Theo dõi trên

Ngọn tập tàng ngày mưa  

17/07/2020, 08:47 - Lượt đọc: 60

BT - Tôi chợt trở mình khi nghe lạnh trong đêm, vẳng tiếng mưa rơi đều trên mái. Rào rạt rồi tí tách, cứ rả rích mãi không thôi làm cho tôi chẳng cuộn mình lại được. Bật sáng đèn, vén rèm nhìn thẳng ra sân, sợi mưa đan dày nghiêng bay trên ngọn đèn trước cổng, chao lượn, đong đưa theo từng cơn gió tạt qua. Mưa đêm gợi nhớ nỗi lòng, bất chợt nhớ về quê cũ. Pha một ly cà phê phin đậm, tôi mơ màng, bồi hồi với nỗi nhớ ngày xưa. Những ngày xưa thơ ấu nơi một vùng quê nghèo ven thị xã.

Làng Phú Tài chạy dài bên cạnh con mương rộng, đưa nước sinh hoạt bốn mùa về cho phố thị, là quê nội của tôi. Xa hơn chút là làng Xuân Phong quê ngoại. Ngày ấy, ở những vùng quê này, nhà nào cũng có một mảnh vườn và thêm năm ba sào ruộng nước. Vườn trên đất gò, cao hơn một chút so với mặt ruộng, rộng hẹp tùy nhà nhưng ít nhất cũng được năm sào đến non một mẫu, trồng đủ loại cây trái bên cái ao và ngôi nhà cổ rêu phong. Có lần tôi đã hỏi nội: “Sao nội không trồng luôn một thứ để có nhiều dễ bán?”. Nội cười hiền hậu rồi vỗ đầu tôi nhỏ nhẹ: “Có ý hết đó con ơi”. Cái vườn gắn với ngôi nhà, với mảnh ruộng. Ruộng cho mình lúa nếp, vườn cho mình rau quả, cây trái, cái chính là có đủ cái mà ăn và mùa nào cũng có thứ mà dùng. Nội trồng mỗi loại vài cây, mít, xoài, vú sữa, dừa, khế, chùm ruột, ổi, thêm mấy gốc chùm quân mọc dại. Bên vài bụi chuối hương, mấy cây bưởi đang trổ hoa tháng sáu, cùng những cây mảng cầu dai và cây bồ kết cuối vườn. Nhiều thứ để chi hả nội? Để mùa nào cũng có trái cây lộc của vườn, hái vào đơm cúng vái ông bà. Thứ nữa là để cho con cháu, đứa nào về quê cũng có cái để ăn, để phá, để tìm hiểu và để nhớ thương, để lũ bây đừng bỏ nội mà đi. Dưới những tán cây trong vườn, bên cạnh cái ao có khoảnh rau xanh các loại, là một khoảng trời thơ với những tiếng chim ríu rít mỗi sớm mai đã níu lòng tôi không bao giờ quên được. Nhớ cái lúc từ khung trời tháng sáu đổ đi, trời có lúc mưa chiều, có lúc mưa đêm. Bà tôi bảo: “Mưa như vầy cây trái tốt tươi, rau hoa cũng tràn ngập màu xanh, sáng lại nắng lên khu vườn đẹp lắm”. Hàng cây táo nhơn được trồng quanh vườn, vừa là ranh giới, vừa là giàn leo cho những loại rau, những loại dây mọc dại quanh vườn. Nào bình bát, chùm bao, mồng tơi, cứ leo không ngại, vươn những đọt non, xanh mơn trên những cành cây. Bên dưới, quanh những gốc cây có nhiều các loại rau chen nhau mọc. Rau má, rau sam, mã đề, dền cơm, dền gai, lá lốt, thêm mấy bụi chùm ngây, bồ ngót, trên cả chục loài như tấm thảm xanh phủ che trên đất, những loại rau dân dã, mộc mạc vườn nhà trên vùng quê yêu dấu.

         

Thưở ấy, cứ mỗi sáng sau trận mưa đêm, nội và cô tôi cắp rổ ra vườn, chặp sau mang vào là 2 rổ rau xanh mướt đủ loại khắp vườn. Bà tôi bảo: “Cái loại rau này người ta gọi là rau tập tàng, hái từ lá và ngọn của các loại rau trong vườn, nấu canh ăn rất mát”. Tôi tròn mắt: “Sao gọi là rau tập tàng?”. Ờ! Đúng ra phải gọi là rau thập toàn, rau thập cẩm. Thập toàn đại bổ là cách gọi theo chữ, gọi lâu ngày đọc trại ra chỉ còn lại hai tiếng tập tàng cho dễ nhớ mà lại bình dân. Bởi vì nó chỉ là loại rau bình thường, mọc tự nhiên trong vườn, ít được chăm sóc, nhưng về cái hương vị quê hương và giá trị dinh dưỡng cũng như dược tính có trong từng loại rau rất cao mà ít người biết đến. Con biết không? Tháng sáu ngày hè, tiết trời nóng nực, chịu khó ra ruộng đi ven theo bờ hay dọc mấy con mương, bắt chừng ít chục con cua đồng. Lột mai lấy gạch để riêng, làm sạch cua rồi bỏ vào cối quết nhuyễn, sau đó chắt lấy nước cốt của cua làm nước nấu canh. Bắc nồi lên bếp, mở cái chạn đựng thức ăn lấy cái tiềm đựng mỡ, múc một muỗng cho vào nồi, chờ mỡ nóng cho hết mớ gạch cua đã được ướp hành ớt và nước mắm vào khuấy đều cho dậy mùi thơm, cho tiếp tô nước cốt cua vào, đảo sơ mấy lượt rồi chờ nước sôi. Nồi nước cốt cua đang sôi, váng cua nổi lều bều mùi thơm dậy mũi. Còn một món nữa cũng đơn giản nhưng đã ăn qua là mãi nhớ đời. Vào những ngày mưa dầm, hái một rổ rau to mang vào luộc xong để nguội, giã một cối tỏi ớt, pha thêm chút đường, xong cho thêm mấy muỗng mắm nêm, khuấy đều nêm lại cho vừa ăn. Tập tàng mà chấm mắm nêm, nồi cơm bay hết hồi nào không hay, tô nước luộc rau bỏ vào nhúm muối, vắt ít miếng chanh, húp ngang thôi cũng nghe mát cả mùa hè.

Quê hương là vậy đó con! Nồi canh rau tập tàng nấu riêu cua từng ngày giúp con khôn lớn. Tập tàng chấm mắm nêm sẽ làm con nhớ mãi cái mặn mòi của tình quê, tình gia đình, gia tộc.

NguyỄn Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngọn tập tàng ngày mưa