Theo dõi trên

Ông lập văn bia - cháu xây hồ đập

20/03/2020, 10:05

Bài 2: Nước chảy về nguồn…

BT- Ông Hồ Tá Bang có một người con trai là bác sĩ y khoa Hồ Tá Khanh, sinh năm Mậu Thân-1908 tại Phan Thiết. Thuở nhỏ học ở Sài Gòn, năm 1926 tham gia lễ truy điệu chí sĩ Phan Châu Trinh bị đuổi học, ông tìm cách trốn sang Pháp. Khoảng năm 1929 đỗ tú tài rồi vào học Trường Đại học Y khoa Paris, tốt nghiệp y khoa bác sĩ. Năm 1938 về nước không làm công chức mà mở phòng mạch tư, tham gia các hoạt động chính trị, xã hội tại Sài Gòn trong nhóm các ông Phan Văn Hùm, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Văn Tạo…

                
   Giáo sư Michel Hồ Tá Khanh và kỹ sư Mai    Chí tại hồ thủy lợi Saloon.

Năm 1945, ông được học giả Trần Trọng Kim mời tham gia nội các với chức vụ Bộ trưởng Bộ Kinh tế, đến tháng 8 cùng năm trước cao trào cách mạng cả nội các từ chức giao chính quyền lại cho cách mạng. Sau đó ông lui về sống ở Phan Thiết.

Năm 1946, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh (Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) mời ra miền Bắc nhận công tác, nhưng ông không nhận lời được vì giao thông Nam Bắc lúc ấy bị gián đoạn (Pháp chiếm). Trong khi đó Cao ủy Pháp là Bollaert o ép, thỉnh cầu ông giữ một chức vụ quan trọng trong chính phủ Nam kỳ nhưng ông một mực từ chối. Do tình hình ấy, ông tìm cách lánh sang Pháp. Ông mất ngày 18/8/1996 tại Pháp, hưởng thọ 88 tuổi (1).

Lúc rời Phan Thiết sang Pháp (1949), gia đình ông Hồ Tá Khanh có một người con trai mới lên 5, đó là Michel Hồ Tá Khanh. Ở Pháp, Hồ Tá Khanh trở thành họ, Michel mới là tên. Michel Hồ Tá Khanh tốt nghiệp kỹ sư Trường Ponts et Chausées (cầu đường), một trong những trường danh tiếng nhất của Pháp, khóa 1966. Ông là kỹ sư chuyên trách đập và các công trình thủy điện của Cơ quan Điện lực Pháp (EDF). Với cương vị Phó Chủ tịch Ban Kinh tế về xây dựng đập, thuộc Ủy ban Đập lớn quốc tế (CIGB), thành viên Ủy ban Đập lớn Pháp (CFGB), nhóm Hydrocoop (Thủy điện), Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam (VNCOLD)… ông thường xuyên được cử làm chuyên gia để hỗ trợ các nước về lĩnh vực này.

*

Anh Mai Chí, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, trong một lần dự hội nghị khoa học tại TP. Hồ Chí Minh, anh đã làm quen giáo sư Michel Hồ Tá Khanh, và không ngờ ông ấy là một chuyên gia tầm cỡ của Hydro-Coopération và  là con cháu của người sáng lập ra Trường Dục Thanh - Phan Thiết.

  Bấy giờ ở Bình Thuận có tình hình Đông Giang là một trong những xã miền núi của huyện Hàm Thuận Bắc với diện tích khoảng 9.746 ha. Toàn xã hầu hết là bà con dân tộc K’ho, thu nhập chính vốn lâu đời của người dân trong vùng là nông nghiệp, có  khoảng 300 ha là vùng đất tương đối màu mỡ phần lớn đã được canh tác trồng cây lương thực, cây màu và một ít cây công nghiệp. Nếu trồng trọt, chăn nuôi mà không lên được thì nạn phá rừng cứ tiếp tục diễn ra. Người ta đã cố gắng rất nhiều trong việc tạo ra các công trình thủy lợi - từ chà bổi đến bán kiên cố, rồi kiên cố - để đưa nước dòng suối Saloon vào ruộng nhằm khắc phục tình trạng phân bố khắc nghiệt dòng chảy tự nhiên. Nhưng do điều kiện hạn chế về vốn đầu tư, nên những biện pháp công trình thủy lợi bấy giờ chỉ đơn thuần là đập dâng tạo cột nước. Do đó, việc cung cấp nước tưới cho cây trồng thực chất phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên, còn mưa còn nước, hết mưa hết nước. Chính vì vậy, đời sống người dân tại đây phần lớn là nghèo khó, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, nạn đói giáp hạt thường xuyên xảy ra.

Năm 1998, Công ty Tư vấn Xây dựng Bình Thuận tiến hành lập thiết kế kỹ thuật – thi công hồ chứa nước Saloon và đã được phê duyệt. Qua các thông số kỹ thuật cơ bản hồ chứa nước Saloon cho thấy đây là hồ điều tiết mùa, hệ số điều tiết hồ, điều tiết dòng chảy khá bé, lượng nước xả thừa lớn trong khi tài nguyên đất trong khu vực khá phong phú. Từ đó yêu cầu đặt ra cho là cần nghiên cứu giải pháp công trình nhằm nâng cao khả năng trữ nước, phát huy tối đa tài nguyên đất, đồng thời đáp ứng yêu cầu đất sản xuất theo Nghị quyết 04 của tỉnh. Được đề nghị, giáo sư Michel Hồ Tá Khanh về ngay Phan Thiết để khảo sát hồ Saloon. Trước đó dù tỉnh bỏ ra vài chục tỷ đồng để xây dựng hồ nước, nhưng hiệu quả sử dụng không cao, vì mùa khô nước mau cạn; còn mùa mưa thì nước mau đầy phải xả bớt. Chính giáo sư Michel Hồ Tá Khanh đã áp dụng công nghệ đập nước “cầu chì” của Pháp vào công trình này. Ông cho xây một bờ đập nhỏ bằng “cầu chì” ở cửa xả (concrete fuse PLUS). Vào mùa mưa khi có lũ về làm nước trong hồ dâng cao, lập tức các “cầu chì” tự động mở ra để xả nước về hạ lưu, bảo đảm an toàn công trình đầu mối. Đến cuối mùa mưa, khi nước nguồn về ít, các “cầu chì” đặt trên ngưỡng tràn đóng lại làm nhiệm vụ giữ thêm nước cho hồ để đủ nước tưới cho vụ đông xuân tiếp theo.

Anh Mai Chí cho biết thêm, khi ý tưởng của giáo sư Michel Hồ Tá Khanh được đề xuất, thì các cán bộ trong ngành và huyện Hàm Thuận Bắc ai cũng vui mừng. Nhưng để có thể thực hiện thì phải trải qua các thủ tục đầu tư xây dựng khá phức tạp mới có kinh phí, mặc dù hệ thống đập “cầu chì” này chưa tới một tỷ đồng. Ông lại về Pháp và vận động những người bạn của mình đóng góp tiền mang về Bình Thuận để thi công công trình. Nhờ vậy mà hiệu quả sử dụng của hồ Saloon rất cao, làm cho hồ chứa thêm  hàng triệu mét khối nước mỗi năm. Qua đó, bà con xã Đông Giang đã liên tục trúng mùa trên cánh đồng Saloon.

Tháng 5/2010, sau khi dự Hội nghị Đập lớn Thế giới lần thứ 78 tại Hà Nội, giáo sư Michel Hồ Tá Khanh và giáo sư François Lempérière đã về thăm đập Saloon (Bình Thuận) bấy giờ đã được nâng cấp, ứng dụng giải pháp đập tràn kiểu “phím piano” (Piano Keys Weir - PKW) làm tăng đáng kể hiệu quả xả lũ, tăng mức an toàn đập... Hiện đã có khá nhiều tràn xả lũ kiểu PKW đang được xây dựng hoặc thiết kế tại Việt Nam. Giáo sư François Lempérière là Chủ tịch Hiệp hội Thủy điện Pháp; ông chính là “cha đẻ” của kỹ thuật “đập tràn kiểu “piano” ở nước Pháp, từng giúp Algeria xây hàng chục con đập để làm thủy điện và lấy nước làm thủy lợi. Ông cùng giáo sư Michel Hồ Tá Khanh về Bình Thuận lần này là muốn giới thiệu cho các chuyên gia thủy lợi Bình Thuận  kỹ thuật xây dựng đập tràn kiểu “piano” (đập tràn có các bộ phận được bố trí giống như phím đàn piano) của Pháp.

Giáo sư Michel Hồ Tá Khanh xa quê từ khi 5 tuổi, nên những từ chuyên môn ông không biết nói tiếng Việt. Dù vậy, ông ấy đã giảng giải khá kỹ về tính ưu việt khi xây dựng đập nước với kỹ thuật “piano”. Với kỹ thuật này, đập nước được sử dụng hết công suất mà không lãng phí nước; kinh phí lại giảm rất nhiều so với các kỹ thuật khác. Ông luôn sẵn sàng chuyển giao các kỹ thuật xây đập tiên tiến nhất cho quê hương Bình Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung. Rồi 2 ông lại vượt rừng Hàm Thuận Nam đến với hồ thủy lợi Sông Móng và hướng dẫn tỉ mỉ từng chi tiết trong bản vẽ cho các cán bộ thủy lợi Bình Thuận. Anh Mai Chí cho hay, hàng chục năm làm công tác thủy lợi tại Bình Thuận, chưa có một nhà khoa học Việt kiều nào lạ như giáo sư Michel Hồ Tá Khanh. Ông luôn hướng về quê nhà với những chuyển giao kỹ thuật cụ thể, mà chúng ta nếu mua, sẽ khó có đủ tiền.

Theo anh Mai Chí, hiện nay đập nước Sông Móng của Bình Thuận đầu tư hàng trăm tỷ đồng, đang được áp dụng công nghệ Labirynth của giáo sư Khanh  chuyển giao. Chúng tôi đang giới thiệu cho ông ấy một số đập nước thủy lợi nhỏ của tỉnh để ông ấy chuyển giao tiếp công nghệ này. Đây là một công nghệ rất hiệu quả trên thế giới đang ứng dụng, nhưng chúng ta không phải mua mà do chính giáo sư Khanh chuyển giao với tâm huyết của một người con Bình Thuận.

Hồ Sông Móng là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của Bình Thuận, được khởi công xây dựng hồi tháng 11/2007 với dự toán kinh phí toàn bộ công trình khoảng 300 tỷ đồng từ nguồn Trái phiếu Chính phủ. Theo thiết kế, hồ Sông Móng có sức chứa hơn 37 triệu m3 nước, bảo đảm tiếp đủ nguồn nước cho đập Ba Bàu ở phía hạ lưu tưới cho khoảng 2.700 ha đất nông nghiệp; mở rộng diện tích tưới cho khoảng 1.500 ha đất nông nghiệp ở xã miền núi Hàm Thạnh; cung cấp nước cho khu công nghiệp Hàm Kiệm (huyện Hàm Thuận Nam); bổ sung nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho TP. Phan Thiết và góp phần cắt giảm lũ phía hạ lưu sông Cà Ty (Phan Thiết ).

Tiếp đến, kênh chuyển nước hồ Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập (huyện Hàm Thuận Nam) được UBND tỉnh phê duyệt vào cuối tháng 10/2010, do Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 68.596 triệu đồng, từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và các nguồn vốn huy động khác. Mục tiêu đầu tư là chống hạn, trong đó sử dụng nguồn nước từ hồ Sông Móng chuyển về hồ Tân Lập.  Ngoài mục tiêu chống hạn, khi hồ Sông Móng được bổ sung từ nguồn nước của hồ Ka Pét và hồ La Ngà 3 theo quy hoạch thì dự án đảm nhận thêm việc cấp nước cho 4.080 ha đất sản xuất nông nghiệp cho 4 xã Hàm Thạnh, Hàm Cường, Hàm Minh và Tân Lập (huyện Hàm Thuận Nam).

Kênh chuyển nước hồ Sông Móng - hồ Đu Đủ - hồ Tân Lập có chiều dài 2 đoạn làm mới hơn 20 km. Hồ Đu Đủ hiện đang tích đủ khoảng 3,5 triệu m3, với diện tích tưới gần 1,5 ngàn ha, tưới thường xuyên 1.000 ha các xã Hàm Minh. 

Đến thời điểm này, giáo sư đã chuyển giao công nghệ xây dựng hồ thủy lợi cho rất nhiều công trình ở Bình Thuận. Riêng hồ thủy lợi Sông Móng, theo anh Chí, giáo sư đã giúp giảm được gần một nửa kinh phí so với các công nghệ lạc hậu. “Ông làm rất nhiều việc cho quê hương, nhưng ông ít nói về mình. Với những công trình tư vấn thiết kế của ông, nếu chúng ta phải thuê sẽ tốn kém rất nhiều tiền. Nhưng với tư cách là một người con của Phan Thiết, ông hoàn toàn không nói đến tiền thù lao”, anh Chí chia sẻ.

Kỹ sư Mai Chí giỏi tiếng Pháp, đã từng học thạc sĩ ở Pháp và quen biết giáo sư Michel Hồ Tá Khanh đã lâu, anh cho biết giáo sư nhiều lần tâm sự với anh “Bao nhiêu năm sống ở đất khách quê người, với tôi, quê hương Phan Thiết là dòng sông Cà Ty chảy ngang bên nhà; là những lu nước mắm cá cơm thơm phức. Dù rất ít kỷ niệm tuổi thơ ở Phan Thiết, nhưng với tôi quê hương mình là cái gì đó sâu thẳm trong trái tim…”. Anh cho biết thêm: “Giờ đây khi tuổi đã già, giáo sư thường về Việt Nam nhiều hơn, có năm ông ở Việt Nam hơn 6 tháng”.

Ngồi nói chuyện với anh Mai Chí, tự nhiên tôi nghĩ đến hình ảnh “nước chảy về nguồn” để mà đặt tên cho bài viết ngắn này… 

Ghi chép:VÕ NGỌC VĂN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông lập văn bia - cháu xây hồ đập