Theo dõi trên

Có phải năm học 2019 - 2020, giáo viên dạy không thừa tiết?

09/07/2020, 09:21

BT- Những ngày qua, nhiều thầy cô ở các cấp học, đặc biệt cấp tiểu học băn khoăn chuyện không được hưởng chế độ thừa tiết trong năm học 2019 – 2020. Có thầy cô cho rằng như vậy là không công bằng đã làm đơn gửi đến cơ quan chức năng can thiệp. Vậy nguyên nhân của vấn đề do đâu cần được làm rõ. 

Mấu chốt của vấn đề

Nếu năm học 2019 - 2020 êm đềm như những năm học trước thì không có chuyện gì xảy ra, nhưng năm học này vướng vào dịch Covid-19 nên mọi thứ đảo lộn. Nhiều cấp học cho học sinh nghỉ học để chống dịch, chủ yếu nghỉ trong học kỳ II. Cấp tiểu học cũng vậy, tổng tuần học kỳ II có 17 tuần học thì có 10 tuần học còn 7 tuần nghỉ. Trong thời gian nghỉ, học sinh học ở nhà qua công cụ trực tuyến có sự hướng dẫn của thầy cô. Dù ở nhà phòng chống dịch không lên trường nhưng thầy cô luôn trong tư thế sẵn sàng cho công việc ở trường, nếu ban giám hiệu nhà trường yêu cầu.

                
   Giáo viên thừa tiết sẽ được hưởng chế độ    ngoài giờ. Ảnh Đình Hòa.

Theo Thông tư 28 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), thời gian làm việc của giáo viên tiểu học trong 1 năm học là 42 tuần, trong đó 35 tuần giảng dạy và các hoạt động giáo dục khác, phải đảm bảo đủ chuẩn 805 tiết/năm. Với quy định như vậy, năm học 2019 - 2020 giáo viên dạy không đủ tuần và đủ tiết như những năm học trước, đồng nghĩa với việc không thừa tiết. Những ngày qua chuẩn bị kết thúc năm học, các trường tổ chức các cuộc họp cuối năm, trong đó có thông báo nội dung, năm học này không tính tiền thừa tiết, nghĩa là không thanh toán tiền ngoài giờ cho các thầy cô.

Tuy nhiên, có những giáo viên không chấp nhận với không ít lý do như học kỳ I dạy dư tiết tại sao không tính; trong thời gian nghỉ dịch giáo viên vẫn phải trực trường; dạy trực tuyến gửi bài tập cho học sinh làm… “Không tính tiền ngoài giờ như vậy là chưa công bằng, vì thực tế dù nghỉ chống dịch nhưng giáo viên vẫn phải làm những công việc ở trường... Rồi còn kiêm nhiệm công việc của giáo viên nghỉ hưu, bảo sản”, thầy N. và cô T. ở các trường tiểu học chia sẻ. Ngoài ra, họ cho rằng làm như vậy là không đúng với tinh thần Công văn 829 của Sở GD&ĐT, hướng dẫn một số nội dung về chế độ làm việc, nghỉ hè đối với giáo viên làm việc trong thời gian phòng chống dịch Covid-19. 

Do đâu?

Cô Nguyễn Thị Hồng Thúy – Hiệu trưởng Trường tiểu học Đức Thắng 1, TP. Phan Thiết cho biết, cũng có nghe râm ran vấn đề không tính tiền ngoài giờ trong giáo viên hiện nay. Đối với Trường tiểu học Đức Thắng 1, chúng tôi giải thích rõ cho giáo viên biết, không phải là không giải quyết thừa tiết mà có thừa tiết thì mới giải quyết. Số tiết thừa không giảng dạy do dịch bệnh, chúng tôi hoàn tiền lại cho phụ huynh học sinh. Bởi vì, đầu năm học thu của phụ huynh để hỗ trợ giảng dạy trong năm học, nhưng không dạy thì trả lại. 

Liên quan việc thắc mắc không thanh toán tiền thừa tiết của học kỳ I, ông Thân Trọng Lê Hà – Trưởng Phòng GD&ĐT TP. Phan Thiết lý giải, không có văn bản hoặc quy định nào cho phép tính tiền thừa tiết hoặc thừa giờ từng học kỳ. Cần phải hiểu rằng, tính thừa tiết hoặc thừa giờ là tính trên năm học và tính trên toàn trường vào cuối năm học. Tính trên tổng số tiết của trường đã dạy bao gồm dạy kiêm nhiệm, nếu tổng số tiết mà nhiều hơn số tiết quy định thì trường đó có thừa tiết. Số tiết thừa quy ra tiền thanh toán cho giáo viên. Về vấn đề chỉ đạo quy đổi tiết dạy cho giáo viên trong thời gian chống dịch Covid-19 cũng như thực hiện Công văn 829 của Sở GD & ĐT, ngay sau khi nhận được công văn của sở,  Phòng GD&ĐT đã ban hành Công văn 427 gửi đến hiệu trưởng các trường triển khai thực hiện. Ông Hà cho biết thêm: “Khi nhận được công văn của sở, chúng tôi triển khai ngay đến các trường. Đề nghị hiệu trưởng các trường hướng dẫn giáo viên, nếu có tham gia giảng dạy trong thời gian này thì liệt kê để hưởng chế độ, nhưng phải có cơ sở chứng minh”.

 Vấn đề của sự việc đã rõ, cái chính liên quan đến trách nhiệm của hiệu trưởng của các trường. Chế độ chính sách của giáo viên làm việc trong mùa dịch Covid-19, chi trả tiền ngoài giờ dạy kiêm nhiệm... là vấn đề nội bộ của các trường. Để làm rõ thêm vụ việc, chúng tôi liên hệ với phòng giáo dục của các huyện. Cán bộ một phòng giáo dục cho biết, khi nhận được Công văn 829 của Sở GD&ĐT, phòng triển khai ngay cho các trường. Các trường phải tự tính chi trả chế độ cho giáo viên, phòng giáo dục cũng như UBND huyện không nhúng tay vào. Nhưng khi tính phải có kế hoạch rõ ràng chứng minh việc được phân công giáo viên làm việc trong thời gian dịch bệnh.

Việc một số giáo viên băn khoăn chế độ ngoài giờ, các trường cần xem lại, đã triển khai hướng dẫn cho giáo viên đúng chưa, để giáo viên yên tâm.

    
    Công văn 829 của Sở   GD&ĐT:   Khi xác định chế độ làm việc của giáo viên, phòng giáo dục và các   trường  lưu ý, căn cứ tình hình thực tế tổ chức dạy học và các hoạt động   cụ thể của giáo viên, hiệu trưởng trao đổi với tổ hoặc nhóm chuyên môn   để xác định số tiết thực dạy và tính toán, quy đổi thời gian thực hiện   các công việc chuyên môn khác ra tiết dạy, xác định tổng số tiết của   giáo viên...

Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có phải năm học 2019 - 2020, giáo viên dạy không thừa tiết?