Theo dõi trên

Để “rồng xanh” vươn xa

10/07/2020, 10:19 - Lượt đọc: 318

BTO- Thanh long là một trong những cây ăn quả chủ lực của Bình Thuận. Những năm qua, thị trường tiêu thụ loại trái cây này không ngừng được mở rộng. Thế nhưng giá thanh long vẫn bấp bênh, không ổn định. Do đó, da dạng hóa mặt hàng thanh long là chiến lược lâu dài và bền vững mà Bình Thuận đang hướng đến đối với sản phẩm lợi thế của tỉnh.

Được thành lập cuối năm 2015, Hợp tác xã thanh long Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc chuyên sản xuất mặt hàng rượu vang từ thanh long. Sau khi thu mua quả tươi từ các hộ trồng thanh long, trải qua nhiều công đoạn chế biến, thông thường 10 kg thanh long tươi sẽ được 3 lít rượu thanh long.

 Hiện nay, mặt hàng rượu vang thanh long của hợp tác xã đã có mặt tại nhiều địa phương trong cả nước như: thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Đặc biệt, Hợp tác xã thanh long Hàm Đức đã ký kết thành công hợp đồng độc quyền phân phối tại Trung Quốc .

 

Canh tác 80 ha thanh long thực hành theo tiêu chuẩn nông nghiệp Global Gap từ năm 2010 đến nay. Bên cạnh xuất khẩu trái cây tươi, trang trại Kim Hải – huyện Hàm Thuận Nam đã từng bước thành công khi chinh phục thị trường trong nước và xuất khẩu với các sản phẩm nước ép thanh long, thanh long sấy dẻo và snack thanh long. Hiện, các sản phẩm này của doanh nghiệp đã hiện diện ở một số thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Thành công không tự nhiên đến mà nó được doanh nghiệp ấp ủ và dày công thực hiện trong quãng thời gian dài.

Hiện nay, Bình Thuận có hơn 30.000 ha thanh long, sản lượng đạt trên 600.000 tấn/năm. Thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là Trung Quốc, chỉ cần một chút biến động ở thị trường này, thì ngay lập tức giá cả thu mua sẽ bị tác động.

 Trước thực trạng trên, Bình Thuận đã có hơn 10 doanh nghiệp nghiên cứu cho ra mắt nhiều sản phẩm làm từ thanh long, như: thanh long sấy khô, thanh long sấy dẻo, nước ép, si rô, rượu vang thanh long.

Sở Công thương Bình Thuận cho biết: Đây là hướng đi đúng của các cá nhân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, đa số các HTX, doanh nghiệp này đều có quy mô nhỏ, công nghệ chế biến chưa hiện đại nên hiệu quả kinh tế đem lại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Để hỗ trợ nghiên cứu và đầu tư chế biến thành sản phẩm công nghiệp từ trái thanh long nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra giá trị gia tăng, Sở Công thương Bình Thuận chủ động liên hệ với sở công thương của các tỉnh, thành như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tổng công ty lớn trong cả nước đến Bình Thuận liên kết với các doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại và nâng quy mô sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Việc đa dạng các sản phẩm từ thanh long là hướng đi đúng, hứa hẹn mở ra nhiều ưu thế xuất khẩu thay cho trái thanh long tươi. Từ đó, giúp cho thương hiệu thanh long Bình Thuận tiếp tục giữ vững và giá trị của thanh long ngày càng được nâng cao.

Thanh Nhàn – Ngọc Lân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để “rồng xanh” vươn xa