Theo dõi trên

Vi phạm quy chế

21/02/2020, 08:56 - Lượt đọc: 6

BT- Đời người - ai cũng vậy, những ấn tượng đầu tiên, dẫu tốt hay xấu, thường khó quên. Tôi cũng có một kỷ niệm khi mới ra trường, lần đầu tiên được điều đi chấm thi – kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, với thầy phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, chuyện đã 40 năm trôi qua, nhưng rất ấn tượng, chẳng phai mờ trong ký ức.

                
Ảnh minh họa

Tuân chỉ tiền bối mới sai

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 1979 - 1980, học sinh chỉ thi có 2 môn văn và toán (ngoại ngữ chưa được quan tâm, nhưng trường tôi dạy, cho học sinh chọn 1 trong 3 ngoại ngữ để học: Nga, Anh, Pháp). Tôi làm giám khảo môn văn. Thầy phó hiệu trưởng – cũng là giáo viên văn, tuổi trên 40, ở trong ban lãnh đạo hội đồng chấm thi, làm nhiệm vụ phát bài và chỉ đạo cho giám khảo chấm. Thầy đưa bài đến và nói nhỏ với tôi về số thứ tự một bài trong xấp bài ấy, bảo, mày xem, cho nó 5 điểm nhé. Dĩ nhiên trước bậc “tiền bối” như thầy, tôi răm rắp “tuân chỉ”. Khoảng một giờ sau, thầy đi ngang qua phòng chấm, tôi gật đầu. Thầy vào bên tôi hỏi nhỏ, bài nó làm có được không ? Tôi cũng thì thầm lại, dạ, nó làm khá lắm. Thầy hỏi cho mấy điểm. Tôi nói đúng như thầy dặn, 5 điểm. Thầy ngồi xuống bên cạnh và mở bài xem, đọc xong, thầy nhìn tôi, bài viết khá thế sao mày cho 5 điểm. Tôi thì thầm lại, thầy dặn thế mà. Thầy vỗ trán một cái, trời đất, cái thằng này, tao sợ nó làm bài không được, nên mới bảo mày cho 5 điểm; còn nó làm bài khá thì cho điểm chính xác vào chứ. Thế theo mày thì bài này được bao nhiêu điểm? Tôi nói, dao động từ 7 đến 8. Thầy gật đầu, bảo sửa lại, rồi bỏ đi. Từ chuyện vi phạm quy chế này, tôi cứ áy náy và suy nghĩ mãi về em học trò ấy, suýt nữa là “học tài thi phận”. Từ đó trở đi, thầy chẳng nhờ gì tôi nữa, 5 năm sau, thầy chuyển công tác về một tỉnh khác. 

Một hướng ra đề không học tủ

Chính vì thế nên nội dung bài viết của em học sinh ấy gợi tôi nhớ rất lâu. Hồi ấy, ty Giáo dục – sau này là sở, ra đề, họ không lệ thuộc nhiều vào kiến thức trong khung phân phối chương trình. Đề thi môn văn chỉ có một câu nghị luận, chủ yếu là nghị luận văn học. Không biết thầy nào ở ty khi ấy ra đề, trích một đoạn thơ không có trong sách giáo khoa, giá như bây giờ mà ra đề ngoài khung chương trình và sách giáo khoa kiểu ấy thì người ra đề không biết tránh vào đâu với “gạch đá”, “búa rìu” dư luận. Tôi còn nhớ đề yêu cầu phân tích đoạn thơ:

“Bản làng ta đang giấc ngủ ngon/Vườn tượt quê hương lá mượt trái tròn/Đang yên ả trong đêm xuân tĩnh mịch/Chúng nó đến hòng bất ngờ chém giết/Mỵ Châu ơi nàng hãy ngậm cười/Cái lẫy nỏ năm xưa ta lấy lại rồi/Chúng nó đến lao vào huyệt mộ”(*).

Mùa thi năm ấy rơi vào thời điểm lịch sử Tổ quốc có nhiều biến động dữ dội - đặc biệt là cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc, tinh thần bảo vệ Tổ quốc hừng hực dâng lên ngút trời. Chắc vì thế hay sao mà một em học sinh lớp 9 biết trích dẫn lịch sử để chứng minh cho các luận điểm trong bài làm văn khá chính xác, từ chuyện An Dương Vương chủ quan ngủ quên trên chiến thắng, để Trọng Thủy vào ở rể, sống trong cung đình làm gián điệp, rồi cô Mỵ Châu thơ ngây để cho Trọng Thủy đánh cắp bí mật quốc phòng – tráo lấy chiếc nỏ thần, lại còn khờ đến mức rắc lông ngỗng làm dấu khi cùng vua cha chạy trốn để cho quân Triệu Đà tìm vết đuổi theo. Bài viết của em cũng có những nhận định khá bao quát, như từ sự kiện mất nước đầu tiên ấy, trải qua hàng nghìn năm, cha ông ta đã phải đổ bao xương máu để rút ra bài học cảnh giác giữ nước, rồi viện dẫn qua các thời kỳ, từ Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, đến thời đại Hồ Chí Minh, bây giờ thì “Mỵ Châu ơi nàng hãy ngậm cười/Cái lẫy nỏ năm xưa ta lấy lại rồi”. Tôi nhớ, khi thầy phó hiệu trưởng đọc đến chỗ này, ông chỉ tay vào thì thầm, riêng ý này, cũng có thể cho nó trên trung bình được rồi.

Hồi mới ra trường, tôi chưa nắm vững về quy chế chấm thi, nên mới rơi vào tình trạng như thế. Cũng từ dạo thầy chuyển vùng công tác đến nay tôi chưa bao giờ gặp lại, không biết sức khỏe thầy ra sao. Chuyện lâu lắm rồi, bây giờ nhắc lại, nếu tình cờ đọc được những dòng này, chắc thầy cũng mỉm cười, thừa nhận một thời thầy trò vi phạm quy chế. Còn bài làm của em học sinh ấy không biết nam hay nữ. Nếu là nữ, chắc bây giờ cô ấy cũng đã về hưu.

    
    (*): Trích “Quân thù như thế đấy” - Vũ Quần Phương, Báo Nhân dân số   0076, ngày 15/4/1979. Có thể một vài từ ghi lại trong đoạn trích chưa   chính xác, nhưng không làm sai lệch nội dung.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vi phạm quy chế