Theo dõi trên

An toàn điện cho sản xuất thanh long

13/07/2020, 11:22

Trên toàn tỉnh Bình Thuận đến thời điểm hiện nay, diện tích trồng cây thanh long khoảng 30.000 ha, đây là nguồn thu nhập chủ yếu của một phần lớn bà con trong các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Bắc Bình…

Để sản xuất thanh long trong mùa trái vụ, bà con đã sử dụng điện từ trạm biến áp cung cấp điện chong đèn, tưới tiêu cây thanh long. Trong thời gian đầu, do kiến thức về an toàn điện chưa được hiểu biết đầy đủ dẫn tới một số vụ tai nạn do điện giật như vô ý va chạm vào mối nối, sử dụng máy bơm nước không nối đất vỏ, không treo biển cảnh báo khi chong đèn thanh long…

Người dân sử dụng điện chong đèn thanh long trái vụ

Trước tình hình đó, Công ty Điện lực Bình Thuận đã phối hợp với Sở Công thương tỉnh Bình Thuận đã triển khai một số công tác như sau:

Tổ chức tuyên truyền kiến thức về an toàn điện cho bà con với nhiều hình thức như: phát tờ rơi về sử dụng điện an toàn, lắp pa-nô để tuyên truyền về an toàn điện; tổ chức các lớp học tại các huyện, xã hướng dẫn bà con các biện pháp sử dụng điện an toàn, cách đấu nối dây đúng kỹ thuật. Các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra và các biện pháp an toàn để đề phòng tai nạn cho mình và những người xung quanh. Các bước cấp cứu khi xảy ra có người bị điện giật; cung cấp số điện thoại nóng của Điện lực và cơ sở y tế gần nhất để người dân kịp thời liên lạc, tìm kiếm hỗ trợ trong thời gian nhanh nhất… Bên cạnh đó công nhân điện lực thường xuyên đến các hộ dân kiểm tra và nhắc nhở về sử dụng điện an toàn; hướng dẫn các biện pháp đúng kỹ thuật, an toàn về điện khi người dân vào mùa chong đèn thanh long trái vụ; xử lý, khắc phục kịp thời khi có sự cố xảy ra để đảm bảo an toàn cho người dân và thiết bị cung cấp điện.

Nhằm đảm bảo việc cung cấp điện được an toàn và không gây nguy hiểm cho người sử dụng, Công ty Điện lực Bình Thuận tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn người dân nên thực hiện đúng kỹ thuật và đảm bảo an toàn phần dây câu mắc sử dụng chong đèn cho hệ thống cây thanh long thuộc tài sản khách hàng tự đầu tư như sau:

+ Các dây dẫn sau công-tơ khách hàng phải bảo đảm chất lượng, đúng quy định của ngành Điện. Phần dây sau công-tơ phải sử dụng dây nhiều sợi bọc cách điện hoặc cáp điện đáp ứng cho công suất phụ tải cần sử dụng. Cải tạo, thay thế dây điện cũ, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Cầu dao phải đặt trong thùng treo trên trụ chắc chắn và mỗi dây có mắc các bóng đèn là một cầu dao riêng biệt, không bố trí nơi ẩm ướt, dễ thao tác, dễ nhìn thấy. Phân bổ công suất (bóng đèn) đều ở các dây cho từng luống đúng với công suất của cầu dao và dây dẫn điện...

+ Hệ thống dây dẫn phục vụ cho công việc tưới tiêu là dây dẫn đúng công suất sử dụng, phải được lắp trên sứ cách điện có xà đỡ sứ; cột điện có thể là cột bê tông vuông, bê tông li tâm..., không mắc dây trên cây xanh, gá lên mái nhà. Nối dây phải bằng nối ép hoặc mối nối dây an toàn và có quấn băng keo cách điện ngay các mối nối. Hệ thống máy bơm nước phải tiếp đất vỏ máy bơm đúng theo quy định kỹ thuật hoặc của nhà chế tạo và đặt nơi cao ráo chắc chắn có che chắn cho máy bơm. Trước khi tưới phải kiểm tra cắt điện hết khu vực cần tưới và xung quanh. Chú ý không được dùng vòi phun với công suất lớn làm nước bắn vào đường dây trung thế và trạm biến áp đang có điện. Khi thao tác cầu dao điện tay và người phải khô ráo. Khi gặp trời mưa lớn không được ra thao tác cầu dao để đóng điện. Vận động người dân nên trang bị găng tay cách điện hạ thế để thao tác cho an toàn

Công nhân kiểm tra lúc người dân chong đèn trái vụ ban đêm

 Kết quả: Qua nỗ lực thực hiện công tác tuyên truyền về an toàn điện “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, trong các năm qua hầu như không xảy ra tai nạn điện nào trên địa bàn tỉnh Bình Thuận do vi phạm an toàn khi chong đèn thanh long, người dân ngày càng có ý thức về an toàn điện khi chong đèn. Đã có sự gắn kết với các ngành có liên quan để được giải quyết mọi vướng mắc cũng như thắc mắc những khó khăn của người dân. Qua đó cho thấy việc tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân là việc làm rất hữu ích cho xã hội và sự an toàn trong lao động của người dân. Tăng thêm phần tin tưởng của người dân vào chất lượng phục vụ của ngành Điện và các cơ quan ban ngành có liên quan.

AN TOÀN ĐIỆN, BẢO VỆ HÀNH LANG AN TOÀN LƯỚI ĐIỆN, PHÒNG TRÁNH TAI NẠN ĐIỆN TRONG DÂN

 Điện năng là nguồn động lực, nguồn năng lượng phục vụ trong sản xuất và đời sống, phục vụ phát triển từng hộ gia đình và cho xã hội. Nhờ có điện năng, quá trình sản xuất được tự động hoá và cuộc sống của con người văn minh hiện đại hơn.

Tuy nhiên, nếu không có kiến thức sử dụng, vận hành không an toàn nguồn năng lượng này thì điện năng sẽ là mối nguy hiểm đặc biệt, dẫn đến hàng loạt vụ sự cố điện, gây cháy nổ, chết người và thiệt hại tài sản rất lớn cho con người. Theo thống kê trên địa bàn các tỉnh phía Nam, hàng năm có hàng trăm vụ sự cố trên lưới điện, hàng trăm vụ tai nạn do điện gây ra với thiệt hại và hậu quả xảy ra là vô cùng nghiêm trọng.

Để hạn chế những thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng con người do hành vi thiếu hiểu biết, thiếu ý thức trong việc chấp hành các quy định về an toàn điện, chúng ta cần biết một số hành vi vi phạm có thể dẫn đến sự cố và tai nạn điện sau đây:

I.  An toàn cho công trình lưới điện cao áp:

1.Không sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều, quán, buộc gia súc hoặc sử dụng vào mục đích khác.

2.Không tự ý cơi nới, xây dựng nhà ở gần công trình điện. Phải giữ khoảng cách an toàn từ dây ngoài cùng về mỗi phía khi dây ở trạng thái tĩnh đường dây của các cấp điện áp theo quy định:

+ Điện áp 22kV (từ 1,0 mét đối với lưới điện dây bọc và từ 2,0 mét đối với lưới điện dây trần).

+ Điện áp 110kV là từ 4,0 mét.

3.Không lắp đặt ăng-ten thu phát sóng; dây phơi; giàn giáo; biển, hộp đèn quảng cáo và các vật dụng khác tại các vị trí mà khi bị đổ, rơi có thể va chạm vào công trình lưới điện cao áp.

4.Không trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, trạm điện.

5.Không thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện.

6.Không bắn chim đậu trên dây điện, trạm điện hoặc quăng, ném bất kỳ vật gì lên đường dây điện, trạm điện.

7.Không trộm cắp hoặc tháo gỡ dây néo, dây tiếp địa, trang thiết bị của lưới điện; trèo lên cột điện, vào trạm điện hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không có nhiệm vụ.

8.Không đốt nương rẫy, sử dụng các phương tiện thi công gây chấn động hoặc có khả năng làm hư hỏng, sự cố công trình lưới điện, trạm điện, nhà máy điện.

9.Khi có hoạt động gần công trình điện thì liên hệ trước với đơn vị quản lý vận hành lưới điện để được hướng dẫn biện pháp an toàn.

10.Không vận hành máy khoan, xe cuốc đất, xe cẩu, xe ben gần công trình điện. Phải giữ khoảng cách an toàn đến đường dây trên 04 mét (đối với lưới điện trung thế 22kV) và trên 06 mét (đối với lưới điện cao thế 110kV).

11.Không đào đất gây lún sụt công trình lưới điện cao áp, trạm điện.

12.Không đắp đất, xếp các loại vật liệu, thiết bị hoặc đổ phế thải vi phạm khoảng cách an toàn.

II.An toàn điện trong mùa mưa bão

1.Không tự ý cơi nới, xây dựng nhà, dựng ăng-ten, biển quảng cáo gần công trình điện. Phải giữ khoảng cách an toàn từ dây ngoài cùng về mỗi phía khi dây ở trạng thái tĩnh đường dây của các cấp điện áp theo quy định:

+ Điện áp 22kV (từ 1,0 mét đối với lưới điện dây bọc và từ 2,0 mét đối với lưới điện dây trần).

+ Điện áp 110kV là từ 4,0 mét. 

2.Không trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, trạm điện. 

3.Không đứng dưới cột điện khi trời mưa hoặc lúc có giông sét.

4.Không tự ý leo lên cột điện, trạm điện hoặc chạm người vào dây chằng cột, dây nối đất, thùng điện kế,…đề phòng điện giật do rò điện khi trời mưa, giông, bão.

5.Không dùng điện để rà cá, bẫy chuột, làm rào chống trộm,… gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

6.Không tới gần trụ điện ngã, dây điện bị đứt. Khi thấy dây dẫn đứt, rơi xuống đất hoặc còn lơ lửng phải có biện pháp để không cho mọi người tới gần dưới 10 m, kể cả bản thân và báo ngay cho Điện lực để xử lý.

7.Cầu dao, cầu chì, aptomát, động cơ điện,... lắp ngoài trời phải che chắn và lắp đặt ở độ cao phù hợp tránh mưa dột, ngập nước.

8.Khi có người bị điện giật thì hô to gọi mọi người đến cứu giúp. Phải tìm cách nhanh nhất để tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện và cứu chữa đúng phương pháp, không được đổ nước, đắp sình lên mình nạn nhân.

Nên lắp đặt aptomát chống giật, chống chạm để bảo vệ chống tai nạn điện và ngăn ngừa sự cố điện gây ra cháy nổ.

 PHÒNG AN TOÀN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An toàn điện cho sản xuất thanh long