Theo dõi trên

Ðón EVFTA, chuyển sang trồng rừng xuất khẩu

03/07/2020, 13:57

BT- Nếu ngành chức năng nỗ lực hơn để liên kết, để xây dựng mô hình rừng trồng đạt chuẩn quốc tế FSC như của Công ty TNHH MTVlâm nghiệp Bình Thuận và sau đó nhân rộng thì trong thời gian không xa, người dân sẽ thay đổi suy nghĩ về trồng rừng xuất khẩu. 

                
   Ảnh: Đ.Hòa

Có cơ hội lựa chọn

Chỉ còn gần 1 tháng nữa là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Vì thế, thời điểm này lĩnh vực xuất khẩu có nhiều kỳ vọng, trong đó có ngành chế biến gỗ. Vì theo lộ trình cam kết từ EVFTA thì 83% dòng thuế đối với các sản phẩm gỗ sẽ giảm từ 6% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực; trong khi 17% dòng thuế còn lại sẽ được giảm trong 5 năm sau đó. Điều đáng nói, mấy năm qua, thực hiện theo quy chế Tối huệ quốc với Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng gỗ vào thị trường EU đã được hưởng thuế suất 0%. Vì vậy, sự chào đón EVFTA của các doanh nghiệp, theo ngành chức năng là cơ hội nhập khẩu nguyên liệu, máy móc chế biến gỗ với mức thuế thấp. Nhất là máy móc, châu Âu vốn là nơi có công nghệ hiện đại cao trên thế giới. Vì thế, với thuế nhập khẩu các loại máy móc từ mức 20-30% như hiện nay về 0%, sẽ giúp các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ có đầu tư hạ tầng thấp, trang thiết bị công nghệ chưa cao có thể tiếp cận được công nghệ châu Âu thuận lợi. Nhờ vậy sẽ nâng khả năng cạnh tranh hơn, vì đổi mới công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị, đáp ứng tiến độ đơn hàng.

Không chỉ thế, theo nhận định của ngành chức năng, với EVFTA vị thế ngành chế biến đồ gỗ của Việt Nam sẽ được nâng lên đáng kể trên trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp châu Âu đã và sẽ chú ý thị trường Việt Nam để đẩy mạnh giao thương và đầu tư. Từ đó, các doanh nghiệp ngành gỗ trong nước có thể tranh thủ được nguồn vốn, kỹ thuật, trình độ quản lý, thương mại từ EU.

Ở góc độ này, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận cho biết, đây là điều mà công ty chờ đợi. Mấy năm qua, trong hành trình vừa trồng rừng đạt chất lượng theo chuẩn xuất khẩu, công ty vừa tìm kiếm đối tác để liên danh, liên kết chế biến rừng trồng xuất khẩu, đảm bảo đúng theo mục đích đã vạch ra. Đó là nâng cao chuỗi giá trị chế biến rừng trồng, giải quyết công ăn việc làm, nâng thu nhập cho người lao động… Thực tế, việc tìm kiếm các doanh nghiệp xuất khẩu để liên kết nhằm bảo đảm mục đích trên không đơn giản. Nhưng nếu khi EVFTA có hiệu lực thì sẽ có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng gỗ mạnh lên xuất hiện. Và lúc đó, công ty có cơ hội lựa chọn được đối tác đảm bảo được mục tiêu trên.  

Phải trồng rừng cho xuất khẩu

Đến thời điểm này, Bình Thuận nổi lên 2 doanh nghiệp xuất khẩu gỗ là Khải Hoàn và Kim Đô. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu không phải vào thị trường EU mà là Mỹ, Nhật. Vì vậy, có thể xác định việc đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu khi EVFTA có hiệu lực là chưa thể nhưng việc liên kết, liên danh với các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng gỗ ở các tỉnh, thành khác như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… trong cung ứng nguyên liệu gỗ đạt chuẩn xuất khẩu là có thể. Hơn thế, nếu được tập trung quan tâm trồng rừng đạt chuẩn cho xuất khẩu thì Bình Thuận, vùng đất đã và đang rất có lợi thế trong lĩnh vực trên sẽ là thế mạnh trong thời gian không xa. 

Trước hết, vì hiện tại, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận đã có một vùng rừng đã trồng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. FSC là một tổ chức phi chính phủ đã đề ra những biện pháp kiểm soát việc quản lý rừng trên thế giới phù hợp với môi trường, có lợi ích cho xã hội và đạt hiệu quả kinh tế. Tiêu chuẩn ấy theo hướng áp dụng quy trình kỹ thuật mới, chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng theo quy định, nhằm vừa xây dựng vùng nguyên liệu ổn định vừa góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo vấn đề an sinh xã hội. Vì vậy, số doanh nghiệp trồng rừng hưởng ứng tiêu chuẩn này không nhiều. Và công ty là một trong những đơn vị đầu tiên ở khu vực Đông Nam bộ được cấp chứng chỉ rừng quốc tế và thực hiện trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC.

Trong khi đó, tại các vùng đất thiếu nước trên địa bàn tỉnh như Hàm Tân, Bắc Bình… người dân đã chọn trồng rừng sản xuất. Điển hình như Hàm Tân hiện đang có gần 20.000 ha rừng trồng nhưng hầu hết người dân “ăn non”, chỉ 3 - 4 năm là thu hoạch, thay vì kéo dài thời gian hơn có thể bán cho xuất khẩu. Tại đây, nếu ngành chức năng nỗ lực hơn để liên kết, để xây dựng mô hình rừng trồng đạt chuẩn quốc tế FSC như của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Bình Thuận và sau đó nhân rộng thì trong thời gian không xa, người dân sẽ thay đổi suy nghĩ về trồng rừng xuất khẩu. Đó cũng là hành trình để hướng tới đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng ở châu Âu, cũng như tại nhiều thị trường lớn và quan trọng khác là họ có yêu cầu rất cao về sử dụng nguyên liệu gỗ có nguồn gốc hợp pháp trong ngành chế biến gỗ. Theo đó, yêu cầu đặt ra đối với doanh nghiệp xuất khẩu gỗ là cần thực hiện nghiêm túc về kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp, tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, đáp ứng quy tắc xuất xứ. Điều đó có nghĩa, ngoài yếu tố giá cả, mẫu mã, doanh nghiệp phải trưng bày được nguồn gốc sản phẩm xuất phát từ đâu, nguyên liệu do ai làm ra... Vì vậy, đây là thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội cho người dân lẫn doanh nghiệp đầu tư ở các vùng thiếu nước trong tỉnh.

Bích NghỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ðón EVFTA, chuyển sang trồng rừng xuất khẩu