Theo dõi trên

Ngành may mặc bắt đầu “dè chừng” dịch bệnh corona

14/02/2020, 11:43 - Lượt đọc: 45

BT- Nếu du lịch, nông nghiệp ở tỉnh đã bị thất thu nặng theo từng ngày diễn biến của dịch bệnh corona, dù tâm dịch nằm tận Trung Quốc thì một số ngành nghề khác, tưởng chừng không liên quan cũng đã bắt đầu bị ảnh hưởng như những con sóng xa. Ngành may mặc là một ví dụ. 

Nói về công nghiệp hóa ở nông thôn có lẽ nhiều người nghĩ ngay đến Nghị Đức, một xã thuần nông ở huyện Tánh Linh, khi nơi đây hình thành một vùng có doanh nghiệp, cơ sở và cả hộ gia đình đều tham gia may gia công sản phẩm may mặc cho các đơn vị trong TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An... Vừa làm nông vừa may gia công, giúp thu nhập người dân ở đây cao hơn các nơi khác. Vì thế, dù có nhiều trở ngại trong hoạt động ở nông thôn nhưng nhìn chung, tình hình may gia công này vẫn thu hút người dân tham gia những lúc nông nhàn. Đã 10 năm qua, bên cạnh các cơ sở, tổ hợp chùng lại, ít công nhân hơn thì cũng có những cơ sở lên doanh nghiệp, có tổ hợp đông thêm công nhân, có những doanh nghiệp mới xuất hiện. Vì vậy, vùng quê này vào tháng giêng năm nào cũng mang nét công nghiệp với sự nhộn nhịp, tất bật để thực hiện những đơn hàng giao. Tuy nhiên, năm nay, vào thời điểm này, một số doanh nghiệp, cơ sở và cả hộ gia đình ở đây đang ý thức có một sự thay đổi khác lạ, khi các công ty mẹ đều im lặng, không đốc thúc giao tăng sản lượng… như những năm trước.

Chi nhánh Công ty TNHH May mặc Gia Bảo L.A tại Bình Thuận là một ví dụ. Xuất hiện ở Nghị Đức 3 năm qua, đơn vị này có số công nhân khoảng 80 người, vì thế, tính bình quân 1 ngày nơi đây lắp ráp khoảng 500 - 700 sản phẩm quần áo, váy, đầm... Nhưng từ sau tết đến nay, mỗi ngày chỉ làm được từ 300 - 500 sản phẩm. Việc công nhân ở vùng nông thôn chểnh mảng sau tết là có nhưng đó là lý do không lớn. Cái chính là bên công ty mẹ ở Long An, từ tết đến nay, không giao nhiều hàng để đơn vị tăng ca như mọi năm. Ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH May mặc Gia Bảo L.A tại Bình Thuận cho biết, sản phẩm của công ty mẹ bán thị trường nội địa, có xuất qua một số nước như Campuchia…Hôm trước, anh có dò hỏi về tình hình sản xuất có vẻ ít lại như trên thì được biết có thể xuất phát từ thiếu nguyên liệu mua từ Trung Quốc, vì ảnh  hưởng từ dịch bệnh corona. Tuy nhiên, anh cũng nghe nói các đơn vị sản xuất bên ấy tính toán sẽ chuyển hàng về Việt Nam trong thời gian gần.

Trong khi đó, tổ hợp may gia công của anh Hiếu có khoảng 10 công nhân thì hiện tại cũng làm “ầu ơ”, một phần vì công nhân không muốn làm sau tết, phần khác vì không có nhiều hàng nên cũng không có động lực gì để đốc thúc. Anh Hiếu cho biết, bình thường mọi năm vào thời điểm này, công ty đã điện thoại thúc giục, nhắc nhở làm nhanh đơn hàng để còn tiếp tục có đơn hàng khác chuyển ra. Nhưng năm nay, chưa có cuộc điện thoại nào. Vì vậy, anh nhận định tại công ty mà anh đang gia công tại TP. Hồ Chí Minh đang vướng chỗ thiếu nguyên liệu mua từ Trung Quốc, vì ảnh hưởng dịch bệnh corona.

Theo lãnh đạo xã Nghị Đức, những tổ hợp may gia công như anh Hiếu ở trên địa bàn xã rất nhiều, ít nhất cũng trên 15 tổ hợp. Còn các hộ dân có 2 - 3 máy trong nhà tự may gia công thì phổ biến và hiện cũng chỉ nhận hàng lai rai. Chính nhờ vậy, ở xã này người dân đã bắt đầu lao xao, lo lắng thu nhập sẽ giảm, vì lâu nay nhờ nguồn này bên cạnh nguồn thu nông nghiệp, đời sống người dân ở xã khấm khá hơn. Cụ thể như năm 2019, thu nhập bình quân đầu người ở Nghị Đức được 41 triệu đồng/người/năm, thuộc loại cao so với các xã nông thôn mới khác.

HẢo Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành may mặc bắt đầu “dè chừng” dịch bệnh corona