Theo dõi trên

Sản xuất thanh long VietGAP: Đã đến thời điểm… sống còn?

08/04/2020, 08:49 - Lượt đọc: 6

BT- Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm nhiều đến việc người sản xuất có áp dụng hay không áp dụng quy trình sản xuất VietGAP để thu mua. Từ đó, người dân còn chủ quan, xem nhẹ sản xuất theo hướng an toàn. Nhưng đã đến lúc, mọi chuyện cần phải khác… 

                
   Thanh long VietGAP.

Cái giá của VietGAP

Ngay từ đầu năm 2020, thị trường nông sản Việt Nam nói chung và thanh long Bình Thuận nói riêng đã phải hứng chịu những “cú sốc” về tiêu thụ. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá thanh long xuống dốc đột ngột, hàng trăm xe chở hàng nông sản bị dồn ứ tại các cửa khẩu, bởi giao dịch biên mậu gặp khó, kiểm soát gắt gao. Trong khi đó, những lô hàng chính ngạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP vẫn đứng vững, giao thương thông suốt vì có hợp đồng… Nói vậy để thấy, khi thị trường gặp biến động do dịch bệnh như hiện nay, thì ý nghĩa và công sức bỏ ra để sản xuất thanh long VietGAP mới được nhìn nhận. Trong đó, sản xuất VietGAP không ngoài mục đích là nâng cao chất lượng sản phẩm thanh long, bảo đảm an toàn thực phẩm, phục vụ cho yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Đây cũng chính là mục tiêu mà Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong vừa ký phê duyệt trong kế hoạch thực hiện chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2020.

Theo đó, toàn tỉnh hiện có trên 10.200 ha thanh long sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, chỉ tiêu phấn đấu của năm là 10.400 ha. Trong đó, diện tích đánh giá tái cấp chứng nhận VietGAP là 1.874,62 ha và cấp mới là 300 ha. Nếu so với diện tích thanh long toàn tỉnh hiện khoảng 30.000 ha, thì con số thanh long VietGAP hiện có còn quá ít ỏi. Tuy vậy, thực tế việc liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ, HTX sản xuất thanh long VietGAP để tiêu thụ thanh long an toàn còn quá ít, chưa được quan tâm triển khai quyết liệt, nên kết quả đó đã là sự cố gắng của toàn tỉnh. 

Quyết tâm

Theo kế hoạch trong năm 2020, trên cơ sở diện tích đã phân bổ, các đơn vị , địa phương sẽ vận động, hướng dẫn, giúp nông dân tổ chức xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP có quy mô hợp lý. Qua đó, tạo thuận lợi trong quản lý, tổ chức triển khai các hoạt động sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm sau này. Đối với diện tích thanh long đã được chứng nhận VietGAP, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất để duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP…

 Đối với diện tích thanh long đăng ký mới năm 2020, việc khảo sát, phân tích đánh giá các chỉ tiêu của mẫu đất, nước ở vùng sản xuất là rất quan trọng. Ngoài ra, phải thực hiện việc lấy mẫu đất, mẫu nước để phân tích, đánh giá nguy cơ ô nhiễm cho tất cả các diện tích đăng ký chứng nhận sản xuất theo yêu cầu VietGAP… Sản xuất VietGAP dù không dễ như sản xuất thông thường, nhưng nếu người dân đồng lòng chắc chắn sẽ thành công. Do đó, để triển khai đào tạo và hướng dẫn các quy định yêu cầu VietGAP, phải tập huấn chuyên đề cho tất cả tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký sản xuất thanh long theo VietGAP, gồm các quy trình như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và an toàn lao động. Hướng dẫn, thống nhất thực hiện quy trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất thanh long theo VietGAP và truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Để thực hiện việc triển khai sản xuất thanh long VietGAP đạt hiệu quả, lãnh đạo tỉnh đề nghị sở ngành liên quan và các địa phương cần củng cố, duy trì các ban chỉ đạo, tổ tư vấn từ cấp tỉnh đến cơ sở. Trước mắt, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan triển khai tái cấp chứng nhận và chứng nhận mới diện tích sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 10.200 ha trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Trung tâm Khuyến nông là đơn vị thường trực được Sở Nông nghiệp và PTNT giao nhiệm vụ triển khai thực hiện. Song song, Sở Công Thương phối hợp với các địa phương và Hiệp hội Thanh long khuyến khích, vận động các doanh nghiệp, cơ sở thu mua thanh long liên kết với các nhóm nông dân sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP để thu mua cho nông dân. Ưu tiên, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thu mua sản phẩm sản xuất theo VietGAP của người dân, được tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại trong và ngoài nước do Nhà nước tổ chức. Đây có được coi là những bước đi kịp thời, là thời điểm sống còn của thanh long VietGAP trên thị trường tiêu thụ?

    
    Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Hiện nay ngành tiếp tục tập trung đẩy   mạnh tái cấp chứng nhận VietGAP đối với những diện tích thanh long đã   hết hiệu lực. Trong quý I/2020, đã tái cấp chứng nhận 57,66 ha. Toàn   tỉnh hiện có 10.322,3 ha/KH 10.200 ha thanh long được cấp chứng nhận đạt   tiêu chuẩn VietGAP, đạt 101,2% KH.

KiỀu HẰng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Nhiều công trình, dự án trọng điểm sẽ được triển khai năm 2024
Chiều 28/3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông và Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 3/2024. Tham dự buổi họp có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan và các cơ quan báo chí của tỉnh, Trung ương thường trú tại Bình Thuận.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sản xuất thanh long VietGAP: Đã đến thời điểm… sống còn?