Theo dõi trên

Giữ bút sắc, lòng trong, tâm sáng

19/06/2020, 08:48

BT- Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), tại Hà Nội, lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội vừa gặp mặt, tuyên dương 187 nhà báo tiêu biểu, đại diện cho 850 cơ quan báo chí các loại hình và hơn 40.000 người làm báo trên cả nước. Trong buổi gặp mặt thân mật ấy, có một câu phát biểu tâm huyết của một nhà báo lão thành khiến rất nhiều nhà báo phải suy nghĩ, trăn trở. Ông nói (đại ý):muốn chống tiêu cực trong xã hội, thì trước tiên phải chống tiêu cực ngay trong bản thân đội ngũ những người làm báo.

Trong suốt hơn 30 năm đổi mới đất nước, cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” của Đảng ta luôn có sự tham gia tích cực, hiệu quả của báo chí. Nhất là những năm gần đây, đấu tranh chống tham nhũng trở nên nóng bỏng, quyết liệt hơn bao giờ hết, với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đã có hàng ngàn bài báo điều tra, phát hiện, phanh phui đưa ra ánh sáng hàng ngàn vụ tham nhũng tiêu cực. Hàng loạt vụ đại án tham nhũng được báo chí bám sát, thông tin kịp thời đến công chúng. Rất nhiều tấm gương điển hình trong cán bộ đảng viên và nhân dân dũng cảm tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng đã được báo chí bảo vệ, tôn vinh. Hàng năm Đảng - nhà nước ta tổ chức trao giải báo chí toàn quốc về đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhằm khen thưởng, động viên những nhà báo đã quả cảm dấn thân vào cuộc chiến cam go này. Vượt qua sức ép của quyền lực, cám dỗ vật chất, hoặc sự đe dọa tính mạng, công việc, gia đình, các nhà báo đã điều tra đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc “động trời”. Báo giới cả nước tự hào, kiêu hãnh về những nhà báo bút sắc, lòng trong, tâm sáng ấy.

Nhưng với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh của báo chí, thì không thể phủ nhận rằng trong đội ngũ làm báo đã xuất hiện không phải một mà rất nhiều “con sâu làm rầu nồi canh”. Báo chí chống tiêu cực và chống tiêu cực trong báo chí là hai mặt của một vấn đề, rất nghiêm túc và thời sự, như yêu cầu chống tham nhũng ngay trong các cơ quan phòng chống tham nhũng hiện nay vậy.

Thực đáng lo ngại khi có những nhà báo lợi dụng danh nghĩa báo chí điều tra chống tiêu cực để tống tiền tổ chức - cá nhân - doanh nghiệp; có những nhà báo thậm chí viết bài ca ngợi tổ chức - cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, làm chệch hướng dư luận, gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Nhiều vụ việc, hiện tượng tiêu cực, tham nhũng mà người dân đã phát hiện, cung cấp thông tin đến báo chí, lại rơi vào sự “im lặng khó hiểu”, làm giảm sút niềm tin của cán bộ, nhân dân vào báo chí. Một bộ phận cán bộ, nhân dân phải tìm đến mạng xã hội để phản ánh các tiêu cực, giải tỏa các uất ức.

Có thời điểm các hiện tượng bất thường như “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”, hay lập nhóm “đánh hội đồng” đã gây bức xúc dư luận, Thủ tướng Chính phủ phải yêu cầu các cơ quan chức năng và các tòa soạn xử lý nghiêm khắc, làm trong sạch môi trường báo chí. Chỉ từ năm 2017 đến nay, hàng loạt nhà báo (hay nhóm nhà báo) thoái hóa, xuống cấp đạo đức nghề nghiệp đã bị bắt giữ, với cùng một hành vi “cưỡng đoạt tài sản”, “tống tiền”. Là nhà báo, chúng ta không khỏi đau lòng khi đọc bản tin về các vụ bắt giữ ấy. Nhưng những con “sâu mọt” làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của cả đội ngũ những nhà báo chân chính của cả nước thì phải kiên quyết loại trừ, nếu không sẽ lây lan bùng phát ra như một loại dịch bệnh nguy hại.

Nền báo chí cách mạng tự thân nó và suốt lịch sử 95 năm hành trình của nó đã mang tính chiến đấu cao. Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam đã nói: ngòi bút của các bạn cũng là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà! Để đấu tranh với tiêu cực trong xã hội, báo chí cần kiên quyết làm trong sạch đội ngũ của mình, xử lý nghiêm khắc sai phạm, giữ vững đạo đức nghề nghiệp. Đảng và nhân dân vẫn tin tưởng, kỳ vọng vào báo chí.

Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giữ bút sắc, lòng trong, tâm sáng