Theo dõi trên

Thanh long không chỉ làm bánh mì

19/02/2020, 10:30

BTO- Tuần qua, sản phẩm bánh mì thanh long của ông "vua bánh mì Việt" Kao Siêu Lực góp phần "giải cứu" nông sản trong mùa dịch bệnh đã được dư luận nhiệt tình đón nhận. Khách xếp hàng chờ, bánh ra lò mẻ nào bán hết ngay tới đó, giá chỉ 6.000 đồng/ổ.

Theo ông Lực chia sẻ thì công thức làm bánh cũng khá đơn giản: giảm 80% lượng nước trong mẻ bột bánh mì, thay bằng 60% lượng thanh long ruột đỏ xay nhuyễn, thêm sữa, đường, bột, men nhồi rồi ủ bột... Trái thanh long có đường trái cây và vị chua, nên phải thay đổi công thức, sau vài lần thất bại và 3 ngày thử nghiệm, mẻ bánh mì thanh long đầu tiên đã ra lò, vỏ có màu đậm hơn bánh mì thường, điểm lấm tấm những hạt thanh long đen liti như hạt vừng. Mới chỉ nhìn thấy trên ti vi thôi đã háo hức, tôi và rất nhiều người dân Bình Thuận (thủ phủ thanh long) rất muốn nếm thử hương vị loại bánh mì thanh long này.

Ngay sau đó, chủ lò bánh mì Thanh Thủy (ở TP Phan Thiết) cũng kịp thời sản xuất bánh mì thanh long đưa ra thị trường và rất được khách hàng ủng hộ, bởi vị thơm ngon đặc trưng của trái thanh long quê hương và cái "tâm" trong từng chiếc bánh. Bạn đọc bình luận: Rất cần những người kinh doanh có tấm lòng như vậy; Đây mới là cách giải cứu thiết thực cho nông sản, chứ không phải điệp khúc giải cứu theo phong trào...

Từ sản phẩm bánh mì thanh long có thể thấy tiềm năng từ trái thanh long là rất lớn, vấn đề là làm sao huy động được các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm, vừa giảm áp lực khâu tiêu thụ trái tươi, vừa làm tăng giá trị trái thanh long, tránh tình trạng "được mùa mất giá". Nhiều năm qua, Bình Thuận đã khuyến khích các nhà đầu tư ở cả trong và ngoài nước có tiềm lực về vốn, kỹ thuật, công nghệ xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm từ thanh long ngay trên vùng nguyên liệu.

Sở KH-CN Bình Thuận đã phối hợp các công ty chuyên sản xuất nước giải khát từ trái thanh long, hiện đã có 3 dòng sản phẩm trên thị trường là nước ép thanh long - nha đam, nước ép thanh long - dừa,và thanh long - chanh. Các sản phẩm này bước đầu xuất khẩu sang Lào, Campuchia và bán tại một số hệ thống siêu thị trong nước.

Đã có hàng chục doanh nghiệp chế biến thanh long, trong đó có nhiều HTX chế biến các sản phẩm từ chính trái thanh long mình trồng. Chúng ta đã có hàng chục sản phẩm từ trái thanh long ruột đỏ, ruột trắng như: rượu vang thanh long, thanh long sấy dẻo, sấy giòn, mứt thanh long, nước ép thanh long, kẹo dẻo thanh long, siro thanh long ruột đỏ... Thậm chí có doanh nghiệp còn nghiên cứu sử dụng hạt thanh long chiết xuất ra thuốc chống ung thư, dùng vỏ thanh long trong ngành mỹ phẩm...

Tuy nhiên hầu hết doanh nghiệp đang gặp khó về vốn, công nghệ, thị trường, 80% sản lượng thanh long của Việt Nam nói chung, Bình Thuận nói riêng vẫn chỉ bán trái tươi do chuỗi chế biến sau thu hoạch còn rất thiếu và yếu.

Bộ NN-PTNT muốn giúp Bình Thuận giải quyết "đầu ra" cho trái thanh long, nên đã đề nghị tập đoàn Nafood (chuyên sản xuất-chế biến rau quả) sớm khảo sát, đầu tư nhà máy chế biến thanh long ngay tại Bình Thuận.

Năm ngoái, tỉnh Bình Thuận cũng đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với Nafoods Group về phát triển 10.000 ha thanh long ruột đỏ, ruột trắng an toàn hữu cơ, sau khi có vùng nguyên liệu bảo đảm, công ty này sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thanh long tại Bình Thuận. Tuy nhiên tiến độ triển khai dự án này khá chậm. Những nhà máy chế biến quy mô và hiện đại, kết nối với kênh nhà hàng, siêu thị thành chuỗi liên kết giá trị thanh long, là hướng phát triển bền vững nhất.

Bình Thuận đã khá lên nhờ trồng thanh long, thì sẽ giàu lên nhờ chế biến thanh long.

Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh long không chỉ làm bánh mì