Theo dõi trên

Cần có chỉ đạo thống nhất việc còn hay cắt thâm niên giáo viên

06/07/2020, 10:37 - Lượt đọc: 71

BTO- Những ngày đầu tháng 7, câu chuyện nhà giáo quan tâm nhất vẫn là chuyện phụ cấp thâm niên.

Có những địa phương giáo viên vẫn nhận lương bình thường nhưng không ít địa phương đã cắt thâm niên nhà giáo (ví như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Giang... Nơi lại chậm làm lương để nghe ngóng tình hình.

Người ta đưa ra cái lý: “Cứ cắt thâm niên trước cho chắc ăn, nếu sau này có quyết định không bị cắt thì cho truy thu vẫn dễ dàng hơn cho giáo viên nhận bây giờ sau này phải truy thu lại thì khó hơn nhiều”.

Giáo viên thì đương nhiên phản đối việc cắt thâm niên lúc này vì có thầy cô sau khi cắt thâm niên một tháng cả gia đình (2 vợ chồng làm giáo viên) bị mất đi vài triệu đồng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của gia đình.

Bên chính quyền thì đưa Luật Giáo dục 2019 ra làm căn cứ để cắt thâm niên, còn các thầy cô giáo cũng chỉ biết trích dẫn những bài báo viết về việc này.

Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có một hướng dẫn cụ thể về việc thâm niên giáo viên còn hay hết ngoài một số phát biểu của Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục trên Báo Lao động:

Cụ thể,Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết, tại thời điểm này, lương của nhà giáo vẫn áp dụng thực hiện theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Nghĩa là: Các chế độ chính sách về lương và phụ cấp, trong đó có cả phụ cấp thâm niên mà giáo viên đang được hưởng hiện nay vẫn được giữ nguyên.

Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đã trả lời Báo Lao Động: “Chính phủ chưa ban hành hệ thống lương mới thì mọi chế độ vẫn được thực hiện như cũ.

Như vậy, tính đến nay có thể nói thời điểm 1.7.2020, phụ cấp thâm niên của giáo viên vẫn chưa bị cắt, giáo viên vẫn hưởng lương theo hệ số tính trên mức lương cơ sở dự kiến là 1.490.000 đồng/tháng khi Quốc hội chính thức đồng ý dừng tăng lương cơ sở cho đến khi có quyết định mới”.

Luật Giáo dục 2019 quy định tiền lương giáo viên thế nào?

Theo Điều 76, Luật Giáo dục 2019 thì lương của “Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.” Cụ thể:

Thu nhập giáo viên = Tiền lương theo vị trí việc làm + phụ cấp đặc thù nghề .

Nghĩa là thâm niên của giáo viên không còn nữa, thay vào đó lương giáo viên đã được xếp theo vị trí việc làm cùng phụ cấp đặc thù nghề và lúc này phụ cấp thâm niên mới bị cắt.

Nay, Luật giáo 2019 đã có hiệu lực nhưnglương giáo viên vẫn đang ăn mức lương cũ, chưa được xếp lương theo vị trí việc làm. Vậy cớ gì, chúng tôi lại bị cắt thâm niên?

Việc cắt thâm niên lúc này, đã trực tiếp làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm ngàn nhà giáo.

Bên cạnh đó, nơi thực hiện cắt ngay thâm niên, nơi chậm làm lương để đợi công văn hướng dẫn, nơi vẫn nhận thâm niên bình thường gây nên sự so sánh, phân bì, trong đội ngũ nhà giáo.

Bởi thế, chúng tôi thấy cần có sự chỉ đạo chính thức từ cơ quan có thẩm quyền để các nhà giáo ổn định cuộc sống và yên tâm công tác.

Phan Tuyết



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần có chỉ đạo thống nhất việc còn hay cắt thâm niên giáo viên