Theo dõi trên

Những “bông hoa” ở tuyến đầu

10/04/2020, 09:54

BT - 17 con người trong Khoa Nhiễm, hết 14 người là nữ. Xinh đẹp, vui vẻ. Gần 1 tháng qua, họ đi qua những bàng hoàng, trăn trở và lo lắng. Họ hy sinh nỗi đau chính mình để tìm lại chút bình yên cho bao người. Họ - những “đóa hoa” trong tuyến đầu giữa  dịch Covid-19…

                
      
      Bác sĩ Dương Thị Lợi (bên trái) cùng các đồng nghiệp trong những    ngày khó khăn.

Hiểm nguy vẫn lãng mạn

Trong hành trình cùng với đồng nghiệp trong tuyến đầu phòng chống đại dịch Covid-19, bác sĩ Dương Út Lợi (Dương Thị Lợi) – Trưởng Khoa Nhiễm - Bệnh viện đa khoa Bình Thuận, có lẽ là người truyền cảm hứng tích cực nhất cho đồng đội. Hoạt bát, vui vẻ nhưng cũng khó ai nghĩ được, trong sâu thẳm công việc nặng nhọc ấy, lại là một tâm hồn lãng mạn. “Em chưa về, còn túc trực ngày đêm/Nhờ mai chiếu thủy gởi chút hương cho anh đó/Cảm ơn anh, cảm ơn tổ ấm nhỏ/Gói ghém thương yêu cho em nơi tuyến đầu” (Trích trong bài thơ Gởi hương cho anh), chị viết vào đêm 19/3/2020. Tức 10 ngày xa gia đình.

Chị chân thành “mình tên thật là Dương Thị Lợi, nhưng là út trong nhà nên khi ông xã lập facebook, đã đặt cho luôn cái tên Dương Út Lợi, rồi người quen cứ gọi đến giờ”. Chị nói tiếp: “Ngay khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện, hoang mang lắm, vì mình chưa bao giờ tiếp xúc những bệnh truyền nhiễm như thế. Mình là người có gia đình, nói thật là rất căng. Nhưng nếu mình không vững thì đồng nghiệp sao  đây, cứ động viên nhau”.

Gần 20 con người, bám trụ ở Khoa Nhiễm, như một gia đình nhiều thế hệ. Yêu thương nhau, bảo bọc hết lòng. Giờ mới hiểu giọt nước mắt trong buổi sáng đầu tuần (6/4). Họ reo, ôm chầm lấy nhau trong khu nhà chung để sinh hoạt…và khóc, vì hạnh phúc. Những giọt nước mắt đánh đổi bằng những đêm thức trắng, ngủ gật trên góc bàn, hay nằm co ro trên vài chiếc ghế ghép lại. Chị viết trên nhật ký của mình: “Sáng nay tôi vào ca, bận vài chút việc nên tôi ăn sáng muộn hơn mọi người. Tôi vừa ăn vừa suy ngẫm các bài báo viết về các nhận định của những nhà chuyên môn đối với SARS - CoV-2. Từ ngoài cửa, em phó khoa chạy vào và la lớn “âm tính”... Tôi đang còn ngơ ngác, em đã ôm chầm lấy tôi và khóc: “Chị ơi, mình sắp được về rồi…!”.

Công tác 31 năm, chị Nguyễn Thị Xuân Biên, lần đầu tiên đón sinh nhật trong khu cách ly. “Kỷ niệm đáng nhớ. Rồi ngay khi lần đầu tiên sát khuẩn băng cồn và Cloramin B, khắp người bị dị ứng thế là bạn bè nhìn thấy lo ngại, rồi khóc qua điện thoại với nhau. Bạn bè lại động viên, cứ thế mà bước tiếp”. Hơn 30 năm qua, từ những ngày đầu chập chững vào nghề, với chị Xuân Biên “Tâm yêu thương - Lòng biết ơn”, là đều mà chị luôn phấn đấu. “Mấy ngày đầu, ai cũng như thằng. Mấy nhỏ tóc dài, mặc trang phục bảo hộ, không kín. Chị và chị Lợi động viên các em cắt tóc”. Rồi chị là người đứng ra “giải quyết” như thợ lành nghề. Con gái mà ai cũng quý mái tóc, nhưng các em hiểu được sự quan trọng, nên rất vui vẻ chấp nhận” – chị Biên nói.

Tóc thề

Trong những ngày ở khu cách ly, không biết bao nhiêu lần họ khóc đó, cười đó. Hạnh phúc có, lo sợ có. Trong 14 “đóa hoa” xinh đẹp ở Khoa Nhiễm, có Đồng Thị Ngọc Hân (25 tuổi), trẻ nhất, chưa có gia đình. Ngọc Hân công tác ở khoa từ tháng 9/2019. Chỉ vài tháng, nhưng với Hân 1 tháng qua là những ngày không thể quên. “Em mới mà, chưa thật sự chuẩn bị tâm lý gì cả. Bàng hoàng lắm, lo sợ nữa. Khi tua trực đầu tiên của em là bệnh nhân 34. Nhưng lúc đó, má Lợi, má Biên cứ vỗ về, động viên, tự nhiên thấy mình phải cố gắng nhiều hơn” - Hân nói.

Là con gái lại thích để tóc dài, nên ngày quyết định để má Biên cắt tóc vừa tiếc vừa buồn “Nhưng nếu không cắt, không gọn gàng sẽ rất nguy hiểm không chỉ cho mình. Lúc mẹ em thấy clip cắt tóc, gọi điện hỏi. Em cũng chia sẻ với mẹ, mẹ hiểu và động viên nhiều hơn”- Hân tâm sự. Ở Khoa Nhiễm trong suốt thời gian cách ly, là những câu chuyện của đồng nghiệp. Không to tát nhưng là những mạch ngầm của sự hy sinh. Chị Mỹ Hoàng, điều dưỡng trưởng khoa, nhiều đêm không ngủ được vì các khớp đau. Đêm nào cũng khóc vì những vết đau. Hết khớp thì đến dạ dày, dù thuốc men vẫn đủ liều. Là những đêm trắng, đồng nghiệp ôm đàn ghi ta, hát phục vụ cho nhau. Sốc lại tinh thần, từng thời khắc, từng ngày.

Gần một tháng qua, cả Khoa Nhiễm ngoài những bóng hồng, có 3 người đàn ông ít ỏi. Nhưng chính họ, cũng là những con người thầm lặng, an ủi động viên cho đồng nghiệp mình. Những buổi văn nghệ dã chiến trong đêm, giữa trưa ngồi hóng mát thư giãn, những buổi tiệc chỉ là một cái bánh nhưng hy vọng chưa bao giờ tắt. Hy vọng đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân, hy vọng làm điều gì đó cho cộng đồng an tâm trong những khó khăn phía trước. Hy vọng thắp lên ngọn lửa cho thế hệ trẻ đang ước ao khoác lên mình chiếc blue trắng.

Xin được trân trọng và cảm ơn những đóa hồng trong “bão giông” Covid-19, để có những bình yên.

    
    Hôm đoàn   nhân viên hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy đến hỗ trợ, chị Lợi gấp gáp ra   đón đồng nghiệp. Ra khỏi phòng lại bắt gặp 2 điều dưỡng dìu em hộ lý   Ngãi vào phòng nghỉ với gương mặt hốt hoảng. Sợ Ngãi đói, bác sĩ Lợi bắt   mạch, Ngãi nghẹn ngào: “Con em đang chuyển dạ bác ơi”!  Chồng Ngãi đã   qua đời, một mình dành dụm đồng lương ít ỏi để nuôi hai con ăn học. Nay   con gái vượt cạn một mình. Ngãi đau. Nỗi đau của người mẹ không được ở   cạnh con những lúc khốn khó.

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những “bông hoa” ở tuyến đầu