Theo dõi trên

Bài toán giữ lao động du lịch

21/02/2020, 09:38 - Lượt đọc: 54

BT- Trong khi khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né vẫn có lượng khách quốc tế nhất định thì vùng du lịch phía Nam của tỉnh đã phần nào bị ảnh hưởng dịch Covid -19, khi lượng khách sụt giảm đột ngột, khiến nhiều lao động nơi đây cũng lao đao…

                
Resort vắng khách mùa dịch Covid - 19. Ảnh    minh họa

 Khuyến khích nhân viên nghỉ phép

Với khí hậu nắng ấm, gió lộng bãi biển trải dài, Bình Thuận là lựa chọn lý tưởng của khách quốc tế đến từ nhiều quốc gia như Nga, Mỹ, Đức… giữa cơn đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, phần lớn du khách tập trung ở khu vực Hàm Tiến - Mũi Né, riêng khu vực Tiến Thành (TP. Phan Thiết), Thuận Quý (Hàm Thuận Nam), du lịch có phần ảm đạm hơn.

Tuyến đường ven biển xã Tiến Thành, Thuận Quý vốn dĩ đã vắng vẻ nay càng hiu quạnh hơn từ sau Tết Nguyên đán. Nhiều khách sạn, resort đìu hiu, bãi xe không bóng người. Một số khách sạn ở khu vực này cho biết, tình hình kinh doanh hiện tại rất ế ẩm, công suất phòng chỉ còn 20 - 30%. Trước khó khăn ấy, nhiều đơn vị du lịch buộc phải điều tiết nhân sự, khuyến khích nhân viên nghỉ phép, thực hiện chế độ làm việc gối đầu, luân phiên để cân đối chi phí. Ông Q. là nhân viên bảo vệ ở một resort thuộc xã Thuận Quý cho biết, trước đây ông trực 4 ca làm nguyên ngày kể cả trực đêm, nhưng cả tháng nay, resort vắng khách, ông chỉ còn làm 2 ca/ngày, lương theo đó cũng bị giảm. Còn chị L. phụ trách dọn phòng ở một cơ sở lưu trú du lịch khác thông tin, vì khách ít nên chủ doanh nghiệp yêu cầu nhân viên giãn ca trực, thay nhau nghỉ phép, chế độ thưởng, phụ cấp cũng bị ảnh hưởng. Hai tuần nay, công ty này đã triển khai chương trình làm việc luân phiên, nhân viên chỉ còn làm nửa ngày hoặc 3 ngày/tuần. Đây là giải pháp đối phó tạm thời của các doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp ngành du lịch sẽ rơi vào tình huống “tiến thoái lưỡng nan”.

Trước tình hình đó, nhiều lao động trong ngành này tính tới phương án làm “nghề tay trái” để đảm bảo cuộc sống. Chị H. nhân viên lễ tân một resort ở Tiến Thành cho biết, từ sau tết khách hủy phòng khá nhiều, công ty cũng cắt giảm giờ làm nên chị tranh thủ bán mỹ phẩm online do người thân ở Hàn Quốc gửi về. Còn chị B. làm công việc dọn phòng cũng tranh thủ thời gian nhận thêm vài nhà dọn dẹp theo giờ đắp đổi qua ngày. Dịch bệnh không biết kéo dài đến bao giờ và nhân viên đang rất lo bị cắt hợp đồng.  

Tìm cách giữ nhân viên

Theo chủ một resort ở huyện Hàm Thuận Nam, lao động ngành du lịch vốn đã khó tìm, nếu nay cắt giảm nhân sự thì đến lúc tình hình dịch bệnh qua đi, tuyển dụng lại rất khó khăn. Do đó, công ty đang cầm cự, ổn định nhân viên hiện hữu, giải quyết phép, nợ ca, đồng thời điều tiết như mùa thấp điểm. Nhiều doanh nghiệp khác cũng rất lo lắng, bởi không biết dịch bệnh kéo dài đến lúc nào. Ngoài việc ảnh hưởng nặng nề doanh thu, khách hủy phòng, doanh nghiệp phải gồng mình trả lương nhân viên, chi phí hoạt động, thậm chí cả lãi vay ngân hàng, do đó khó khăn vô cùng.

Để tạo sự an tâm cho du khách đến lưu trú, các đơn vị du lịch ở đây thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh khá bài bản. Hầu hết các đơn vị đều phun xịt thuốc khử trùng trong khuôn viên resort, có máy đo thân nhiệt khi khách đến nhận phòng, phát khẩu trang miễn phí, trang bị nước rửa tay sát khuẩn ở các điểm công cộng trong resort… Nhưng vì lo dịch Covid- 19 lây lan, nên nhiều khách đã hủy tour du lịch trong vài tháng tới, khiến các điểm lưu trú nơi đây đứng ngồi không yên.

Dù tình hình kinh doanh khó khăn, nhưng theo kinh nghiệm của các công ty lữ hành, du lịch, thay vì mạnh tay cắt giảm nhân sự như những đợt dịch trước, thì các công ty đang tìm cách “cầm cự” giữ chân nhân viên và lên kế hoạch khi thị trường phục hồi. Tuy nhiên, để kéo dài qua mùa dịch là sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì tài chính không cho phép. Do đó, phải giữ nhân viên, cầm cự hoạt động trong mùa dịch Covid – 19 đang trở thành bài toán nan giải của các công ty, doanh nghiệp ngành du lịch.

    
      Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến ngày 18/2/2020, trên địa   bàn tỉnh Bình Thuận đang có khoảng 12.400 lượt khách lưu trú du lịch,   trong đó có 1.806 khách nội địa, 10.594 khách quốc tế, và 125 khách du   lịch Trung Quốc, tập trung tại vùng du lịch Hàm Tiến - Mũi Né.

Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài toán giữ lao động du lịch