Theo dõi trên

Giữ vững tính Ðảngcủa báo chí cách mạng Việt Nam

19/06/2020, 08:33 - Lượt đọc: 6

BT- Ngày 21/6/1925, Báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, đã ra số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam đã luôn gắn bó, đồng hành với sự nghiệp của Đảng và dân tộc. Việc báo chí cách mạng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng là điều tất yếu để phục vụ cho lợi ích của cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đây là nguyên tắc cơ bản đảm bảo tính Đảng trong hoạt động của báo chí mà các cơ quan báo chí và những người làm báo phải luôn giữ vững.

                
   Trao giải Báo chí về xây dựng Đảng tỉnh    Bình Thuận năm 2018 (Giải cờ đỏ). Ảnh: Đ.Hòa

Ngày 21/6/1925, Báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, đã ra số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam đã luôn gắn bó, đồng hành với sự nghiệp của Đảng và dân tộc; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là phương tiện quan trọng tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; là diễn đàn để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, quản lý xã hội. Ngày 5/2/1985 Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 52-QĐ/TW lấy ngày 21/6 hàng năm làm Ngày Báo chí Việt Nam nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2000), Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày Báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ngày 21/6/2020, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam bước qua 95 năm kỷ niệm.

Trải qua 95 năm từ ngày xuất bản số báo đầu tiên, đến nay báo chí ở nước ta đã phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước. Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực và các tệ nạn xã hội, báo chí cả nước đã phát huy vai trò xung kích, thể hiện rõ chức năng giám sát của nhân dân. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn. Nhờ có công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, báo chí đã có bước tiến nhảy vọt về chất và lượng. Từ vài chục cơ quan báo chí trong ngày đầu giành chính quyền, đến nay đã có hàng trăm cơ quan báo chí, ấn phẩm báo chí, 2 đài phát thanh và truyền hình quốc gia, hơn chục đài phát thanh và truyền hình khu vực, 63 đài phát thanh, truyền hình ở các tỉnh, thành phố. Đội ngũ báo chí điện tử, báo chí trực tuyến phát triển mạnh mẽ cùng với các nhà cung cấp dịch vụ internet tạo nên một mạng thông tin báo chí điện tử sôi động có sức thu hút hàng triệu lượt người truy cập hàng ngày. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của báo chí, đội ngũ những người làm báo phát triển nhanh chóng, đến nay cả nước có khoảng 15.000 hội viên nhà báo…Chính đội ngũ những người làm báo đã đưa báo chí đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các mô hình kinh tế mới, cách làm ăn mới, nhân tố mới, người tốt, việc tốt; thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, tuyên truyền cổ vũ toàn dân phát huy có chọn lọc nền văn hóa tiên tiến của các nước trên thế giới, góp phần nâng cao dân trí, ngăn chặn văn hóa xấu len lỏi vào Việt Nam. Báo chí đã tổ chức khơi dậy và biến nhiều hoạt động an sinh xã hội, từ thiện trở thành phong trào của toàn xã hội.

Ngày nay, khi nước ta đã và đang đạt được những thành tựu to lớn, phát triển toàn diện, được bạn bè trong và ngoài nước trân trọng, đánh giá cao, nhưng bên cạnh đó sự nghiệp cách mạng sẽ luôn đứng trước thời cơ đan xen thách thức. Vai trò của báo chí cách mạng ngày càng quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến đường lối, pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trong phát huy quyền làm chủ, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân; trong xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; trong cổ vũ, tôn vinh điều thiện, cái đẹp, cái tiến bộ; lên án cái xấu, cái ác; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, trì trệ… và tất cả những gì phương hại tới lợi ích quốc gia. Đặc biệt, báo chí cách mạng Việt Nam phải giữ vững tính Đảng của mình, bởi lẽ đây là điều căn cốt nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam, là cơ sở để phân biệt báo chí cách mạng với báo chí phản cách mạng. Người cho rằng, báo chí chỉ đúng về chính trị khi nó được lãnh đạo của một đảng, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, một đảng mang bản chất của giai cấp công nhân và gắn bó mật thiết với dân tộc, với nhân dân. Người luôn nhấn mạnh: Báo chí phục vụ ai? Đằng sau lời chỉ dẫn của Người:báo chí của ta phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ cho đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, cho hòa bình thế giới là nguyên tắc: Đảng phải lãnh đạo báo chí. Người khẳng định nguyên tắc bất di, bất dịch ấy: “Ban Chấp hành Trung ương phải kiểm soát các báo chí của Đảng để tránh những khuyết điểm về kỹ thuật và chính trị”. Theo đó, Người yêu cầu “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”. Giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về tính Đảng của báo chí cách mạng Việt Nam đến nay vẫn còn nguyên vẹn và được thể hiện rõ nét trong mối quan hệ giữa báo chí với chính trị, trong nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng đến mọi tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, phát triển đất nước theo hướng: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. 

95 năm đã trôi qua, song để báo chí cách mạng Việt Nam viết tiếp truyền thống rạng ngời thì phải luôn nhớ về 95 năm trước, khi báo chí cách mạng ra đời, để tìm lại những giá trị cốt lõi của mình, đó là tính cách mạng và tính tiên phong của báo chí, đó là trách nhiệm và bản lĩnh của người làm báo. Báo chí phải tạo sự đồng thuận và tạo niềm tin mãnh liệt hơn của xã hội, cho nên dù viết gì, dù khen ngợi hay phê bình, dù phản ánh cái tốt hay cái xấu thì đều phải vì lợi ích cộng đồng, lợi ích của đất nước, lợi ích của dân tộc, không được để mất niềm tin của nhân dân. Trong mọi hoạt động của mình, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo phải luôn khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Báo chí phải vì cách mạng, vì Đảng, vì nhân dân, đó vừa là mục đích, vừa là điều kiện, vừa là tiêu chuẩn đạo đức trong hoạt động báo chí; đó cũng là tínhđảng của báo chí, là biểu hiện sự trung thành của báo chí đối với Đảng, là cống hiến của báo chí vào sự nghiệp vĩ đại của Đảng”. Do vậy, báo chí cách mạng Việt Nam phải luôn khẳng định và giữ vững tính Đảng của mình.

Huy Toàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giữ vững tính Ðảngcủa báo chí cách mạng Việt Nam