Theo dõi trên

Một miếng khi đói

03/04/2020, 14:21

BT- Đại dịch Covid-19 đang kéo theo nhiều hệ lụy xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự báo số lao động mất việc sẽ lên tới hàng triệu người. Nỗi lo cơm áo gạo tiền đang đè nặng lên lưng người lao động cùng gia đình của họ, nhất là lao động ở khu vực không chính thức, làm việc tại các hộ kinh doanh cá thể, các cơ sở dịch vụ - kinh doanh nhỏ lẻ.

Không có hợp đồng lao động, không đóng BHXH, các lao động tự do không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, hay bất cứ một khoản trợ cấp nào phòng thân khi bị đẩy ra đường. Họ sẽ làm gì mưu sinh khi khoản tiền tiết kiệm ít ỏi dành dụm được cũng hết? Khi chủ sử dụng lao động cũng kiệt quệ không thể tiếp tục trợ cấp cho lao động của mình?

Một ví dụ: Từ 1/4 khi Chính phủ dừng kinh doanh xổ số kiến thiết để tránh việc người bán vé số dạo đi khắp các hang cùng ngõ hẻm, dễ phát tán dịch bệnh, thì “đội quân” vé số đông đảo làm gì mưu sinh, họ có được hỗ trợ lương thực, thực phẩm gì không?

“Bần cùng sinh đạo tặc”, thất nghiệp và nghèo đói gia tăng do ảnh hưởng dịch bệnh sẽ dẫn đến trộm cắp, cướp giật nổi lên hoành hành, nếu không kịp thời có các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ khẩn cấp người lao động và bảo đảm an ninh trật tự… Ngay sau khi có Chỉ thị 16 về cách ly xã hội 15 ngày trên toàn quốc từ 1/4, Chính phủ đã quyết định dùng gói hỗ trợ 61.500 tỷ đồng cho 6 đối tượng người nghèo, người lao động và đối tượng chính sách xã hội bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Bao gồm: lao động nghỉ không lương được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng (trong 3 tháng 4,5,6); hộ nghèo, cận nghèo, lao động tự do, hộ kinh doanh cá thể phải tạm ngừng kinh doanh: 1 triệu đồng/tháng (trong 3 tháng), người có công với cách mạng: 500.000 đồng/tháng... Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các doanh nghiệp - tập đoàn giảm ngay giá điện, nước, internet, viễn thông... cho nhân dân.

Việt Nam bước vào 2 tuần cao điểm quyết liệt chống dịch Covid-19. Giờ cũng là lúc cần phát huy cao độ truyền thống tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam ta, người giàu giúp người nghèo, người có lương giúp người không có lương... Được biết TP. Hồ Chí Minh sẽ vận động tất cả cán bộ - công chức thành phố giảm 50% thu nhập tăng thêm và dành số tiền này để hỗ trợ cho các lao động mất việc do dịch Covid-19 mà không được hưởng trợ cấp thất nghiệp (ước tính số tiền này đủ để hỗ trợ khoảng 1 triệu đồng/người/tháng cho 600.000 lao động thành phố).

Khoản tiền ấy quá nhỏ bé so với số tiền các nước giàu hỗ trợ người dân của họ trong đại dịch, nhưng người Việt Nam ta có câu “một miếng khi đói, bằng một gói khi no”, người lao động nghèo sẽ không thể vượt qua giai đoạn khó khăn này nếu không có sự hỗ trợ. Hành động nhường cơm sẻ áo để giữ ổn định xã hội chiến thắng đại dịch sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ. Hàng triệu người Việt Nam từ tiểu thương, doanh nhân, nghệ sĩ, nhà sư, tăng ni phật tử, người lao động, cán bộ công chức và kiều bào ở nước ngoài, các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm “người có tiền góp tiền, người có sức góp sức”, đang đóng góp rất tích cực giúp đất nước ta vượt qua đại dịch.

KHÔI NGUYÊN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một miếng khi đói