Theo dõi trên

Các điểm mua sắm, quán ăn mùa dịch SARS-CoV-2: Tận dụng kênh bán hàng qua mạng

24/02/2020, 09:05

BT- Trước tình hình dịch bệnh SARS-CoV-2 ngày càng diễn biến phức tạp, các siêu thị, quán ăn, trung tâm mua sắm, vui chơi trở nên đìu hiu, ế ẩm, bởi người dân lo ngại đến nơi đông người. 

                
   Siêu thị thưa vắng vào ngày cuối tuần.

Kinh doanh ế ẩm

Dạo quanh các siêu thị Co.opmart, Lottemart tại TP.Phan Thiết ngày cuối tuần, các gian hàng thưa vắng hơn mọi khi. Đây thường là nơi mọi người tập trung mua sắm, dạo chơi, giải trí đặc biệt là dịp cuối tuần. Tuy nhiên, những ngày gần đây, các siêu thị trở nên thưa vắng, không còn nhộn nhịp như mọi năm sau kỳ nghỉ tết. Rạp phim ở tầng 5 của Lottemart Phan Thiết cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nhân viên bán vé ở đây cho biết, thông thường sau tết, nhiều thanh niên có tiền lì xì sẽ mua vé xem phim đông đúc. Nhưng năm nay có dịch bệnh nên lượng người đến xem giảm đáng kể. Nếu có thì mọi người đều có ý thức đeo khẩu trang để phòng tránh bệnh.

Tại các shop thời trang, tình hình kinh doanh càng ảm đạm hơn. Các shop thời trang lớn như H.K, H.P, B.X, L.H… nhân viên bán hàng đông hơn khách đến mua. Chủ các shop thời trang cho biết, thông thường sau tết nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng không cao như dịp cuối năm nên các cửa hàng thưa vắng hơn. Đặc biệt thời điểm này, người dân hạn chế đến nơi đông người nhằm tránh lây bệnh, nên lượng khách càng giảm sâu, nhất là vào buổi tối. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, chúng tôi phải tính toán đến việc cắt giảm nhân viên để cân đối chi phí. 

Giải pháp mua sắm online

Khó khăn hơn cả có lẽ là các quán ăn uống trên các tuyến đường lớn TP. Phan Thiết như Hùng Vương, Tôn Đức Thắng, bờ kè Phạm Văn Đồng... Vào buổi tối, các quán ăn thưa vắng, lượng khách giảm rõ rệt. Nhiều quán sau tết cầm cự không nổi, đành phải treo bảng tạm nghỉ, sửa chữa thậm chí sang quán. Chủ một quán ăn trên đường Hùng Vương chia sẻ: “Giáp tết thì “kẹt” Nghị định 100, sau tết thì dịch bệnh bùng phát nên mọi người ngại đến nơi đông đúc, do đó các quán ăn uống hoạt động cầm chừng, không nhộn nhịp như mọi năm. Nếu thuê mặt bằng giá cao, cộng chi phí nhân viên mà tình hình buôn bán ế ẩm thế này chỉ có huề hoặc lỗ. Mặc dù nhiều quán “chữa cháy” bằng cách cung cấp luôn dịch vụ xe đưa rước tận nhà nếu khách hàng uống nhiều bia rượu, phát khẩu trang miễn phí, phục vụ nước rửa tay sát khuẩn… nhưng cũng không mấy khả quan. Các quán cà phê, trà sữa, ăn vặt, khu vui chơi cho trẻ em cũng thưa thớt, “tuột dốc” rõ rệt.

                
   Lượng khách đến quán nước giảm rõ rệt.

Để kích thích tiêu dùng, ngoài 2 siêu thị đẩy mạnh việc bán hàng online, giao hàng tận nơi, thì các điểm kinh doanh ăn uống cũng tận dụng kênh bán hàng qua mạng xã hội, zalo, giao hàng tận nhà cho khách. Đại diện quán trà sữa Bla Bla Chà (Võ Văn Kiệt) cho biết, lượng khách đến uống trực tiếp giảm rõ rệt, nhưng bù lại đơn hàng đặt mua qua mạng, giao hàng tận nơi thông qua hệ thống shipper tăng đáng kể. Điều đó cho thấy, mua sắm online đang là “cánh cửa” mới để doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa.

Theo dự báo, tình hình dịch bệnh SARS-CoV-2 có thể còn kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều mặt, do đó các điểm kinh doanh, nhà hàng ăn uống cần có chiến lược kinh doanh “thông minh” hơn, tận dụng kênh mua sắm qua mạng để bù chi phí, cũng như cầm cự vượt qua giai đoạn khó khăn này.

M.Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các điểm mua sắm, quán ăn mùa dịch SARS-CoV-2: Tận dụng kênh bán hàng qua mạng