Theo dõi trên

Nhớ những mùa me

21/02/2020, 16:58

BTO- Mấy hôm nay trời trở gió. Gió giật từng cơn, bụi tung mù mịt, thỉnh thoảng lại có một cơn lốc xoáy nhỏ cuốn theo những chiếc lá khô, cả những chiếc bịch ny lông dịch chuyển trên đường cũng đủ làm đám trẻ nhỏ đang ngáp ngắn ngáp dài trong kỳ trốn dịch bệnh hưng phấn. Nắng, gió, dịch bệnh làm mọi người ngần ngại ra đường. Tôi cũng không ngoại lệ. Pha cho mình một ấm trà nhỏ, tôi bắc ghế ra phía sau nhà - nơi có một khoảng sân nhỏ lúc nào cũng mát rượi để nhâm nhi chút cốm nếp. Cái thứ cốm dẻo truyền thống đặc trưng của miệt Phú Tài, Đại Nẫm ngày xưa bỗng dưng trở nên hiếm hoi giữa những cốm sấy, cốm sữa. Ngày trước, cứ mỗi độ tháng Chạp về lại đâu đó rộ lên những lò rang nổ. Những hạt nếp nở bung ra trắng xóa, giòn tan trên chảo được nhanh chóng vớt ra trong những cái thúng to, được đóng vào bao theo chân bạn hàng về đến mọi nhà. Ngày ấy, Tết về hầu như nhà nào cũng có cốm dẻo. Nhà có điều kiện thì đóng thành những hộc vuông xinh xắn, nhà nào bận rộn thì đặt mua. Lạ lùng thay,...

 Đó cũng chính là cái thú của tôi ngay lúc này! Một cuốn sách hay, một bình trà ngon, một miếng cốm ngọt. Còn gì sang chảnh hơn! Cứ tưởng mình bị cuốn vào sách nhưng những cơn gió rít trên mái nhà cộng thêm vô tình cắn phải miếng me chua bỗng dưng tâm tư tôi lại trôi về một miền ký ức khác. Đó là những mùa me chín! Phải, mùa này me chín rộ và bắt đầu bị những cơn gió dữ quăng quật tơi bời. Sau một hồi chao đảo thì chúng thi nhau lìa cành, đâm thẳng xuống đất. Vỏ me chín giòn nhưng mỏng tang lập tức vỡ vụn tạo thành những tiếng lộp bộp như ai đó vỗ tay đôm đốp từ xa. Hơn ba mươi nay về trước, me là loại cây quen thuộc ở chốn thôn dã. Ở Phong Nẫm, Phú Tài, xa hơn Hàm Liêm, Hàm Thắng… me mọc thành hàng trên đường đi. Hầu như chỗ nào cũng có me. Me cũng lặng lẽ mọc sau vườn mỗi nhà. Chúng tự nhiên mọc lên, tự nhiên ra hoa kết trái, hiển nhiên thành một chỗ trú ngụ tuổi thơ của đám con trẻ thôn quê. Dưới bóng me, tụi con gái có thể chơi nhà chòi, bán đồ hàng, nhảy dây, banh đũa; đám con trai thì tạc lon, bắn bi, đánh đáo… Có biết bao ông bố bà mẹ ngày hôm nay, mỗi ngày bất lực nhìn tụi con vùi đầu vào điện thoại, game online lại thẫn thờ nhớ về những bóng me già nơi vườn cũ, nhớ về những ngày nấp sau bóng cây sần sùi  gốc rễ mà mượt mà niềm vui chơi năm mười mươi lăm hai mươi, hay túm tụm lại kể chuyện ma hay 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. Thật hiếm có loài cây nào vừa giúp con trẻ chơi đùa mà lại giúp chúng kiếm tiền như cây me mộc mạc đơn sơ này. Tháng ba, me bắt đầu trút lá. Sau một vài cơn mưa giông đầu mùa, me bắt đầu ra những chiếc lá tươi non. Điều này đồng nghĩa với đám trẻ nhà quê chúng tôi bước vào mùa hái lá me non phụ mẹ kiếm tiền chợ. Mà nghĩ cũng lạ, trời đất vạn vật cũng hòa hợp vô cùng. Mùa lá me non cũng là mùa cá nục non. Giữa cái oi nồng của những ngày chuyển mùa còn gì thú vị hơn là một bát canh chua lá me non nấu với cá nục con thanh mát! Ngày ấy, anh em chúng tôi, mỗi người một túi vải thoăn thoắt chuyền cành, tay vịn tay tuốt những búp lá non tơ, lòng rộn ràng hoan hỉ vì ngày mai mẹ có thêm ít đồng xoay xở. Mùa lá me non rồi cũng qua đi thật nhanh, trên cành lúc này me bắt đầu ra hoa kết nụ để rồi một thời gian sau đó, bọn trẻ chúng tôi lại háo hức giã cối muối ớt cay xè, chọn chiếc chén sành xấu xí nhất trút vào (nếu chẳng may làm vỡ thì không tiếc) thoắt một cái, leo tuốt lên chạc ba của cây, với tay hái những trái me non chấm vào chén muối tha hồ mà xuýt xoa. Cái cay của ớt, cái mặn của muối quyện vào cái chua vừa phải của me non chạy thẳng vào gan ruột của đám trẻ nghèo chúng tôi mà thành kỉ niệm. Một kỉ niệm ngọt ngào chứ không phải chua chát như cái hương vị của quả me non. Những quả me bé tẹo ấy cứ âm thầm lớn lên, nghoảnh đi nghoảnh lại thì nghe mùi gió bấc, chợt nhìn ra thì đã thấy me già. Vậy là đến lúc chúng tôi lại vắt vẻo trên những cành me dẻo dai, chọn những quả suôn dài, mập mạp, hái xuống cho mẹ sên mứt. Mẹ tôi rim mứt me rất ngon. Mẹ chỉ làm để dành biếu chứ không có bán và xem đó là chút quà quê nhưng ấm nóng thâm tình gởi cho những người mà ba mẹ trân quý. Quả me chua đơn sơ, mộc mạc ấy lại mang đến niềm vui rộn ràng cho chúng tôi khi nó bắt đầu chín rộ vào cuối tháng Chạp. Sau mỗi cơn gió bấc, những quả me chín cong như những mảnh trăng khuyết thi nhau lìa cành. Thuở nhỏ, bất chấp cái Tết với rộn ràng áo mới, hồ hởi với những phong bao lì xì, ngày ba bữa tôi vẫn thường mang bao ra những gốc me sau nhà mình lẫn hàng rào hàng xóm để lượm những quả me đầy mật bởi cũng như tôi, những đứa trẻ con hàng xóm vẫn thường rình rập hớt tay trên lẫn nhau. Mùa me chín, ngoài giờ đến lớp, hầu như tuổi thơ của tôi diễn ra ở những bóng me già. Leo trèo, hái lượm, có khi tranh giành nhau chí chóe. Bởi nhặt càng nhiều me thì càng có thêm ít tiền phụ mẹ. Những túi me chúng tôi nhặt về từ những nơi khác nhau được đổ ra giữa nhà rồi ba anh em túm tụm lại lột vỏ. Quả nào dài, nguyên vẹn thì được sắp xếp ngay ngắn, bắt mắt cho dễ bán. Quả nào còi cọc, chỉ có một vài múi thì được chúng tôi dùng dao nhọn tách hạt ra, phần thịt me giữ lại để cân thành từng lạng. Còn hạt me thì có khi mang cả thúng ra sau hè vứt đi, khi thì giữ lại để trong một hộp giấy để dành chơi trò búng hạt me ăn nhéo tai trong những ngày mưa rả rích. Thế đấy, trò chơi tuổi nhỏ của con nhà nghèo nó dân dã, hồn nhiên, không tốn kém mà lại đầy ắp những tiếng cười. Không hiểu sao, tôi lại có duyên với cái trò này, cứ mỗi lần tới lượt thì hầu như tôi gom bằng sạch tất cả các hạt me về cho mình. Và tất nhiên hai vành tai của hai đại ca tôi phải liên tục đỏ ửng đến mức hai ông đã phải nổi đóa! Có đôi khi rảnh rỗi hoặc cao hứng mẹ hạ lệnh ngâm hạt me nấu chè! Bạn có bao giờ ăn chè hạt me chưa nhỉ? Cái loại chè phải kỳ công và kiên nhẫn vô cùng. Hạt me sau bao lần ngâm luộc xả cho thật mềm được nấu lên, cho thêm đường cát (nếu không cho đường tán vẫn ngon!), nhà có trái dừa khô rụng thì vắt nước cho vào thêm một ít đạu phộng rang rải lên thì ngon thần sầu! Sau này lớn lên, tôi mới được biết món chè hạt me này có nguồn gốc tận Campuchia nhưng với những ngày thơ dại túng thiếu, sự sáng tạo của mẹ, sự đãi ngộ một lặng lẽ, khiêm nhường của loài cây mộc mạc này cũng đã tưới tắm tâm hồn chúng tôi- những đứa trẻ ngày xưa chỉ biết loanh quanh trong góc vườn, gian bếp đầy bồ hóng hoặc đắm mình trong sách vở mà thôi.

Bây giờ thì những hàng me đã bị đốn sạch. Những con đường đất đỏ đầy sỏi đá và mịt mù bụi ngày nào đã được thay bằng những con đường nhựa tinh tươm. Những con đường rộng hơn, sạch hơn đã đánh đổi bằng những hàng me mát rượi. Cái ngày những toán thợ mang cưa máy đốn hạ từng gốc me già vạm vỡ - những gốc me có thể tuổi đời chúng bằng tuổi mẹ ba tôi, tôi có cảm giác như me đang khóc - tiếng khóc lặng lẽ, ngậm ngùi cho cái số kiếp của loài cây khiêm nhường, dân dã thường chọn cho mình cư ngụ ở cái chốn quạnh hiu… Những cái tên xóm Me, Gò Me hoặc cây me ông Tám cũng đã dần lùi xa thành quá khứ. Cơn bão trồng thanh long xuất khẩu cùng với phong trào xài thớt me đã gần như xóa sổ những cây me cuối cùng ở cái chốn có cái tên là xứ me! Bọt bèo với nhau là thế nhưng bẵng đi một thời gian phong trào trồng me Thái bùng lên. Trên các kệ bán trái cây và đồ ăn vặt cho học trò, me Thái, me Lào giá không hề rẻ. Một kg me Thái bán trên Sendo giá đến 99.000 đ; một kg me Lào cũng được bán với giá 90.000 đ, me Campuchia gắn mác Thái cũng hét giá cao ngất ngưỡng trên Shopee. Tôi bùi ngùi tìm kiếm thương hiệu me Việt của mình nhưng hoàn toàn vô vọng. Quả me Việt đi suốt tuổi thơ tôi cũng đủ ngọt ngào, cũng đủ hương sắc đâu kém gì quả me của nước bạn đã bị chính người Việt mình bức tử và lãng quên!

Buồn thay những quả ngon của ta lại mai một và chết ngay trên quê hương của mình. Phải chăng cái tâm lí sính ngoại hay cái sự bội bạc của con người vốn dĩ không bao giờ trân trọng những gì mộc mạc, giản dị, gần gũi đến mức hiển nhiển bên mình để mải chạy theo những hào nhoáng xa xôi?

 Bây giờ, đang là mùa gió bấc và cũng là mùa me chín rộ.Có tiếng quả me nào rơi vào hốc vắng trên cánh đồng xa? Nhưng chắc chắn đã có tiếng me rơi vào ký ức của tôi ngân vang một nỗi niềm tiếc nhớ…

 NGUYỄN KHUÊ TÚ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhớ những mùa me