bản sắc văn hóa của cộng đồng. Trong năm 2019, thắng cảnh Bàu Trắng đón 182.000 khách, thắng cảnh Suối Tiên đón hơn 300.000 khách, Tháp nước Phan Thiết sau khi được tôn tạo lại trở thành địa điểm sinh hoạt của các câu lạc bộ thanh, thiếu niên, nơi chụp hình yêu thích của nhiều bạn trẻ. Đối với đền thờ công chúa Bàn Tranh (Phú Quý), sau khi các hạng mục được Nhà nước đầu tư tôn tạo khang trang hơn đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân trên đảo và là địa điểm du lịch văn hóa tâm linh được du khách tìm đến bái lễ, khám phá ngày một nhiều.

Điều này chứng tỏ việc quản lý, giữ gìn, bảo tồn nguyên trạng giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của các di tích đã được xếp hạng đang được các địa phương triển khai đúng định hướng, để vừa không làm mất dần những giá trị văn hóa truyền thống hay vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ vốn có, vừa hướng tới phát triển du lịch bền vững.

    
    Toàn tỉnh hiện có hơn   300 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Từ năm 1990 đến   nay, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp chọn lọc các di tích có giá trị tiêu biểu   về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật để nghiên cứu lập hồ sơ khoa   học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng 28 di tích cấp quốc   gia và UBND tỉnh xếp hạng 42 di tích cấp tỉnh.

THÙY Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng cơ sở pháp lý để phát huy giá trị di tích