Theo dõi trên

Công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa và Thôn, khu phố văn hóa cần đi vào thực chất

27/02/2020, 09:02

 BT- Công tác xây dựng, công nhận các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, khu phố văn hóa” trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh đang được triển khai thực hiện tích cực, góp phần quan trọng trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng đạo đức, lối sống con người. Tuy nhiên, một số nơi việc đánh giá, bình chọn danh hiệu chưa sát thực tế, vẫn còn mang tính hình thức, bệnh thành tích.

                
Trao danh hiệu "Gia đình văn hóa" ở thôn    Thanh Linh, xã Tân Phước, thị xã La Gi.

Xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn, khu phố văn hóa” là một trong những nội dung quan trọng, cốt lõi của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Phong trào được cấp ủy, chính quyền quan tâm, chỉ đạo toàn diện, có hiệu quả tạo bước chuyển mới góp phần xây dựng và phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở. Đến nay, phong trào đã phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng. Theo đó, năm 2019, toàn tỉnh có 297.291/304.819 hộ gia đình đăng ký thực hiện xây dựng gia đình văn hóa, được công nhận lại và công nhận mới 282.412 hộ, đạt tỷ lệ 92,6% so với tổng số hộ (tăng 4.141 hộ so với cùng kỳ năm ngoái). Toàn tỉnh có 100% thôn, khu khố đăng ký thực hiện xây dựng “Thôn, khu phố văn hóa”, có 644/706 thôn, khu phố được công nhận lại và công nhận mới, đạt tỷ lệ 91,2% (tăng 139 thôn, khu phố văn hóa so năm 2018).

Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công tác xây dựng, công nhận các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, khu phố văn hóa”  đã được các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng mạnh mẽ, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn mới, đô thị và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần nhân dân. Đồng thời, nâng cao nhận thức trong xã hội về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương. Đặc biệt, các danh hiệu của phong trào đã tác động trực tiếp đến từng gia đình, cộng đồng dân cư và góp phần xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp cho con người theo các chuẩn mực văn minh, tiến bộ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở một số nơi trong tỉnh vẫn còn tình trạng đánh giá, bình chọn danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, khu phố văn hóa” chưa sát thực tế, thực hiện quy trình chưa chặt chẽ, thiếu công khai, dân chủ. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong nhân dân chưa sâu kỹ. Nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận người dân đối với việc xây dựng gia đình văn hóa, thôn, khu phố văn hóa chưa đúng mức, còn cho rằng danh hiệu “Gia đình văn hóa” được công nhận không có lợi ích gì nên không quan tâm đến. Mặt khác, đội ngũ làm công tác xây dựng phong trào và bình xét các danh hiệu, nhất là ở địa bàn dân cư còn thiếu và chưa nắm chắc quy trình, tiêu chí quy định. Có nơi đánh giá chưa thực chất do còn sợ ảnh hưởng đến thành tích các danh hiệu khác.

Để nâng cao chất lượng các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, khu phố văn hóa” trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc bình xét và công nhận các danh hiệu của phong trào theo đúng quy định tại Nghị định số 122 ngày 17/9/2018 của Chính phủ và Quyết định số 25 ngày 6/9/2019 của UBND tỉnh nhằm chấn chỉnh những biểu hiện bình xét qua loa, đại khái, không đúng quy trình và kiên quyết loại bỏ bệnh hình thức, chạy theo thành tích. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành liên quan giải quyết kịp thời một số hạn chế thiếu sót trong chỉ đạo phong trào ở cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Mặt trận, các tổ chức hội, đoàn thể trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa và những lợi ích khi tham gia cuộc vận động và xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Đồng thời, phát động đến mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải đi đầu trong tham gia thực hiện các hoạt động, phong trào ở cộng đồng dân cư. Ngoài ra, triển khai xây dựng và phát triển các mô hình hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng phong trào ở địa bàn dân cư gắn với các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…  

Thanh Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh họp phiên thứ 10
BTO-Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh tổ chức phiên họp để thảo luận, cho ý kiến về kết quả hoạt động quý I và phương hướng, nhiệm vụ quý II/2024. Đồng chí Nguyễn Hoài Anh -Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) tỉnh chủ trì phiên họp.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa và Thôn, khu phố văn hóa cần đi vào thực chất