Theo dõi trên

“Nước mắt” thanh long

10/04/2020, 10:54

BT- Mùa dịch Covid-19, sự vắng vẻ không chỉ diễn ra ở thành phố mà còn lan ra cả vùng thôn quê. Ở đó cũng chất đầy những nỗi lo toan, vất vả dù mỗi người mỗi cảnh nhưng đều giống nhau là mọi kế hoạch phải “đóng băng”, khó khăn nhân lên bội phần...

                
      
      Lỗ hết vốn nên anh Nguyễn Văn Thức chỉ mua vài chục ký thanh long    bán lẻ trang trải cuộc sống.

Đếm ngày trôi qua

Từ sáng đến trưa một ngày đầu tháng 4, anh Nguyễn Văn Thức –lái buôn thanh long ở thôn Văn Phong, xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam liên tục từ chối những cuộc điện thoại của nhà vườn bán thanh long. Không còn cảnh cánh thanh niên khỏe mạnh tay thoăn thoắt chuyển khay thanh long màu đỏ đẹp mắt lên xe tải. Những chiếc khay rỗng xếp chồng lên nhau thành từng dãy dài chiếm hết một góc sân. Chiếc xe chở hàng nằm đó “đắp chiếu”. Ngồi trước nhà mà mặt anh Thức cứ buồn so.

Đi buôn chuyện lời lỗ là bình thường, Thức cũng đôi phen làm ăn thất bát do giá thanh long có lúc chạm đáy. Nhưng rồi bù qua sớt lại thì anh vẫn có lãi lo cho vợ con cuộc sống ấm no và dư ra số vốn để xoay xở. Chỉ riêng năm nay kể từ ra tết đến giờ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thua lỗ liên tục ngốn sạch vốn liếng. Thức trĩu giọng tâm sự: “Chỉ trong 3 ngày, từ 29/3 - 1/4, khi lệnh cách ly toàn xã hội được áp dụng tôi lỗ 40 triệu đồng cô à, bằng tiền dành dụm cả năm trời xót ruột lắm. Nếu bỏ tiền đã đặt cọc 3 vườn thanh long coi như mất trắng vừa mất lòng lần sau ai dám bán cho mình, còn neo trái trên cây cũng không được phải cắt bán cho vựa lỗ mỗi cân 2.000 đồng”. Tay chỉ về phía tấm bảng đen đặt ngoài đường ghi giá thanh long cách đây vài ngày anh nói như phân trần. Ngoài bán cho một số vựa thanh long lớn như An Dĩ Đạt, vựa Tâm Xuyên thì Thức bỏ thanh long cho các chợ đầu mối ở Hà Nội, Hưng Yên khoảng 10 tấn 1 tuần gửi hàng qua xe khách. Đợt hàng vừa rồi cũng vậy, thanh long đã đóng thùng sẵn sàng nhưng xe không vào được nên phải bán lỗ.

Việc mưu sinh mùa dịch vốn đã chẳng dễ dàng. Trước đây, dù có nghỉ lái thanh long vài ngày gia đình cũng còn có đồng ra đồng vào nhờ cái quán nhỏ bán nước, đồ ăn vặt ngay trước trường học. Nhưng trường cũng đóng cửa nghỉ dịch đã 3 tháng nay. Phần thì thanh long bán ra chậm, chiếc xe chở hàng chẳng mấy người hỏi thuê. “Đồng vốn ít ỏi lại non kinh nghiệm nên hễ thua lỗ bất ngờ là rất hoảng. Thanh long vẫn bán được nhưng rất chậm, mình không có vốn không dám liều, giờ chỉ trông chờ những ngày tới mong dịch sẽ ổn, cả nước cũng khổ không riêng gì mình”, Thức nói với sự tin tưởng. Trên gương mặt còn chất chứa nỗi âu lo nhưng ánh mắt của Thức vẫn sáng lên niềm tin: Mọi thứ sẽ sớm bình thường trở lại. Trong “thời điểm vàng” quyết định sự thành công chống dịch Covid-19, cả nước vui mừng trước những tín hiệu vui vì số ca nhiễm đã giảm. Niềm tin của Thức là niềm tin vào sự đồng lòng của người dân Bình Thuận trong cuộc chiến cam go với dịch bệnh này.

Xoay xở mùa “hạn kép”

 Mùa dịch Covid - 19, sự vắng vẻ không chỉ diễn ra ở thành phố mà còn lan ra cả vùng quê nông thôn. Ở đó cũng chất đầy nỗi lo toan, vất vả dù mỗi người mỗi cảnh nhưng đều giống nhau mọi kế hoạch “đóng băng” và khó khăn cũng nhân lên bội phần. Từ xã Mương Mán tôi tìm đến vùng trồng thanh long các xã Hàm Thạnh, Hàm Cần. Tháng 4 nắng chan chát. Hai bên đường cây cỏ đã phủ lên màu xám dự báo mùa hạn gay gắt dù chỉ mới chỉ bắt đầu. Ấy vậy, trong những ngày này khi mà nỗi lo toan hạn đã đến trong từng bữa ăn giấc ngủ, người dân vùng “rốn hạn” huyện Hàm Thuận Nam lại chật vật nỗi khổ vì dịch bệnh. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ hầu hết các cơ sở thu mua, chế biến thanh long đều giảm lượng công nhân lao động tránh tụ tập đông người. Gõ cửa một số cơ sở thu mua thanh long tại Hàm Thuận Nam như An Dĩ Đạt, Thúy Quang, Công ty TNHH- DV – TM XNK Bé Dũng… Chủ cơ sở họ đều giảm một nửa nhân công sơ chế, đóng gói hoặc cắt giảm bớt giờ làm và đóng cửa nghỉ sớm làm sức mua mặt hàng này chậm lại. Điều này kéo theo các thương lái buôn thanh long khó khăn, số lượng công nhân làm thuê cắt thanh long, vuốt tai trái, sơ chế đóng gói giảm thu nhập hoặc không còn việc làm phải tự xoay xở. Những người làm mướn quanh năm sẽ giảm thu nhập, hoặc rơi vào cảnh “thất nghiệp”. Như trường hợp anh Trần Văn Ngọc là hộ nghèo ở thôn Dân Hòa, xã Hàm Thạnh đang làm mướn cho một thương lái ở cùng xã. Những ngày qua thu nhập của anh cũng giảm đáng kể. Bữa cơm của đôi vợ chồng trẻ buổi trưa hôm tôi đến chỉ có trứng và rau. Vợ anh Ngọc thường xuyên ốm đau chỉ ở nhà nội trợ và chăm 2 con nhỏ, mọi chi tiêu trong nhà đều trông chờ số tiền làm mướn của chồng. “Trước khi có dịch mỗi ngày cũng kiếm được 500.000 đồng, nhưng giờ giảm hơn một nửa, nếu ai thuê bỏ phân, làm cỏ thanh long hay phụ hồ tôi nhận ngay. Các khoản chi tiêu dè dặt từng đồng”, giọng Ngọc nói nghe buồn buồn.

                
Ảnh: Đình Hòa

Các cơ sở thanh long cắt giảm lao động, chi phí điện, nước tưới thanh long, nước sinh hoạt lúc nắng nóng tăng vọt. Trong khi đó, thanh long bán rất chậm, giá bấp bênh trồi sụt từng ngày. Người dân nơi đây đang cùng lúc gánh chịu một mùa “hạn kép”… Xã Hàm Thạnh, nơi có khoảng 1.668 ha trồng thanh long, theo UBND xã Hàm Thạnh cho biết toàn xã hiện có tổng số 4.569 lao động nông thôn, trong số đó có đến 95% lao động làm thanh long. Chị Hoàng Thị Thảo –  thương lái thanh long ở thôn Dân Hòa bình thường thu mua từ 20 – 30 tấn thanh long mỗi ngày. Với số thanh long này chị cần 20 công làm việc thường xuyên. Không thể cho người làm nghỉ, khi sản xuất bình thường trở lại ai làm. Nếu mua được nhiều thanh long thì nhân công cũng có thu nhập cao còn như hiện nay sản lượng giảm còn chừng 5 tấn mỗi ngày tiền công chia đều cũng ít ỏi. “Bình thường, nhân công cũng kiếm được 700.000 đồng, nhưng nay có ngày anh em chỉ được 100.000 đồng, có đứa không đủ trang trải cuộc sống thì tự tìm việc khác mình cũng vui vẻ. Dù có giảm thu nhập mình còn xoay xở được, còn người làm thuê khổ lắm”, chị Thảo mủi lòng nói. Trong lúc khó khăn này, việc suy nghĩ cho người nghèo khổ của người phụ nữ lái buôn mà thấy ấm lòng. Lúc khó khăn vẫn gồng gánh không bỏ rơi lao động, đó cũng là chữ tín trong làm ăn và là cái tình người ở vùng quê này. Tuy vậy, nắng hạn hoành hành, thiếu nước tưới đã ảnh hưởng chất lượng trái thanh long. Dù dày dạn kinh nghiệm nhưng lần này đoán tỷ lệ đánh trái báo cho chủ vựa lúc nào chị Thảo cũng bị lỗ từ 1.500 – 2.000 đồng mỗi cân, bởi trái nhẹ không đạt. Khó là vậy nhưng chị vẫn cầm cự.

Không riêng gì người lái buôn, người lao động khó đủ đường hiện các nhà trồng thanh long xã Hàm Thạnh cũng đứng ngồi không yên bởi chỉ vài ngày nữa thanh long sẽ vàng dây vì không còn nước tưới. Trong khi các hồ thủy lợi Ba Bàu, Sông Móng đã cạn kiệt nước. Hạn đến sớm, dự báo còn khốc liệt hơn so với đỉnh hạn vào năm 2016 nên từ sau tết đến nay nhà nhà chủ động khoan giếng cứu thanh long. Đã có chục cái giếng mới khoan xong nhưng không có nước và nông dân vẫn tiếp tục “săn” thợ, giàn khoan. Đối với những vườn thanh long đang kết trái phải mua nước tưới của các hộ còn nước với giá 15.000 đồng/giờ nhưng không phải lúc nào cũng còn nước. Thống kê của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hàm Thuận Nam không chỉ thiếu nước sản xuất, các xã Tân Lập, Hàm Cường, Mương Mán, Hàm Thạnh có trên 2.600 hộ phải mua nước bình để nấu ăn...

Cùng lúc đại dịch Covid-19 song hành với hạn hán làm cho người dân thêm nặng gánh mưu sinh, bức tranh vùng quê “thủ phủ” thanh long dù có kém sắc, có giọt nước mắt rơi xuống nhưng không trì trệ. Trong khi cuộc chiến với virus corona ở nước ta và cả thế giới chưa thể “hẹn giờ” cho ngày toàn thắng thì lúc này đây rất cần sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước. Bởi hơn ai hết chính những nông dân và người sản xuất kinh doanh năng động, đang xoay xở, mong chờ kế hoạch cho một tương lai xa hơn khi dịch bệnh được đẩy lùi. Cuộc sống không thể ngừng trôi!

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Nước mắt” thanh long