Theo dõi trên

Đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện

18/02/2020, 09:40

BT- Đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý các hành vi, vi phạm về bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Đó chính là mục tiêu chung của kế hoạch “Phòng chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh” năm học 2020 - 2021 được UBND tỉnh mới ban hành triển khai thực hiện.

                
      
Diễn đàn "Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không    với bạo lực học đường" tại Trường THPT Đức Linh.

 Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Kế hoạch nêu rõ, mục tiêu cụ thể trong năm học 2020 – 2021 là 100% các cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, nhà giáo và người học về phòng chống bạo lực học đường; tổ chức các hoạt động giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực học đường, rèn luyện kỹ năng sống cho người học; công khai kế hoạch và các kênh tiếp nhận thông tin về bạo lực học đường, thực hiện các biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời khi có người học bị tác động bởi bạo lực học đường; xây dựng và triển khai bộ Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Bên cạnh đó, 100% các cơ quan quản lý giáo dục trên địa bàn và cơ sở giáo dục có quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương về phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các vụ việc bạo lực học đường.

Một trong những nhiệm vụ được chú trọng là công tác tuyên truyền, phổ biến về phòng chống bạo lực học đường được đẩy mạnh. Thông qua các hình thức như tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, chấp hành pháp luật của người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục, trong gia đình và cộng đồng về mối nguy hiểm, hậu quả của bạo lực học đường. Qua đó, nêu cao trách nhiệm trong việc phát hiện, thông báo, tố giác, ngăn ngừa hành vi bạo lực học đường. Tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt, những tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến trong công tác phòng chống bạo lực học đường trên các trang web, cổng thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác. 

Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục

Để công tác phòng chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục đạt hiệu quả cao, việc đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục trong các nhà trường, cơ sở giáo dục được xem là nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, việc đổi mới được tăng cường lồng ghép, tích hợp các nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật của học sinh trong nội dung, chương trình môn học. Cụ thể, đối với giáo dục mầm non: Cần tích hợp, lồng ghép trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non để hình thành và phát triển ý thức, hành vi, thói quen tốt, phù hợp độ tuổi trong việc thực hiện nội quy, quy định của trường, lớp, gia đình và cộng đồng. Đối với giáo dục phổ thông: Thực hiện nội dung dạy học các môn đạo đức, giáo dục công dân trong chương trình sách giáo khoa hiện hành trên cơ sở rà soát, tinh giản những nội dung khó, trùng lặp, chưa thực sự cần thiết đối với học sinh theo quy định của Bộ GD & ĐT... Đối với giáo dục thường xuyên, chú trọng  bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, truyền thống, lòng tự hào dân tộc, tăng cường giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật; lối sống nhân ái bao dung, nghĩa tình, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội và quê hương, đất nước.

Cùng với đó, đổi mới phương pháp giảng dạy các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD & ĐT. Lồng ghép, tích hợp nội dung, kiến thức về bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường vào kế hoạch giáo dục của các cơ sở giáo dục. Trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng về phòng chống bạo lực học đường và phòng chống bạo hành trẻ em cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của các cơ sở giáo dục và gia đình người học. Đa dạng các hình thức tổ chức giáo dục phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh, tăng cường các hoạt động tập thể, hoạt động nhóm, tổ chức các sân chơi để các em được giao lưu trao đổi kiến thức, lao động, vệ sinh trường, lớp học, các hoạt động xã hội, các hoạt động câu lạc bộ văn hóa, thể thao, các phong trào thi đua trong nhà trường phổ thông.

Ngoài ra, việc phòng chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục cần tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc chăm sóc và giáo dục học sinh, cam kết với cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục, tạo môi trường tốt nhất góp phần hướng dẫn, quản lý con em học tập, rèn luyện. Đồng thời, xây dựng môi trường dân chủ, lành mạnh, thân thiện… 

Thanh Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện