Theo dõi trên

Những người thợ giữ nghề may áo dài

12/03/2020, 09:02

BT- Áo dài là trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Bởi thế dẫu có bao nghề lụi tàn để phù hợp với xu thế, thì nghề may áo dài vẫn được nhiều thế hệ lưu giữ và lấy đó làm nguồn vui, nguồn sống cho cả gia đình.

1.“May áo dài nên xuống Trung Quyên, đường Âu Dương Lân, khu phố A, phường Thanh Hải”. Lời giới thiệu ngắn gọn của những người bạn là giáo viên khiến tôi không ngần ngại tìm đến tiệm may này. Chủ tiệm là bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, năm nay 56 tuổi và có hơn 30 năm gắn bó với nghề.

                
   Bà Quyên đo áo dài may cho khách.

Là một người sống trong khu xóm đạo, từ thuở đôi mươi bà Quyên rất thích diện áo dài cũng như mê mẩn nghề may. Lớn lên được học nghề và lấy chồng cùng sở thích là cơ sở để bà mở tiệm và không ngừng sáng tạo đáp ứng yêu cầu khách hàng. “Trong quá trình học, thầy chỉ dạy những kiến thức căn bản nhất, còn thực tế khách hàng có phom dáng khác nhau, như người dị tật thường lưng gù, eo to, vai xuôi, hay người mập eo lớn… đòi hỏi người thợ phải có khiếu thẩm mỹ, đo ni thật kỹ, xếp vải thật khéo để tránh cắt bị xéo, rồi may sao cho đường chỉ được mềm mại. Chiếc áo dài khéo là khi người mặc vừa vặn, không chùng đường chỉ, không nhăn, giúp tôn lên đường nét trên cơ thể người phụ nữ”, bà Quyên cho biết.

Khách hàng của hiệu may Trung Quyên rất đa dạng, từ cán bộ, công chức, nhân viên, giáo viên cho tới các bà, các mẹ, các chị làm nông, buôn bán ở khắp các địa phương trong tỉnh. Tiền công mỗi bộ trung bình từ 400.000 - 500.000 đồng, riêng chất liệu vải yêu cầu sự tỉ mỉ, thời gian lâu hơn như nhung, kim sa giá trên 700.000 đồng/bộ. Với những loại vải trơn, tùy theo yêu cầu của khách, tiệm may sẽ gắn thêm hoa văn, thêu hoa, xỏ chuỗi trên thân và tà áo.

Nghề may áo dài đã giúp vợ chồng bà Quyên nuôi dạy 3 con ăn học đến nơi đến chốn, có nghề nghiệp ổn định. Hiện đang tạo việc làm ổn định cho 10 lao động ở Thanh Hải, Đức Thắng, Hưng Long.

2.Tiệm may Hiệp Phượng, do bà Nguyễn Thị Kim Phượng (khu phố E, phường Thanh Hải) làm chủ cũng được nhiều chị em tìm đến mua áo dài khá đông.

Nắm bắt xu hướng thời trang áo dài ngày càng được chị em ưa chuộng, bà đã học hỏi, lượm lặt trên internet, mạng xã hội và chuyển từ nghề may đồ kiểu sang áo dài 5 năm nay. Từ chiếc áo đầu tiên cho đến nay, tất cả sản phẩm đều hoàn hảo, kể cả chiếc cổ áo được cho là khó may nhất.

                
   Ông Trung, chồng bà Quyên đang cắt vải may    áo dài.

Bà Phượng chia sẻ: “Nhiều người lầm tưởng áo dài chỉ phù hợp với những người có vóc dáng cao, thanh mảnh. Tuy nhiên nếu khéo léo chọn được chất liệu vải, họa tiết, hoa văn đẹp kết hợp cùng bàn tay tinh tế của người thợ, chắc chắn chị em sẽ tự tin trưng diện ở bất cứ hoàn cảnh nào”. Nói thế để thấy rằng, yếu tố kiên trì, khéo léo của người thợ rất quan trọng vừa để giữ khách, vừa giữ nghề.

Tiệm Hiệp Phượng chỉ có bà là thợ chính và 1 thợ ráp nhưng mỗi ngày có thể hoàn thành 3 chiếc áo dài. Nhờ chịu khó cập nhật nhanh các kiểu dáng và mỗi mẫu chỉ có 1 bộ, thêm giá cả phải chăng (400.000 đồng/bộ), đường may chắc chắn, dần dà khách tìm đến khá đông. Thậm chí nhiều khách người nước ngoài ghé qua và rất hài lòng khi mặc áo dài của người Việt.

Theo thời gian, chiếc áo dài đã thay đổi rất nhiều, tinh tế, cầu kỳ và có phần hiện đại hơn trước, tuy vậy vẫn giữ được nét đẹp truyền thống vốn có của nó là tôn lên vẻ đẹp hình thể người mặc. Bởi thế áo dài vẫn là trang phục được chị em ưu tiên mặc trong các sự kiện quan trọng của gia đình, dịp lễ, tết. Còn với những người thợ may áo dài như chị Quyên, chị Phượng sẽ tiếp tục gắn bó với nghề như là cách giữ gìn nét văn hóa dân tộc và góp phần làm đẹp thêm hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. 

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những người thợ giữ nghề may áo dài