Theo dõi trên

Băn khoăn với quản lý người nghiện  

26/02/2020, 10:23

BT- Giữa tuần trước, câu chuyện nghệ sĩ ưu tú Vũ Mạnh Dũng, Phó Trưởng đoàn Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, bị anh vợ trong cơn say ma túy (ngáo đá) đâm tử vong tại nhà riêng ở Hà Nội, để lại vợ và 3 con nhỏ gây sốc cho dư luận cả nước.

 Bàng hoàng và tiếc thương cho người ra đi, khi tài năng và tuổi đời còn quá trẻ, thì dư luận không khỏi bức xúc trước thực trạng và nỗi lo mang tên “ngáo đá”, đang hiện diện mọi nơi trong đời sống.

 Không lo sao được, khi hành vi và hành động của người bị ngáo đá không khác gì như con thú dữ, sẵn sàng tấn công tướt đoạt mạng sống những người vô tội trong gia đình và xung quanh, gây ra những cái chết tức tưởi.

 Tại Bình Thuận, vài năm trở lại đây không ít sự vụ đau lòng liên quan đến ngáo đá cũng xảy ra và hậu quả của nó cũng tương tự như vụ nghệ sĩ ưu tú Vũ Mạnh Dũng. Đó là vụ Trưởng công an xã Tiến Lợi (TP. Phan Thiết) bị đối tượng ngáo đá đâm tử vong vào ngày 25/12/2018, khi đang cố gắng khống chế đối tượng uy hiếm người dân. Hay đối tượng ngáo đá đâm chết bạn thân, rồi cầm hung khí cố thủ trong nhà xảy ra tại xã Hàm Thắng (Hàm Thuận Bắc) vào ngày 5/3/2019.

 Một thực tế đáng buồn là hiện nay tình trạng nghiện ma túy đá trong cộng đồng dân cư ngày một nhiều, song hành với nỗi lo của người dân. Những cụm từ “ngáo đá leo cột điện”, “ngáo đá leo mái chùa”, “ngáo đá leo nóc trụ sở cơ quan nhà nước”, “giải cứu ngáo đá” đã trở nên quen thuộc… Thống kê sơ bộ trong năm 2019 đến nay trên địa bàn tỉnh, cơ quan chức năng đã tiếp nhận và xử lý 10 vụ việc các đối tượng ngáo đá gây mất an ninh trật tự, có hành vi gây nguy hiểm cho chính bản thân và cho người khác. Và đó chỉ mới là những vụ việc bề nổi, dư luận quan tâm, còn thực tế tại địa bàn dân cư, tình trạng ngáo đá gây mất an ninh trật tự xảy ra là không ít.

 Cả nước hiện có gần 230.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, còn tại Bình Thuận con số đó cũng lên đến trên 2.800 người. Thiệt hại cho cộng đồng do ma túy mang lại, cũng như nguồn cơn phát sinh các hệ lụy khác cho xã hội là điều ai cũng thấy. Chua nói đến ngân sách nhà nước hàng năm chi cho công tác phòng chống tội phạm ma túy, chỉ tính riêng về việc cơ quan chức năng phải huy động lực lượng và công cụ hỗ trợ để “giải cứu” ngáo đá, đã cho thấy thiệt hại về kinh tế như thế nào.

 Nếu như các tỉnh phía Bắc có đường biên giới là mắc xích đầu tiên khi mua bán, vận chuyển hàng ký, hàng tạ ma túy, thì Bình Thuận lại là mắc xích cuối cùng, nhưng là nơi đối tượng tiêu thụ sử dụng và ảnh hưởng trực tiếp. Dù pháp luật hình sự có chế tài với khung hình phạt lên đến tử hình đối với người nghiện ma túy mất kiểm soát hành vi gây trọng án, nhưng rõ ràng với chính sách coi người nghiện ma túy là người bệnh và cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng như hiện nay, thì ngáo đá vẫn còn là một mối lo lắng thực sự của người dân.

 Có thể thấy rằng, dù phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy được Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, chỉ đạo xuyên suốt và quyết liệt đến các địa phương và cơ quan chức năng. Các vụ án và đường dây ma túy tiêu thụ trên địa bàn Bình Thuận cũng đã được triệt phá kịp thời, góp phần kiềm chế ma túy. Thế nhưng để giải quyết một cách bền vững, để ngáo đá nói riêng và “vấn nạn” ma túy nói chung không còn là mối băn khoăn, lo lắng của người dân, ngoài sự quyết liệt và đồng bộ hơn nữa của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng, thì về chính sách cũng cần phải có sự thay đổi, trong đó nhất thiết phải tăng tính chế tài đối với việc quản lý, giám sát người nghiện, thay vì để ngoài cộng đồng như hiện nay.

 P.S



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Băn khoăn với quản lý người nghiện