Theo dõi trên

Không thể để ngân sách “đền bù đất công”

07/07/2020, 09:47

BT- Việc lấn chiếm đất công, sau đó hợp thức hóa thành đất “tư” đang diễn biến phức tạp trên địa bàn TP. Phan Thiết. Nhiều hộ dân khi biết UBND tỉnh sẽ thực hiện việc thu hồi đất để triển khai dự án, không những vừa chiếm đất, còn tranh thủ mua cây lớn về trồng để được kiểm kê, bồi thường. Trong khi đó, chính quyền địa phương thì xác nhận nguồn gốc đất một cách “bất nhất”… Do vậy, các ngành chức năng của tỉnh cần phải khẩn trương tiến hành thanh tra, kiểm tra, để ngăn chặn kịp thời việc đất công “biến” thành đất tư nhằm hưởng chính sách bồi thường của Nhà nước.

                
      
      Một góc diện tích đất ông Đ, dự kiến Nhà nước phải bồi thường hàng    chục tỷ đồng.

Từ các vụ việc đến đơn tố cáo…

Chỉ riêng phường Mũi Né – Phan Thiết đã thấy quá nhiều bất ổn, điển hình là vụ Nữ - Đoàn ở Mũi Né, vụ Mũi Né sai phạm trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã chuyển qua cơ quan cảnh sát điều tra; vụ ngang nhiên chiếm đoạt nhà, đất của công dân sau khi mua đấu giá của Nhà nước cũng xảy ra ở Mũi Né, vụ nhiều người dân lấn chiếm đất rừng xảy ra ở Thiện Nghiệp, Mũi Né…

Cùng những vụ việc trên, thời gian qua, Báo Bình Thuận thường xuyên nhận được đơn thư tố cáo, phản ánh của công dân về tình trạng lấn chiếm đất công rồi sau đó hợp thức hóa để được bồi thường, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển nhượng cho người khác, gây thất thoát lớn tài nguyên đất đai, ngân sách nhà nước. Nổi cộm nhất là đơn thư của công dân tố cáo, phản ánh tình trạng một số cá nhân lợi dung việc quản lý chưa sâu sát, chặt chẽ của chính quyền đã tranh thủ chiếm hàng chục hécta đất, có ý kiến cho rằng diện tích đất bị chiếm có đến cả trăm hécta đất công nằm trong Dự án xây dựng công trình đường và sử dụng quỹ đất 2 bên đường 706B thuộc địa bàn các phường, xã: Phú Hài, Hàm Tiến, Thiện Nghiệp, Mũi Né, trong đó người bị tố cáo nhiều nhất là ông Nguyễn Văn L (ở phường Hàm Tiến). Đơn tố cáo ông L đã bắt đầu từ năm 2014 nhưng không được chính quyền thành phố kiểm tra, xác minh, xử lý dứt điểm nên đến năm 2019 công dân tiếp tục có đơn tố cáo, cho rằng ông L đã chiếm rất nhiều diện tích đất công của Nhà nước quản lý trong dự án trên rồi kê khai bồi thường, chuyển nhượng cho người khác. Sau khi nhận đơn tố cáo ông L, Thường trực Tỉnh ủy đã có Thông báo số 758-TB/VPTU ngày 2/7/2019 yêu cầu kiểm tra, làm  rõ; đồng thời, UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 248/UBND-NCKSTTHC ngày 30/7/2019 chỉ đạo thanh tra việc quản lý, sử dụng đất, chuyển nhượng có liên quan đến ông Nguyễn Văn L. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan liên quan vẫn chưa thực hiện đúng theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Cần lưu ý rằng, khu vực đất 2 bên đường 706B như hiện nay, trước đây hầu hết là đất nằm trong quy hoạch 3 loại rừng và đất rừng do Nhà nước quản lý. Ngay từ năm 2008, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Công văn số 3487/UBND-KT ngày 21/7/2008, xác định có rất nhiều trường hợp (thuộc nhóm 1) có đất nằm trong khu vực đất 2 bên đường 706B có nguồn gốc là đất mới lấn chiếm kể từ ngày ban hành Quyết định số 09/2001/QĐ-UBND ngày 12/2/2001 của UBND tỉnh, không đủ điều kiện bồi thường về đất nhưng rất nhiều trường hợp sau đó vẫn được bồi thường?

“Bất nhất” khi xác nhận nguồn gốc đất…

Bên cạnh việc lấn chiếm đất công, sau đó hợp thức hóa thành đất “tư” để được hưởng chính sách đền bù khi Nhà nước triển khai dự án, nhiều hộ dân không những vừa chiếm đất, còn tranh thủ mua cây lớn về trồng để được kiểm kê, bồi thường. Qua làm việc với các cơ quan chức năng của thành phố, chúng tôi được biết hiện nay có rất nhiều trường hợp trước đây không được bồi thường, nhưng đến nay theo xác nhận nguồn gốc đất của địa phương thì đã được bồi thường, hỗ trợ hàng tỷ đồng, cá biệt có những trường hợp phải bồi thường, hỗ trợ lên đến hàng chục tỷ đồng/1 trường hợp, như trường hợp của ông Võ Thành Đ. Theo hồ sơ bồi thường, ông Đ được Quỹ Đầu tư hạ tầng và Phát triển quỹ đất lập biên bản kiểm kê vào năm 2007, ghi nhận diện tích đất là 77.782 m2. Căn cứ Công văn số 3487/UBND-KT ngày 21/7/2008 của UBND tỉnh, Hội đồng Bồi thường thành phố và Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh xác định ông Đ không đủ điều kiện bồi thường về đất nên sau đó ông Đ khởi kiện ra tòa. Điều đáng nói là qua nhiều lần xác nhận, UBND phường Hàm Tiến đều xác nhận toàn bộ diện tích đất 77.782 m2 có nguồn gốc do ông Đ khai hoang từ năm 1999 - 2003, sử dụng ổn định, canh tác liên tục cho đến thời điểm thu hồi đất. Tuy nhiên, sau khi có bản án của tòa, đại diện lãnh đạo UBND phường Hàm Tiến lại có ý kiến đề nghị bóc tách phần diện tích đất đồi động ông Đ không sử dụng trong tổng số diện tích đất 77.782 m2 đã kiểm kê và đề nghị không bồi thường? Ngoài ra, quá trình xác minh, ông Nguyễn Văn L cho rằng trong tổng diện tích đất 77.782 m2 của ông Đ kê khai có khoảng 25.000 m2 là do ông chuyển nhượng lại cho ông Đ nhưng UBND phường Hàm Tiến vẫn xác nhận là toàn bộ diện tích đất do ông Đ khai hoang. Qua những vụ việc điển hình trên cho thấy, đã có sự “bất nhất” và không chặt chẽ của chính quyền cơ sở trong việc xác nhận nguồn gốc đất, làm căn cứ cho việc bồi thường, điều này dễ gây thiệt hại cho công dân vì không đúng đối tượng cũng như gây thất thoát ngân sách nhà nước với số tiền rất lớn khi “đền bù đất công” cho tư nhân.

Nguyên nhân và giải pháp…   

Theo các cơ quan chức năng của thành phố, nguyên nhân có tình trạng trên thì có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là công tác quản lý nhà nước về đất đai trước đây chưa chặt chẽ, cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở đã không kịp thời trong việc kiểm tra, phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo quy định khi người dân mới bắt đầu lấn chiếm, nên đến nay ngay cả chính quyền cơ sở cũng không biết người dân lấn chiếm thời điểm nào nên “buộc” phải xác nhận cho người dân có sử dụng đất!

Ông Phan Đức Tuyên - Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết - Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thành phố Phan Thiết cho biết: “Việc xác nhận nguồn gốc, thời điểm, quá trình sử dụng đất… của công dân trong dự án này là rất khó khăn, có nhiều trường hợp UBND phường, xã liên quan phải kiểm tra, xác nhận lại nhiều lần nhưng lãnh đạo UBND thành phố vẫn chưa thấy yên tâm, kể cả trường hợp đã có bản án của cơ quan tòa án. Nhưng nếu không thanh, kiểm tra lại kỹ lưỡng mà cứ mặc nhiên thực hiện bồi thường có thể sẽ để lại hậu quả không thể khắc phục được. Cũng từ việc xác nhận nguồn gốc đất chưa chặt chẽ như nêu trên nên UBND thành phố gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc khi giải quyết hồ sơ bồi thường những trường hợp này. Nếu giải quyết mà sau này thanh tra, kiểm tra phát hiện sai đối tượng thì Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thành phố Phan Thiết và cả cá nhân tôi chắc chắn bị truy cứu trách nhiệm, vì thất thoát ngân sách quá lớn…”.

Qua đơn tố cáo của công dân và ý kiến của các cơ quan chức năng liên quan đến dự án trên, cho thấy đây là dự án rất lớn của tỉnh đã được triển khai từ năm 2007 đến nay và tỉnh cũng đã phân bổ một nguồn kinh phí rất lớn từ ngân sách để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ để giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho tỉnh. Tuy nhiên, việc xác nhận nguồn gốc đất của các trường hợp có đất trong dự án để phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và công tác bồi thường, hỗ trợ đối với dự án này trong thời gian qua đã bộc lộ những vấn đề với những dấu hiệu “không bình thường” mà nổi lên rõ nhất đó là ý kiến từ dư luận và đơn tố cáo của công dân như đã nói ở trên. Nếu cơ quan có thẩm quyền của tỉnh không có biện pháp phòng ngừa, thông qua việc kiểm tra, kiểm toán, rà soát kỹ lưỡng các hồ sơ đã và đang xem xét bồi thường của dự án này trong suốt thời gian qua, có thể sẽ làm thất thoát ngân sách nhà nước số tiền rất lớn. Thiết nghĩ các ngành chức năng của tỉnh và TP. Phan Thiết cần khẩn trương tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra những vụ việc người dân tố cáo có cơ sở như trên, để phát hiện, ngăn chặn kịp thời nếu có sai phạm, đồng thời thực hiện công tác đền bù đúng đối tượng, không để sự việc đã rồi thì hậu quả càng khó khắc phục hơn, càng không thể để xảy ra việc ngân sách “bồi thường đất công”.

    
      Tại Phan Thiết, tình hình lấn chiếm đất công, sau đó hợp thức hóa chủ sở   hữu tư nhân đang diễn biến phức tạp, các ngành chức năng và cơ quan   truyền thông liên tục nhận đơn tố cáo. Theo đơn tố cáo, có trường hợp   lấn chiếm đất công, sau đó hợp thức hóa chủ sở hữu để nhận đền bù số   tiền lên đến hàng chục tỷ đồng… Một vị lãnh đạo TP. Phan Thiết cho biết:   “…Nếu không thanh, kiểm tra lại kỹ lưỡng mà cứ mặc nhiên thực hiện bồi   thường có thể sẽ để lại hậu quả không thể khắc phục được”.

Bảo Tín



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không thể để ngân sách “đền bù đất công”