Theo dõi trên

Nỗi lo của chủ tịch những xã “nóng” về đất đai

08/07/2020, 10:11 - Lượt đọc: 12

BT - Chưa khi nào đất đai ở Bình Thuận lại “nóng” như thời gian gần đây, nhất là ở những xã, phường vùng ven biển. Sức nóng ấy vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đang thách thức công tác quản lý khiến nhiều chủ tịch UBND xã thêm lo.  

Nỗ lực giám sát

Không thể phủ nhận Bình Thuận cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước vừa trải qua “cơn bão” sốt đất đáng sợ. “Cơn bão” bao gồm nạn lấn chiếm đất công, sang nhượng đầu cơ tăng giá trục lợi; lập thủ tục hợp thửa, tách thửa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô để kinh doanh bất động sản... Hình thành các điểm dân cư hoặc khu dân cư mới không theo quy định cũng như không bảo đảm quy chuẩn xây dựng.kéo theo đó, phá vỡ quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng đô thị gây bức xúc và tạo dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân.

 Nếu không có sự vào cuộc sớm của các cấp, ngành ngăn chặn thì hậu quả khôn lường. Nhiều cán bộ có liên quan đã bị xử lý vì buông lỏng quản lý đất đai. Cơn sốt đất dù lúc này lúc kia đã hạ nhiệt nhưng ngành chức năng vẫn yêu cầu các địa phương theo dõi sát tình hình, nhất là các xã, phường “điểm nóng” về đất đai như Tiến Thành, Mũi Né, Thiện Nghiệp, Hòa Thắng... Những xã, phường này có nhiều dự án địa ốc, du lịch, sân bay nên không ít nhà đầu tư đổ xô về mua bán đất ăn theo dự án dễ tạo nên cơn sốt đất tiếp theo.

                
Nhiều diện tích đất ở xã Hòa Thắng đã bị    bán

Qua tìm hiểu, tình hình mua bán, lấn chiếm đất đai ở các xã, phường trong 6 tháng đầu năm, có phần lắng dịu trong thời gian tâm dịch Covid-19. Tuy nhiên, gần đây đang có chiều hướng “trỗi dậy”. Chủ tịch UBND các xã, phường chủ động yêu cầu cán bộ xã cũng như trưởng thôn, xóm theo dõi chặt chẽ và báo cáo ngay nếu phát hiện. “Chủ tịch UBND xã yêu cầu chúng tôi thường xuyên theo dõi nắm bắt thông tin về việc mua bán đất đai... kịp thời báo cáo. Đất chính chủ ở đây bây giờ người dân đã bán hết, nên ai đến mua chủ yếu mua lại của người khác” - Trưởng thôn Hồng Hải Hà Thị Thắm (Hòa Thắng – Bắc Bình) chia sẻ. Hòa Thắng là một trong những xã ven biển thuộc huyện Bắc Bình, năm qua xảy ra nạn mua bán, lấn chiếm đất đai khá phức tạp. Tình trạng này khiến cho lãnh đạo UBND các xã quản lý không xuể bởi lực lượng mỏng. 

Lo ngại

Thực tế nói thì dễ nhưng khi làm thì khó, có những công việc chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Nhiều lãnh đạo xã, phường có “điểm nóng” về đất đai đang trong tình trạng như vậy, dẫu biết cứ căn cứ theo quy định của pháp luật mà thực hiện. “Ớn quá! nhân lực thì mỏng, thiên hạ cứ đổ về xã làm giá mua đất, rất khó quản lý. Họ tự thỏa thuận với nhau rồi đặt cọc, không thông qua chính quyền địa phương... Vấn đề xử lý vi phạm hành chính về đất đai cũng gặp khó khăn khi thời hạn quy định trong Luật Xử phạt hành chính chỉ có 7 ngày, mà khối lượng công việc thì nhiều và “đoạn đường” chuyển đến UBND huyện hoặc tỉnh xử lý lại xa”- một lãnh đạo UBND xã Hòa Thắng phàn nàn.

Bên cạnh đó, lấn chiếm đất đai diễn biến phức tạp, nhận thức của một bộ phận người dân hạn chế, cứ nghĩ mình lấn chiếm được ít đất nào thì bán đi ít đất đó để có tiền. Đất bị lấn chiếm nhiều nhất là đất thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Phú. Vào những năm 1999,nhà nước phát động trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc giao cho banquản lý bảo vệ, đến nay cây đã đủ tuổi khai thác, cứ khai thác đến đâu, người dân lấn chiếm đến đó. Ngoài ra, khu vực 2 bên đại lộ Võ Nguyên Giáp, nhà nước thu hồi giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý, nhưng người dân quay lại lấn chiếm, trồng cây “đánh dấu” đất của mình. Ông Đỗ Ngọc Hòa – Chủ tịch UBND xã Thiện Nghiệp – TP.Phan Thiết cho biết, hiện tại UBND xã đã xử phạt khá nhiều trường hợp lấn chiếm, có trường hợp lấn chiếm rồi bán cho người khác, bị xử phạt lên tới cả 100 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không chấp hành hoặc chống đối, chây ì nộp tiền phạt... gây khó khăn cho địa phương. Mua bán chuyển nhượng đất đai trên địa bàn xã, hầu như không thể nắm, người mua cứ thỏa thuận giá rồi kéo nhau về thành phố làm giấy chuyển nhượng.

Vấn đề đất đai đang trở thành nỗi lo lớn của những xã “nóng” về đất đai bởi tính phức tạp của nó. Chưa biết khi nào hết “nóng” nhưng trước mắt nhiều lãnh đạo các xã lo lắng, luôn đặt việc quản lý lĩnh vực này lên hàng đầu.

Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi lo của chủ tịch những xã “nóng” về đất đai