Theo dõi trên

Khai thác giá trị của di sản văn hóa trong phát triển du lịch

06/07/2020, 10:29 - Lượt đọc: 168

BTO- Di sản văn hóa dân gian – linh hồn của Phú Quý xưa qua thời gian gần 400 năm, vẫn bảo tồn nhiều giá trị gắn liền với những dấu ấn về lịch sử, văn hóa và địa chính trị.

Tên làng cũng là di sản văn hóa

Hơn 400 năm trước, khi người Việt đến định cư, trên đảo đã có một số làng của người Chăm từ lâu đời. Khoảng từ thế kỷ XV, XVI với nhiều lý do khác nhau của lịch sử xã hội và địa chính trị. Người Chăm trên đã lần lượt rời đảo, để lại nhiều dấu tích mang đặc trưng văn hóa Chăm: Đó là đền thờ bà Chúa Xứ (công chúa Bàn Tranh), khu ruộng vua, mộ cổ, hàng chục khẩu giếng nước ngọt, ruộng lúa… Người Việt đến đảo cũng theo khoảng thời gian đó, họ đi theo từng nhóm, từng địa phương rãi rác từ đầu thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII và diễn ra liên tục trong gần 400 năm qua. Một số tài liệu Hán Nôm ở các di tích cho biết người Việt đến đảo sớm hơn trong đất liền khoảng một thế kỷ.

Về nguồn gốc dân cư, trong Đề tài: “Nghiên cứu,  bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đảo Phú Quý phục vụ phát triển du lịch” do Bảo tàng tỉnh thực hiện năm 2005 - 2007 cho biết,Phú Quý là nơi hội tụ của nhiều luồng dân di cưtừ vùng Bắc Trung Bộ và Trung Trung bộ, nhiều hơn là từ vùng Ngũ Quảng (Gồm các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên), Quảng Nam, Quảng Ngãi).

Phú Quý xưa, tuy đất chật nhưng lại có nhiều làng.Dưới triều Lê, tuy dân số chưa đông đúc nhưng Phú Quý có đến 14 làng và 1 ấp. Mỗi làng được lập trên cơ sở một nhóm nhỏ ngư dân, đôi khi chỉ có từ 10 đến 12 tráng đinh. Làng thường mang những tên cũ nơi cố hương trước khi họ đến đây lập nghiệp như: Thoại Hải, Thới Hanh, Thới An, Hội Thuyên, Hội Hưng, Thương Hải, Hương Lăng, Mỹ Xuyên, Phú Ninh, An Hòa, Hải Châu, Triều Dương, Hội An, Mỹ Khê và ấp Quý Thạnh. Năm Cảnh Hưng 27 (1766), Phú Quý lúc này có tên gọi là xứ Cù Lao Khoai, thuộc huyện An Phước, phủ Bình Thuận.

Mỗi một tên làng, tên đất ở đảo đều gắn với lịch sử di dân và khai khẩn hình thành làng. Chính vì vậy mỗi làng đều gắn với văn hóa, tín ngưỡng và phong tục tập quán ở cố hương. Do nhiều lý do khác nhau hoặc sáp nhập, hoặc giải thể mà số làng giảm dần.Từ năm Minh Mạng thứ 2 (1821), Phú Quý còn 11 làng.  Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết: “Dân ở bao quanh có 11 làng, dùng người thổ hào quản lãnh, thường năm phải biệt nạp thuế vải”. Đến năm Duy Tân thứ 3 (1909), Phú Quý được gọi là đảo Thuận Tĩnh, thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Đảo được chia thành 12 làng. Đến năm 1930, trên đảo còn lại 9 làng.

Di sản văn hóa trên đảo

Trước hết đó là thắng cảnh tự nhiên đưa lại, nhìn tổng thể là khung cảnh rất hoang sơ và gần như chưa có sự đụng chạm của các dịch vụ du lịch chuyên nghiệp ở đây. Nối nhau những bãi biển, những dãy đá san hô, những cụm đá đen bao quanh đảo. Trên bờ bát ngát những hàng cây dứa dại, cây long não là đặc sản của thiên nhiên từ bao đời nay. Ấn tượng nhất trên đảo vẫn là hệ thống di sản văn hóa dân gian từ hàng trăm năm qua.

Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa trên đảo có 35 di tích kiến trúc dân gian, là những cơ sở tín ngưỡng như đình, chùa, đền, lăng, vạn… Ngoài việc kế thừa, tiếp nhận di sản văn hóa của người Chăm, người Hoa để lại trên đảo, hệ thống di sản văn hóa ở Phú Quý có những giá trị riêng biệt và khá độc đáo; gắn liền với lịch sử khai lập, mở mang hải đảo và lưu giữ đầy đủ những giá trị về lịch sử di dân, khai phá đất đai, xây dựng và bảo vệ làng mạc trên đảo. Đồng thời phản ánh đời sống tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa dân gian của cư dân Phú Quý qua các thời kỳ. Có thể nói Di sản văn hóa trên đảo là kết tinh mồ hôi, xương máu, trí tuệ, tình cảm, bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, thông minh của các thế hệ người dân. Đến nay trên đảo đã có 10 di tích được xếp hạng: 3 di tích quốc gia gồm chùa Linh Quang, vạn An Thạnh và đền thờcông chúa Bàn Tranh cùng 8 di tích cấp tỉnh.

Khai thác giá trị của di sản văn hóa phục vụ du lịch

Đã nhiều lần GS.TS. Bùi Quang Thanh ở Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đến Phú Quý nghiên cứu để lấy tài liệu viết Đề tài khoa học cấp Bộ “Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển đảo Việt Nam”, vinh dự là Phú Quý có một chương trong đề tài này. Đi khắp các đảo ở Việt Nam để thực hiện đề tài trên, GS.TS. Bùi Quang Thanh cho hay, mỗi đảo có một vẽ đẹp tự nhiên và giá trị về lịch sử xã hội riêng có. Nhưng với Phú Quý nơi ông đến có những cái mà những đảo khác hiện không có: thấy còn rất nhiều người ăn trầu, nhiều người mang gùi trên lưng, duy nhất trong các đảo ở Việt Nam có đền thờ công chúa của người Chăm, trên đảo còn trưng bày nguyên một bộ xương cá nhà táng to lớn (còn gọi là cá voi đầu to) thuộc bộ cá voi… rồi ông nhận xét, du lịch ở đảo Phú Quý nếu cũng chỉ có tắm biển, ăn nghỉ thì không ai đến làm gì, vì nhu cầu đơn thuần tối thiểu đó từ lâu đãcó ở nhiều nơi, có đảo còn hay hơn

Vậy, cái chúng ta biết và cần phát huy phục vụ du lịch hiện nay và lâu dài ở Phú Quý chính là khai thác giá trị của di sản văn hóa do tổ tiên để lại hơn 400 năm qua để phục vụ du lịch văn hóa tâm linh. Vì đa phần người Việt dù đi du lịch ở đâu thì di tích tâm linh luôn được lựa chọn trước và thấy thỏa mãn sau chuyến đi. Hầu hết các đoàn, các nhóm du lịch ở Phú Quý hầu hết đều đến các đền, đình, chùa và các lăng vạn thờ cá Ông (cá voi). Ở đảo có thể xếp di tích vạn An Thạnh và nhà trưng bày bộ xương cá voi vào hạng các Bảo tàng về biển có niên đại cổ xưa trên thế giới. Vì sự hiếm có của loại hình bảo tàng này ở Việt Nam và trên thế giới, nhất là vùng biển đảo.

Hiện nay,UBND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định công nhận Phú Quý là khu du lịch cấp tỉnh. Cùng lúc Hiệp hội du lịch Bình Thuận cũng ra mắt Chi hội du lịch Phú Quý. Đây là bước đột phá rất quan trọng của nhà nước về quản lý du lịch trên đảo. Hy vọng Hiệp hội du lịch Bình Thuận và Chi hội du lịch Phú Quý trên cơ sở thực trạng nguồn tài sản hiện có là thắng cảnh tự nhiên và những giá trị văn hóa do con người sáng tạo nên,sẽ cócác giải pháp và nhóm giải pháp tối ưu để khai thác các giá trị của di sản văn hóa trở thành thế mạnhphục vụ du lịch.

Nguyễn Xuân Lý



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Lễ Phục sinh năm 2024
BTO-Chiều 27/3, đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đến thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Phan Thiết và Giuse Đỗ Mạnh Hùng – Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giám mục Giáo phận Phan Thiết nhân Lễ Phục sinh năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khai thác giá trị của di sản văn hóa trong phát triển du lịch