Theo dõi trên

Khởi sắc Chiến khu xưa

10/04/2020, 10:46

BT- Ai đến La Bá đều cảm kích sức sống mãnh liệt của một vùng đất xa xôi, cách trở nhất của xã Phong Phú, tận mắt chứng kiến một La Bá đang từng giờ, từng ngày thay da đổi thịt mới thấy hết những nỗ lực, tâm huyết của nhân dân nơi đây.

                
      Bia ghi danh vùng căn cứ kháng chiến.

“Gạo La Bá, cá Tà Uôn”

Bao bận ngược xuôi trên tuyến đường xã Phong Phú - Phan Dũng, đoạn qua thôn La Bá, tôi vẫn giữ thói quen dừng chân nơi tấm bia ghi danh vùng căn cứ kháng chiến, có dòng chữ: “Nơi đây, một trong những địa điểm các cơ quan dân, quân, chính Đảng huyện Tuy Phong đã đóng quân trong thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”. Bởi nơi ấy gợi cho tôi những câu chuyện xưa cũ về vùng đất từng được biết đến với những địa danh như Khu nhà Bảo, Cây Dầu Ba, suối Huyện đội, căn cứ Tân Lê… đi vào lịch sử hào hùng của quân và dân Tuy Phong. Trong kháng chiến, Chiến khu này đã lãnh đạo phong trào cách mạng, đập tan nhiều càn quét, phá hoại của địch, làm cho chúng tổn thất nặng nề, bao nỗi khiếp sợ…

Sau ngày đất nước giải phóng, thực hiện chủ trương giãn dân, xây dựng vùng kinh tế mới ở La Bá. Chính quyền cách mạng đã vận động đưa 32 hộ dân với 115 khẩu về lập khu kinh tế ở vùng Tà Uôn (nay là khu 1 La Bá). Với sự hỗ trợ của Nhà nước về lương thực, thuốc men, các mặt hàng thiết yếu và chia cấp ruộng đất, thành lập 2 tập đoàn sản xuất và các tổ vần đổi công… đời sống các hộ dân ngày dần ổn định, gắn bó với vùng đất mới. Đến năm 1978, hình thành các khu kinh tế mới 1, 2 - La Bá thuộc xã Phong Phú. Thời kỳ đó, giao thông cách trở rừng núi, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là lúa, mì, bắp, khoai lang và chăn nuôi gia súc. Hạt gạo đồng rừng nấu lên thơm phức, ăn với con cá suối rừng kho mặn… nghe đậm đà tận đáy lòng. Có lẽ, câu truyền miệng “gạo La Bá, cá Tà Uôn” không chỉ ẩn chứa tình người sâu nặng trong gian khó mà còn nói lên tiềm năng, sức sống ở vùng đất non cao…

Trải qua bao thăng trầm, hơn 10 năm trở lại đây, nhân dân La Bá đã chuyển đổi cây trồng, biến những vùng đất đai cằn cỗi thành những khu vườn cây trái tốt tươi, nhất là tận dụng đất đai trù phú ven suối, ven núi để trồng nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Dấu ấn quan trọng nhất là khi Nhà nước đầu tư nhựa hóa tuyến đường giao thông từ thị trấn Liên Hương qua Phong Phú đến xã Phan Dũng, xây hồ thủy lợi Phan Dũng. Tiếp đến là hàng loạt các công trình trường học, điện thắp sáng, nước sinh hoạt... được đầu tư cho La Bá, tạo điều kiện để La Bá kết nối với miền xuôi, mở rộng giao thương và triển vọng phát triển kinh tế. Nếu như trước đây, con em La Bá muốn đi học cái chữ phải lên tận Phan Dũng xa gần chục cây số hay vượt núi 20 cây số để xuống trung tâm xã Phong Phú, thì nay tại thôn đã có điểm trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở. Tại thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng, hơn nữa bà con được tiếp nhận nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo của Nhà nước.

 “Miệt vườn” trên non cao

Tôi từng nghe ông Lê Hậu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện khoe: “Bây giờ lên La Bá sẽ gặp những vườn bưởi, mít, xoài, bơ, chuối, dừa trĩu trái và có cả những trái sầu riêng đẹp, ngon không kém gì các miệt vườn Nam bộ”. Nghe thấy lạ, bởi La Bá vốn là vùng đồi núi, chất đất, khí hậu khắc nghiệt, nhiều năm chỉ trồng rừng, mì, bắp...? Vậy mà khi đến nơi, tận mắt chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu của vùng đất này, tôi rất đỗi ngạc nhiên. Dẫn tôi thăm vườn sát chân núi, có mít, bưởi xanh tươi đang vào kỳ thu hoạch, chị Nguyễn Thị Hạnh cho biết: Khu vườn này của gia đình trước đây là vườn tạp nhưng năm 2014, nhận thấy nhu cầu thị trường và được tham gia lớp tập huấn, chị bắt đầu trồng cây ăn trái với trên 100 gốc mít Thái và nhiều giống bưởi ngọt, bơ cao sản. Những năm gần đây, mít, bưởi được ưa chuộng nên giá thành cao, giá bán tại vườn là 15.000 đồng/kg, tư thương đến tận nơi thu mua nên đã đem lại nguồn thu khá cho gia đình.

Chúng tôi men theo dòng suối Tân Lê như một dải lụa xanh biếc uốn quanh dưới chân núi dãy Kênh Kênh phủ đầy các loại cây xanh, cây ăn trái, nhìn những cây sầu riêng trổ bông, đóng trái khiến ai bước chân vào đây cũng phải trầm trồ. Để có được vườn cây trĩu trái, nhiều người đã phải trải qua những ngày tháng vất vả, gian nan. Còn nhớ trước đây, một trận lũ kinh hoàng quét qua, những khu vườn rộng 2 - 3 ha với dừa, xoài, chuối, mít… bị xóa sổ, nhiều người rơi vào cảnh điêu đứng. Nhưng rồi, ý chí và quyết tâm vượt lên đói nghèo đã giúp họ đứng dậy. Vét hết tiền của, công sức, nhiều người san ủi lại vùng đất tràn của cơn lũ. Trong “cái rủi, có cái may”, nhờ lượng phù sa của trận lũ kinh hoàng để lại mà nhiều loại cây trồng đã nhanh lên xanh tốt, đong đầy trái ngọt.

Hơn 42 năm trôi qua kể từ ngày mở đất lập làng, bây giờ dân số La Bá đã tăng lên 160 hộ với 660 nhân khẩu. Ai bảo La Bá đất đai khô cằn sỏi đá, thì chỉ cần nhìn vườn xoài đóng dày đặt trái to, đung đưa ngay sát bên con đường trải nhựa của thôn, chắc sẽ phải thay đổi suy nghĩ. Điều đáng mừng hơn là mấy năm nay, nhờ “vàng xanh” từ vườn cây ăn trái mà vùng đất khó khăn, heo hút tận non cao như La Bá đã được nhiều người biết đến. Không chỉ sức sống từ các vườn cây trĩu trái mà La Bá còn ẩn chứa nhiều điều thú vị hơn thế nữa trong các chuyến du lịch sinh thái dã ngoại, hành trình về Chiến khu xưa.

Tiếp tôi trong ngôi nhà thoáng mát, hướng ra cây cầu bắc qua dòng suối Cây Dầu Ba, anh Nguyễn Phước Quý Sơn (32 tuổi), Trưởng thôn La Bá cất giọng hồ hởi: “Thật khó có thể tin cuộc sống của người dân La Bá hôm nay được đổi mới như thế này. Hồi đó, những năm đói khổ nhất khi làm không đủ ăn, cả làng chẳng có được cái xe đạp… Giờ, cây trái, bò, heo, gà đủ đầy. Nhiều hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng, có nhà xây, xe máy và các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền”. Anh Sơn cho biết, từ nhỏ sống ở đây, lớn lên bôn ba khắp Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương làm đủ thứ nghề, nhưng rồi cuối cùng vẫn quay về nơi chốn cũ, bởi anh nghiệm ra rằng không đâu bằng ở quê mình. Với tư duy và tính cách năng động, anh Sơn đã đặt nền móng rất quan trọng trong bước đường khởi nghiệp phát triển kinh tế, khi đưa 100 gốc sầu riêng về trồng trên vùng núi La Bá. Những năm gần đây, khi các điểm du lịch sinh thái trên địa bàn Phan Dũng, Phong Phú như thác Yavly, hồ Phan Dũng, suối Phùm, Tân Cung… được nhiều người biết đến, đặc biệt là tuyến đường trekking tuyệt đẹp Tà Năng - Phan Dũng, khách du lịch ngày càng đông hơn, anh Sơn đã nhanh nhạy mở quán kinh doanh cà phê, ăn uống, trở thành điểm dừng chân và cung cấp dịch vụ ăn uống theo nhu cầu của du khách mỗi lần đến Phan Dũng. Ngoài trồng cây ăn trái, một mô hình mới mà anh Sơn khai thác, đó là nuôi và nhân giống gà rừng, ước mơ đưa con gà rừng trở thành đặc sản nổi tiếng ở vùng đất La Bá. Vui hơn là từ các dịch vụ của anh Sơn mà nhiều thanh niên của thôn có thêm nguồn thu nhập bằng việc chạy xe ôm phục vụ khách “phượt”.

Tôi biết, so với nhiều nơi khác, La Bá vẫn còn khó khăn lắm, bởi sinh kế của một bộ phận nhân dân chưa bền vững. Không phải là ăn cơm mới mà cứ nhắc hoài chuyện cũ, hay là than nghèo kể khổ, nhưng nhắc như vậy để thấy cảnh người dân La Bá nay không chỉ “ăn no, mặc ấm” mà còn “ăn ngon, mặc đẹp” là một bước tiến dài. Càng cảm phục hơn, những con người đã kiên trì bám đất, giữ làng, từ trong gian khó đã năng động vươn lên khởi nghiệp, xây dựng quê hương.

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, nhớ về Chiến khu xưa, nghĩ về La Bá hôm nay, tôi vẫn nhớ câu nói của Trưởng thôn La Bá Nguyễn Phước Quý Sơn, rằng: Ở quê mình, cứ chăm chỉ lao động thì “đất không phụ công người”.

Minh Chiến



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khởi sắc Chiến khu xưa