Theo dõi trên

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu của địa phương

19/02/2020, 08:29 - Lượt đọc: 24

BT- Theo số liệu từ UBND tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và 9 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập. Ngành nghề đào tạo tương đối đa dạng, cơ bản phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động tại địa phương. Việc quy hoạch, sắp xếp hệ thống các cơ sở đào tạo nghề được thực hiện kịp thời, phát huy hiệu quả hoạt động, khắc phục tình trạng chồng chéo, lãng phí nguồn lực xã  hội. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 trong đào tạo, góp phần chuẩn hóa công tác quản lý đào tạo, bảo đảm chất lượng đầu ra. Tỷ lệ đào tạo hàng năm đều được nâng lên. Công tác tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ, lao động thất nghiệp đang hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp được quan tâm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, các xã, phường, thị trấn, các hội, đoàn thể để tuyển...

Trong thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh – dịch vụ, các xã, phường, thị trấn, các hội, đoàn thể để tuyển sinh, đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường, đảm bảo tỷ lệ lao động có việc làm cao. Các cơ sở dạy nghề tích cực phối hợp với các địa phương trong việc tuyển sinh các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có nhiều đổi mới trong công tác tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh và phổ biến các chế độ chính sách cho người học. Đa số giáo viên thuộc biên chế của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đạt chuẩn theo quy định. Trang thiết bị dạy nghề trọng điểm cơ bản đáp ứng đủ chủng loại, quy mô đào tạo tối thiểu theo quy định. Học sinh, sinh viên có điều kiện tiếp xúc, thực hành với trang thiết bị hiện đại, qua đó nâng cao được kỹ năng nghề và tiếp cận được thực tế sản xuất. Nâng cao sự tin tưởng của các doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động đã qua đào tạo. Góp phần tăng quy mô học sinh, sinh viên theo học các nghề trọng điểm. Chỉ tính riêng trong năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển mới đào tạo nghề cho 14.327 người, đạt 130,25% so với kế hoạch. Cụ thể: Cao đẳng 810 người; trung cấp 776 người; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 12.741 người (trong đó, tuyển mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 5.010 người, đạt 100,2% kế hoạch). Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức đến cuối năm 2019 đạt 67%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm 25,5%.

Trong thời gian đến, Bình Thuận cần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục - đào tạo, dạy nghề, tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tổ chức đào tạo nghề với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu đãi củanhà nước về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, vay vốn để hỗ trợ các cơ sở giáo dục - đào tạo đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và thiết bị phù hợp với quy hoạch của tỉnh. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh đã đầu tư kinh phí mở rộng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị kết hợp giữa sản xuất và đào tạo nghề.

Các cơ sở đào tạo chủ động hợp tác, gắn kết với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức; doanh nghiệp cùng tham gia giảng dạy; doanh nghiệp tham gia xây dựng, thiết kế chương trình đào tạo; doanh nghiệp tham gia hướng dẫn thực tập nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp cho học sinh sinh viên; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Cần quan tâm, thực hiện khảo sát nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội để xác định lại ngành, nghề tuyển sinh và đào tạo theo nhu cầu thực tiễn. Tập trung đầu tư đào tạo các nghề trọng điểm đáp ứng nhu cầu nhân lực thực hiện 3 đề án xây dựng Bình Thuận thành: Trung tâm năng lượng, trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan, trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia; đào tạo các nghề đã được Trung ương phê duyệt cho tỉnh; tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ trong đào tạo; tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu chuyên môn của từng ngành học; tăng cường quan hệ, hợp tác và gắn liền doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Huỳnh Thanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu của địa phương