Theo dõi trên

15 ngày, để bình yên quay về

08/04/2020, 08:20 - Lượt đọc: 6

BT- 15 ngày! Một thách thức không hề nhỏ đối với những người mưu sinh trên hè phố. Họ chấp nhận, với một nụ cười không vui. 15 ngày, để những ai có thể chậm lại nhìn quanh mình. 15 ngày sẽ có những giấc ngủ chẳng tròn, dù ngày mai họ không phải rong ruổi mưu sinh. 15 ngày để bình yên sớm quay về… 

                
   Ngày rong ruổi cuối trước khi tạm nghỉ.

Tạm ngừng rong ruổi...

Đó là ngày cuối tháng 3, ngày chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa thôi, sẽ chẳng còn bóng dáng của những chiếc xe đạp lang thang khắp phố, dừng lại mời mọc. Chẳng còn những bước chân giữa trưa nắng, kéo vội chiếc khẩu trang, mời mua vài tờ vé số. Tất cả sẽ dừng lại 15 ngày. Những con số khô khan, in trên những tờ giấy với đủ thứ hình ảnh. Tất cả sẽ tạm dừng và sự rong ruổi mưu sinh theo từng tấm vé cũng sẽ tạm dừng...

Trưa muộn. Chị Cúc – người bán vé số dạo quen thuộc, chìa xấp vé số còn khá nhiều, mở lời: “Giúp chị vài tờ, mai nghỉ rồi”. “Rồi chị định làm gì” – tôi hỏi. Chị cười, cái nụ cười buồn nghiêng theo vạt nắng gắt giữa buổi trưa cuối cùng của tháng 3 – “Chẳng biết, chị định ra chợ ai thuê gì làm đó. Còn nuôi con mà”- chị nói vậy, rồi bước đi, giúp chị vài tờ, chắc là chỉ đủ an ủi hy vọng cuối cùng hôm nay. Chị ly hôn và nuôi đứa con gái bệnh tật bằng những bước chân của mình trên những dãy phố.

Trong căn phòng trọ của chị Nguyễn Thị Mỹ (thôn Tiến Thạnh, xã Tiến Lợi), anh Lý Đức Hiền, 4 năm qua thui thủi nuôi sống mình bằng nghề bán vé số dạo. Chiếc xe đạp cũ, không thể cũ hơn, dựng ở vỉa hè. Nó đã giúp anh mỗi ngày đạp xe 14 - 15 km để bán vé số. “Mỗi ngày bán cũng được hơn 300 tờ, chịu khó là được. Em sống một mình, nên nhiêu đó cũng lo cho bản thân được. Còn ngày mai thì không biết sao. Tới đâu hay tới đó” – Hiền nói. Chẳng ai biết tên thật của Hiền, hàng xóm quen gọi là thằng Đen. Ba mẹ không còn, trước ở chung với vợ chồng người anh nhưng chẳng thuận thảo, cuối cùng nó dọn ra ngoài, chọn bán vé số nuôi thân. Mỗi ngày, Đen mang đến “hy vọng” cho bao người, nhưng đời sống của nó, chẳng thể hy vọng hơn bao giờ hết. Ngày đầu tiên ở nhà, trong chuỗi 15 ngày này, Đen ngồi trước cửa phòng, bần thần: “Em chưa biết làm gì, quen với việc đạp xe đi bán. Giờ phải tìm công việc gì đó làm đỡ, nhưng chưa có, cũng không biết sao”! Nó rít điếu Cotab gần tàn, một hơi thiệt dài, rồi im lặng. 4 năm qua, dù phải chật vật nhưng có việc để mưu cầu cuộc sống.

Anh Nguyễn Văn Đen bước vào nghề bán “hy vọng” cho người từ khi mệnh giá của tờ vé số chỉ là 2.000 đồng. Không gia đình không con cái, nuôi người chị bị tâm thần ở khu phố 6 – phường Đức Long. 2 chị em lớn tuổi nương tựa nhau trong mấy chục mét vuông của căn nhà tình thương mà chính quyền TP. Phan Thiết trao tặng. Anh Cư cũng như Đen, với chiếc xe đạp, đảo khắp nơi, từ chợ nhỏ đến các con phố. Có hôm mệt lả ngất trong chợ do tiền sử bệnh tim. Bà con tiểu thương lại pha cho ly nước. “Ngày bán được 150 – 200 tờ, cũng kiếm sống được, nhưng ngày nào hay ngày đó. Giờ không đi bán nữa thì đành chịu thôi, mong cho 15 ngày này hết dịch, rồi tính tiếp” – anh Cư chia sẻ. 

15 ngày không đơn độc

Từ khi có chủ trương tạm dừng phát hành xổ số kiến thiết, nhiều đại lý trên địa bàn TP. Phan Thiết đã có những quyết định như tạo niềm vui trong cái tình người lao động. Các đại lý như Kế Đáo, Phú Thu đã dành tặng nhiều suất quà cho những người “phát hành” cho họ. Không nhiều nhưng “chút tình đó” sẽ ấm áp biết bao nhiêu trong lúc này. “Nhà thì có 5 phòng trọ thôi. Toàn những người bán vé số, làm thanh long, cực khổ như nhau. Giờ nhiều người trả phòng, nên nếu họ khó khăn chắc cũng sẻ chia phần nào. Mình cũng hiểu tình hình lúc này, mỗi người ráng một chút” - chị Mỹ ở Tiến Lợi cho biết.

Trong khi đó, phía Công ty TNHH Xổ số kiến thiết Bình Thuận trong 3 ngày qua cũng tất bật với kế hoạch cho việc hỗ trợ người bán lẻ vé số theo chủ trương của UBND tỉnh. Và đến chiều 6/4, ông Phạm Năng Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH Xổ số kiến thiết Bình Thuận, thông báo với tôi một cách hồ hởi: “Ngày mai, công ty sẽ chuyển cho Mặt trận Phú Quý 18 triệu đồng. Ở đảo chỉ có 3 xã nên việc thống kê từ các thôn, xã đưa lên rất nhanh, chỉ có 24 trường hợp, mỗi người được 750.000 đồng. Còn những huyện, thị khác thì đang thống kê”. Sự hồ hởi về kết quả bước đầu ấy của anh khiến tôi hiểu hơn tính chất của chủ trương hỗ trợ lần này, vừa có tầm quy mô lớn và cũng là lần đầu tiên tính từ năm 1978, năm thành lập công ty. Thêm nữa, những người bán vé số này không chỉ có người dân tại tỉnh mà còn có cả dân từ một số tỉnh miền Trung vào, nhiều lứa tuổi, lại theo cơ chế đại lý cấp 1, cấp 2… nên vừa rộng vừa khó kiểm đếm. Con số ban đầu đưa ra là khoảng 2.000 người bán vé số lẻ. Không ngờ ở địa bàn Bình Thuận có nghề bán vé số “xôm tụ” chừng ấy, vì thế mà việc hỗ trợ trở nên không đơn giản khi phải bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng như yêu cầu của UBND tỉnh.  Ông Hiệp phân tích chi tiết như chắc chắn một điều rằng sẽ không bỏ sót đối tượng, vì sự kiểm đếm ấy là từ thôn, xóm, khu phố gửi lên.

“Bên công ty phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, cơ quan này sẽ triển khai trong hệ thống xuyên suốt từ cấp huyện đến cấp xã. Sau đó, các cấp cơ sở sẽ thống kê số lượng người bán vé số cụ thể rồi gửi danh sách lên Mặt trận tỉnh. Dựa vào danh sách này, công ty sẽ xuất tiền hỗ trợ qua hệ thống Mặt trận và chính những người bán vé số sẽ cầm CMND, hộ khẩu đến xã, phường nhận tiền hỗ trợ”. Nghe “đường đi” của tiền hỗ trợ mà ông Hiệp nói, tôi tin là tiền ấy sẽ đến đúng đối tượng, không sót ai, vì ngay những ngày này khi nghe tin có hỗ trợ, nhiều người bán vé số ở một số nơi trong tỉnh đã đến ban điều hành khu phố để đăng ký.

Có thể 50.000 đồng/ngày hỗ trợ, ít so với những ngày rong ruổi buôn bán khắp phố thị, kiếm được vài trăm ngàn đồng nhưng đó là cả tình thương sẻ chia cùng nhau, giữa thời cuộc dịch bệnh.  15 ngày với 750.000 đồng, nếu ai đó mang ra so sánh, hẳn sẽ khó mà nói hết cung bậc của nó, khi đó là hành trình với vết nứt của những đôi chân, là những bữa cơm vội vàng… Nhưng 15 ngày rồi sẽ trôi qua, để sau đó trở lại cuộc mưu sinh và sự ấm áp, đùm bọc ấy, những con người xa lại hóa thành thân quen ấy của thời khắc này còn mãi trong trí nhớ những người đi bán “hy vọng”.

    
      Con số ban đầu đưa ra là khoảng 2.000 người bán vé số lẻ. Không ngờ ở   địa bàn Bình Thuận có nghề bán vé số “xôm tụ” chừng ấy, vì thế mà việc   hỗ trợ này trở nên không đơn giản khi phải bảo đảm chặt chẽ, đúng đối   tượng như yêu cầu của UBND tỉnh.

Phóng sự:QUANG NHÂN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
15 ngày, để bình yên quay về