Theo dõi trên

Quản lý thủy sản có sự tham gia của cộng đồng

16/07/2020, 10:16

Bài 2: Hiệu quả và nhân rộng

 BT- Thuận Quý là xã bãi ngang ven biển thuộc huyện Hàm Thuận Nam, dân số khoảng 3.077 người, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, trong đó thủy sản chiếm 17%… Xã có chiều dài đường bờ biển khoảng 4 km, có nhiều nguồn động vật thân mềm khá dồi dào và nhiều loài có sinh khối lớn đặc biệt là sò lông, điệp quạt, dòm nâu, bàn mai, nghêu lụa. Bên cạnh đó, nguồn lợi cá nổi như các loại: cá cơm, nục, chỉ, ngân, trác… các loại mực cũng khá đa dạng.

                
      Ngư dân thả sò giống.

 Thành công bước đầu

Toàn xã Thuận Quý có 12 tàu và khoảng 68 thúng chai lắp máy hoạt động khai thác thủy sản với trên dưới 200 lao động biển hoạt động bằng các nghề lặn, câu, lưới rê ven bờ.

Dự án được triển khai trên diện tích khoảng 16 km2 vùng biển ven bờ xã Thuận Quý, có sự tham gia của 60 thành viên là đại diện các hộ ngư dân hành nghề khai thác thủy sản tại địa phương. Trong quá trình triển khai dự án, ngư dân Thuận Quý đã phối hợp với các ngành chức năng liên quan thu gom và thả xuống biển được 114 tấn sò giống tại những khu vực là nơi sinh sống trước đây của sò lông; đánh dấu giới hạn vùng biển gồm 8 điểm chà và tiến hành thả 10 điểm chà kiên cố để bảo vệ vùng biển thuộc dự án và thu hút các loài hải sản đến sinh sống. Ðể thực hiện các hoạt động này, ngoài nguồn kinh phí do chương trình UNDP-GEF SGP tài trợ, các ngư dân đóng góp gần 300 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Trí, ngư dân xã Thuận Quý cho biết: “Ngoài nhân công, phương tiện thì mỗi hộ dân chúng tôi còn đóng góp thêm từ 3 - 5 triệu đồng tiền mặt để mua sò giống và thả chà kiên cố”. 

Song song đó, Hội Nghề cá cũng đã tổ chức các hoạt động truyền thông, tập huấn về phương thức đồng quản lý; xây dựng quỹ vay vốn xoay vòng không tính lãi với số vốn ban đầu là 160 triệu đồng cho ngư dân vay vốn thực hiện các hoạt động sinh kế bằng nghề khai thác thủy sản hoặc những ngành nghề khác trên bờ. Mặt khác các thành viên trong nhóm thay phiên túc trực theo dõi trên bờ và kết hợp giám sát trên biển trong quá trình khai thác, phát hiện, ngăn chặn và hỗ trợ cơ quan Nhà nước xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Theo Chi cục Thủy sản, qua quá trình triển khai thực hiện mô hình, mật độ sò lông đang dần được phục hồi, có thời điểm đạt 150 con/m2, thấp nhất cũng đạt 10 con/m2, với tổng trữ lượng khoảng 100 tấn với kích cỡ từ 40 - 50 mm. Lượng tôm hùm, cá ngựa, mực và cá các loại xuất hiện dày hơn, dần dần sò lông tự nhiên bắt đầu phát triển và sinh sản trở lại ở vùng biển Thuận Quý. Đồng thời, qua các đợt lặn quan sát của Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho thấy, nền đáy biển ít bị cào xới, tàn phá do hoạt động của nghề giã cào bay, các bãi ốc ruốc, ốc tỏi, sò nước… xuất hiện và sinh sản trở lại.

“Nguồn lợi sò lông nói riêng và các nguồn lợi thủy sản khác như cá, mực, tôm… phục hồi đã tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho ngư dân, thậm chí tăng từ 3 - 4 lần so với thời điểm trước. Tàu từ 6 - 12m đánh bắt bình quân được 3 - 5 triệu đồng/đêm, ngư dân nghề lưới rê có thu nhập trung bình từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày”, ông Trần Văn Lanh – Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Hàm Thuận Nam cho biết.

 Nhân rộng mô hình

Từ kết quả của mô hình đồng quản lý nguồn lợi sò lông ở xã Thuận Quý, tỉnh Bình Thuận đã nhân rộng mô hình ra các xã Tân Thuận và Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam. Đến nay, số thành viên của hội cộng đồng ngư dân xã Tân Thành đã phát triển được 34 hộ, đạt 68% kế hoạch, Tân Thuận là 54 hộ, đạt 108% kế hoạch. Bên cạnh đó, bằng nguồn vốn đối ứng của huyện đã hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ hoạt động, sửa chữa và trang trí nhà sinh hoạt chung cho các hội. Các tổ chức hội mới thành lập đã triển khai được một số hoạt động như thi công chà đánh dấu, tổ chức sinh hoạt và hội họp, theo dõi tình hình vi phạm, vay vốn sinh kế.

“Huyện Hàm Thuận Nam đã đạt được mục đích cao nhất là bảo vệ và khôi phục nguồn lợi thủy sản của vùng biển này khi dự án đã chấm dứt. Nguồn lợi thủy sản phát triển cả ngàn lần, đây thực sự là một ấn tượng rất lớn đối với hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Mặt khác, nhận thức của một cộng đồng ngư dân cũng như chính quyền địa phương đã được chuyển đổi đáng kể”, ông Huỳnh Quang Huy - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh chia sẻ.

Cũng theo ông Huỳnh Quang Huy, để tiếp tục phát huy một cách bền vững, cần sớm cụ thể hóa khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ ngư dân; gắn kết quyền khai thác thủy sản đi đôi với trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản; ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Hiệu quả rõ rệt từ mô hình cộng đồng ngư dân cùng quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển ở huyện Hàm Thuận Nam là cơ sở để tỉnh Bình Thuận nhân rộng ra các địa phương đang có nguồn lợi thủy sản đang bị khai thác quá mức.

Công Nam - Thanh Nhàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy La Gi: 
Cần khai thác tốt hơn lợi thế, tiềm năng thị xã
BTO-Ban Thường vụ Tỉnh ủy có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy La Gi về kết quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, vào sáng nay, 24/4. Đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên Dự khuyết BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có các đồng chí đại diện Vụ Địa phương II, Văn phòng TW Đảng; Cơ quan thường trực phía Nam, Ban Tuyên giáo TW Đảng; các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo sở, ngành liên quan.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quản lý thủy sản có sự tham gia của cộng đồng