Theo dõi trên

Những trang viết hào hùng ngày ấy!

21/07/2020, 09:37

BT- Thật sự đây là một công trình tập thể với những tiêu chí khá rõ ràng đã trải dài 256 trang giấy, tái hiện những sự kiện sinh động xuyên suốt chặng đường lịch sử của 2 cuộc kháng chiến trường kỳ đánh Tây, đuổi Mỹ trên quê hương Bình Thuận. Với những câu chuyện từ hiện thực, trong ký ức, những bài thơ bi tráng từ những người “cây bút” của một thời chiến đấu và gắn bó với mảnh đất này. Có được cuộc hội ngộ của 19 tác giả, cũng là một quá trình nghiên cứu, sưu tập từ tác phẩm đến tiểu sử văn học của tác giả mà Ban tuyển chọn khi thực hiện đã gặp không mấy dễ dàng với quãng thời gian đằng đẵng trên nửa thế kỷ, cân nhắc từ tên tựa tập sách. Trong đó, khá nhiều tác giả nay không còn nữa… Nhưng đây là “di sản văn học”, là văn chương với nỗi niềm, tâm huyết của văn nghệ sĩ để lại, đã khắc họa hình ảnh người chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ”, người cán bộ cách mạng đối mặt với bom đạn qua trang viết sáng ngời lý tưởng trên quê hương Bình Thuận một thời. Với những văn nghệ sĩ sau này sẽ được truyền...

Người đọc sẽ không khỏi bàng hoàng, xúc động khi sống lại khí thế, lòng dân ngày đó có một sức mạnh diệu kỳ: “Tiếng mõ Thái An, tiếng mõ của lòng dũng cảm và trí thông minh, tiếng mõ bảo vệ nhân dân, tiếng mõ của chiến tranh du kích đánh giặc giữ làng. Năm tháng trôi qua, tiếng mõ Thái An như còn vang vọng mãi…” (trích “Thái An, chiến khu cọp” - của nhà văn, thiếu tướng Phạm Hoài Chương). Với nhà văn Phan Minh Đạo thì không thể nào quên “Chiến trường Khu 6 - gian khổ và kiêu hùng”! Nhà văn Nam Hà gắn bó với vùng đất cực Nam Trung bộ qua 8 năm đã đem đến nhiều cảm xúc từ câu chuyện “Bom nổ ở cánh rừng Ô Rô” hay một câu thơ làm lay động lòng người “Đọc trong Kiều tưởng câu hát dân gian/Nghe xôn xao trong gió hội mây ngàn”. Nhà văn Nguyên Nam có điều kiện chạm mặt khá sớm với chiến trường Khu 6, đã làm nên tác phẩm “Nơi tình yêu đi qua”. Hầu hết các tác giả mãi đến khi quê hương hòa bình mới có điều kiện sống lại với nỗi nhớ, với xuyến xao, rồi gom góp để hình thành tác phẩm. Như Thu Lâm (Trần Ngọc Trác) với tập thơ “Gió biển hương ngàn” (1992), Yên Ba với tập truyện “Vỡ tổ” (2005), Huy Đạt với “Vững một niềm tin” (thơ), Nhất Liên Hương (thơ), Trương Công Lý (tạp văn),Trần Thị Xuân Lâm (văn)… Mỗi tác giả là mỗi chứng nhân của vận mệnh lịch sử địa phương đã gợi lên niềm tự hào với hình tượng người chiến sĩ đầy khí phách. Ngợi ca phẩm chất anh hùng cách mạng mà dung dị, rất đời thường được thể hiện trong các bút ký, hồi ức của Huy Sô, Xuân Nhị, Nguyễn Trung Bảy, Hoàng Cẩn, Nguyễn Bá Chinh, Chính Trực… đưa những nhân vật đi vào huyền thoại. Hay bằng cảm nhận sâu đậm với vùng đất này, là quê hương thứ 2, vẫn mãi đau đáu trong Hồ Phú Diên, Lê Xuân, Xuân Lộc… Coi đây chỉ một phần nào hội tụ, phản ánh tính chân thật của dòng văn học cách mạng giàu tính sử thi và ắp đầy cảm hứng lạc quan… và làm nền tảng kế thừa của văn học nghệ thuật phát triển trong thời kỳ mới.

Lần giở những trang chữ, dẫu hình ảnh xưa một thời với cái nhìn chân thật, qua ngòi bút nhiều trải nghiệm, chuyên nghiệp của từng tác giả mới thấy trong đó biết bao sinh động không khác gì những thước phim tái hiện sự khốc liệt, gian khổ diễn ra trên mảnh đất cực Nam Trung bộ này. Trong đó, dù ở góc nhìn từ bưng biền, trên tuyến lửa hay từ trong hồi ức, các tác phẩm vẫn đong đầy giá trị nhân văn, ý chí cách mạng, lòng yêu nước của quân và dân Bình Thuận làm nên những kỳ tích kiêu hùng.

Với tập sách này, có thể coi đây là một công trình văn học có ý nghĩa chính trị và mang giá trị nhân văn, phản ánh một chặng đường lịch sử đầy thử thách và kiêu hãnh của Bình Thuận.

PHAN CHÍNH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những trang viết hào hùng ngày ấy!