Theo dõi trên

Thời điểm cần “tồn tại”

16/03/2020, 09:50

Nhiều gói tín dụng hỗ trợ

BT- Giữa tháng 2/2020, khi dịch Covid-19 đang hiện diện ở một số tỉnh, thành với số ca dương tính rải rác thì BIDV chi nhánh Bình Thuận thực hiện theo yêu cầu chung của Trụ sở chính đã triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chương trình áp dụng từ ngày 14/2 đến hết ngày 30/4/2020 hoặc đến khi đạt quy mô gói tín dụng với lãi suất cố định 5,5%/năm trong tối đa 4 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên. Theo đó, những khách hàng cá nhân có dư nợ vay phục vụ sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng gồm nông nghiệp, xuất khẩu và du lịch sẽ được vay vốn. Cụ thể, tập trung ưu tiên các sản phẩm nông sản như thanh long, dưa hấu, mít, chuối, cá tra, basa… Riêng du lịch bao gồm các lĩnh vực phụ trợ như nhà hàng, khách sạn, còn xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Trung Quốc.

                
Thanh long một trong những lĩnh vực được hỗ    trợ lãi suất. Ảnh: Ngọc Lân

Còn với doanh nghiệp, chi nhánh ngân hàng này cũng đang triển khai gói tín dụng ngắn hạn hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ hệ thống với dư nợ tối đa 20.000 tỷ đồng và 100 triệu USD. Thời gian triển khai từ 21/2/2020 đến hết 30/6/2020 hoặc đến khi hết quy mô, với kỳ hạn áp dụng tối đa là 6 tháng. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được giảm lãi suất cho vay tối thiểu 1%/năm đối với khoản vay bằng VND và 0,5%/năm đối với khoản vay bằng USD so với mức lãi suất cho vay cùng kỳ hạn đang áp dụng đối với khách hàng tại thời điểm gần nhất.

Trong khi đó, tại Sacombank chi nhánh Bình Thuận cũng đang chuẩn bị triển khai các đợt cho vay theo hướng dẫn của trụ sở chính là “Căn cứ vào mức độ thiệt hại phát sinh thực tế, đơn vị xem xét hỗ trợ điều chỉnh giảm phí, lãi suất cho vay, lãi/phí chậm trả, cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong thẩm quyền hoặc đề xuất trình cấp thẩm quyền cao hơn phê duyệt theo các quy định hiện hành…”. Theo lãnh đạo Sacombank chi nhánh Bình Thuận, các khách hàng hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, trừ kinh doanh bất động sản và ngành gây rủi ro môi trường đều được vay với lãi suất hỗ trợ.

 Tất cả: Hãy yên tâm

Đầu tháng 3/2020, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng từ các ngân hàng để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn vì dịch Covid-19 với các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... Bên cạnh là gói 30.000 tỷ đồng khác để miễn, giảm thuế, lệ phí cho doanh nghiệp.

Hiện một số chi nhánh ngân hàng đang sẵn sàng chờ triển khai cho vay từ gói hỗ trợ này nhưng hiện tại chưa có thông tư hướng dẫn nên có không ít băn khoăn. Lo ngại nhiều nhất là việc tính toán thiệt hại như thế nào để hỗ trợ vốn đúng đối tượng, không rơi vào lạm dụng hay dòng vốn đi sai mục tiêu ban đầu. Lãnh đạo một chi nhánh ngân hàng cho biết, với tình hình giá cả thanh long sau tết vừa rồi, thật khó mà tính được thiệt hại, khi giá thấp rồi tăng rất cao chỉ trong một thời gian ngắn. Chỉ có bên du lịch thì việc xác định thiệt hại rõ ràng một chút thông qua lượng khách vắng, công suất phòng thấp...

Mọi chuyện đang chờ thông tư hướng dẫn. Trước đó, vào đầu tháng 2, theo Công văn số 541của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Thông báo Kết luận số 24 của Chủ tịch UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận cũng đã có công văn chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời yêu cầu định kỳ báo cáo kết quả, những khó khăn, vướng mắc về Ngân hàng Nhà nước. Và từ đó đến nay, có một ý kiến gửi về và doanh nghiệp này đã được giãn nợ.

Theo nhận định của nhiều người, các gói tín dụng hỗ trợ trên không chỉ khách hàng cần được “giải cứu” để phục hồi mà ngay cả các ngân hàng cũng có những cái lợi riêng, rõ nhất là “giải thoát” thanh khoản đang dồi dào. Vì thời điểm này là thời điểm cần "tồn tại" chứ không phải mở rộng đầu tư.

         
         Không chỉ khách hàng cần được “giải cứu” để phục hồi mà ngay cả các    ngân hàng cũng có những cái lợi riêng, rõ nhất là “giải thoát” thanh    khoản đang dồi dào. Vì lúc này là thời điểm cần "tồn tại" chứ không    phải mở rộng đầu tư.

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thời điểm cần “tồn tại”