Theo dõi trên

Gói hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ có đến đúng địa chỉ?

06/05/2020, 08:58

Mặc dù Chính phủ đã và đang đưa ra những gói hỗ trợ để giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, song những gói hỗ trợ đó đã đến được đúng địa chỉ hay chưa?

Đại dịch Covid-19 đến như một cơn bão, đã cuốn đi hàng chục nghìn doanh nghiệp của nước ta, chỉ trong vòng 3-4 tháng qua. Vẫn còn đó hàng chục nghìn doanh nghiệp khác đang rất khó khăn và có nguy cơ phải rút khỏi thị trường. Mặc dù Chính phủ đã và đang đưa ra những gói hỗ trợ để giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, song đến thời điểm này, những gói hỗ trợ đó đã đến được đúng địa chỉ hay chưa? 

Theo con số thống kê chưa đầy đủ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đã có hơn 35.000 doanh nghiệp phá sản hoặc giải thể chỉ trong 4 tháng qua. Để giảm bớt khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp đề xuất và mong Chính phủ ưu tiên hỗ trợ vào việc giảm thuế, chậm nộp thuế và bảo hiểm xã hội, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, giảm lãi suất đối với các khoản vay. 

                
      
      Ảnh minh họa (Nguồn    Internet)

Đơn cử như ngày 6/3, tức là đã hơn 2 tháng trước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11, về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo anh sinh xã hội, ứng phó dịch Covid-19 với gói hỗ trợ lên đến 280.000 tỷ đồng. Theo đó, những khoản nợ đã vay, doanh nghiệp đều được hoãn, kéo dài thời gian trả nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất và không thay đổi nhóm nợ.

Về thuế, doanh nghiệp cũng được gia hạn nộp VAT và tiền thuê đất. Dự toán Ngân sách đầu tư công năm nay và dư địa của năm ngoái là khoảng 700.000 tỷ đồng. Hoạt động này được đẩy mạnh không những hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, mà còn tạo công ăn việc làm cho người dân, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển trong tương lai.

Nếu như những năm trước, dịp sau Tết Nguyên đán được coi là “mùa gặt” của những người kinh doanh du lịch và vận tải, thì năm nay, hàng loạt đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe khách phải “đắp chiếu” dài hạn và chưa biết đến bao giờ mới có thể khai thác trở lại. Hàng chục nghìn phương tiện taxi cũng không có việc làm. Khó khăn là vậy, nhưng việc tìm sự hỗ trợ của các ngành chức năng là cả một vấn đề khó khăn. Đối với doanh nghiệp và cả chủ phương tiện hoạt động theo hình thức góp vốn vào các đơn vị vận tải, muốn vay được tiền từ Ngân hàng thì cần phải có tài sản thế chấp và nhiều thủ tục kèm theo. 

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch hiệp hội taxi Hà Nội cho biết: Ngoài việc doanh số sụt giảm, doanh nghiệp còn phải chi trả các khoản lương. Các loại thuế đều không giảm. Doanh nghiệp phải gánh thêm một phần nữa là trang bị bảo hộ y tế cho người lao động và khách hàng. Kèm theo đó là phải khử khuẩn, thuê các đơn vị, các công ty về khử khuẩn cho xe taxi và mua các thiết bị này.

Nếu như doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn tín dụng đã khó thì các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn khó hơn. Dù rất tiềm năng, nhưng các doanh nghiệp này đang trong giai đoạn sống còn. Đặc điểm chung của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là sản phẩm vô hình, sản phẩm trí tuệ, không có tài sản thế chấp, nên dù thời điểm nào đi nữa cũng không vay được vốn từ ngân hàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo rủi ro rất cao nên đa số các ngân hàng chẳng mặn mà quan tâm. 

Ông Tô Văn Nhật, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Amaccao cho rằng: "Những đơn vị yếu, có thể người ta “chết hẳn”. Nhưng những doanh nghiệp khỏe thì cần được hỗ trợ. Đó là sự hỗ trợ tuyệt vời để họ vượt qua giai đoạn này, sau đó sẽ bứt phá lên. Tôi cho rằng, không chỉ hỗ trợ về tín dụng, ngân hàng Nhà nước và sau đó là các Ngân hàng thương mại đều cần giảm lãi suất xuống để các doanh nghiệp bớt khó khăn".

Bà Lê Dung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dgroup nêu ý kiến: "Tôi và nhiều doanh nghiệp bạn bè, đối tác đang rất quan tâm làm thế nào để tiếp cận được nguồn vốn này, những gói hỗ trợ này đến từ Chính phủ và các cơ quan Nhà nước. Làm thế nào để tiếp cận được gói hỗ trợ này một cách hiệu quả nhất? Doanh nghiệp trong nhóm, ngành nào và cần những điều kiện gì để có thể tiếp cận được nguồn vốn như vậy. Tôi mong là việc truyền thông cần được minh bạch, rõ ràng hơn để chúng tôi không phải loay hoay với câu hỏi không biết đi tìm nguồn vốn ở đâu, mặc dù rõ ràng là Chính phủ đã rất quan tâm và hỗ trợ về vấn đề này".

Chuyên gia tài chính, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nêu thực tế, các Ngân hàng đăng ký vào gói hỗ trợ doanh nghiệp, đến thời điểm này có thể cao hơn 600.000 tỷ. Vấn đề đặt ra là số tiền đó liệu có đến tay các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay không, hay là tiền đó các Ngân hàng dành cho khách hàng quen thuộc của họ, những doanh nghiệp lớn có khả năng bảo đảm việc trả nợ? Liệu các doanh nghiệp đang lao đao vì dịch Covid-19 có được vay hay không? Nếu để cho các Ngân hàng tự hành động thì họ sẽ hành động theo chỉ tiêu lợi nhuận và an toàn vốn của họ. 

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết: "Tôi đề nghị Chính phủ cần có quy định chặt chẽ về gói hỗ trợ doanh nghiệp. Như gói 300.000 tỷ như lời kêu gọi của Chính phủ. Trong gói đó, tất cả các Ngân hàng đăng ký phải chia ra tỷ lệ bao nhiêu phần trăm là giúp cho các doanh nghiệp là khách hàng hiện hữu của mình, bao nhiêu phần trăm giúp cho các doanh nghiệp mới, bao nhiêu phần trăm giúp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bao nhiêu phần trăm giúp cho các doanh nghiệp đang bị tác động bởi dịch bệnh và các tiêu chí phải được quy định, thế nào là tác động bởi dịch bệnh".

Thống đốc NHNN - ông Lê Minh Hưng cho rằng, các tổ chức tín dụng cũng chịu khá nhiều áp lực vì các đơn vị này hoạt động như một doanh nghiệp. Thống đốc NHNN đề nghị toàn hệ thống quyết liệt hơn trong việc triển khai giải pháp chỉ đạo đồng bộ của Chính phủ và NHNN. Các tổ chức tín dụng cần xác định: Hỗ trợ cho khách vay vốn, triển khai hỗ trợ có tác dụng cho cả hệ thống ngân hàng lẫn khách hàng vay vốn, là trách nhiệm chung với hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế. 

Thống đốc Lê Minh Hưng lưu ý lãnh đạo các ngân hàng thương mại rằng: Phải đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ nhưng không nới lỏng điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng, duy trì tính lành mạnh của hoạt động ngân hàng - điều này cũng đồng nghĩa với việc: Tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi tối đa cho người dân và DN nhưng không được hạ tiêu chuẩn cho vay, phải bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng, tránh hệ luỵ lâu dài cho nền kinh tế.

Thành Trung/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gói hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ có đến đúng địa chỉ?