Theo dõi trên

Bừng lên ngọn đuốc từ làng Tam Tân năm 30

14/02/2020, 11:35

BT- Từ tập Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thuận Hải 1930 - 1945 (sơ thảo), xuất bản năm 1984 bao gồm cả 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, đến năm 1991 chia tách và tái lập tỉnh Bình Thuận, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Bình Thuận đã tiếp tục hoàn thành 2 tập lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Thuận với chặng đường từ 1930 - 1975. Đồng thời chỉ đạo biên soạn, xuất bản khoảng trên 300 tập lịch sử Đảng,lịch sử truyền thống cách mạng cho thành phố, huyện thị, xã phường và các ngành trong tỉnh… Trong đó, từ năm 1983 huyện Hàm Tân (gồm La Gi và Hàm Tân) triển khai công tác mới mẻ này với không ít khó khăn, nhất là về nguồn tư liệu nhưng cũng có được những trang sử mang ý nghĩa tự hào và tinh thần đấu tranh kiên cường của quê hương.   

                
   Đoàn khảo sát địa điểm họp lần đầu Chi    bộ Tam Tân tại Dốc Ông Bằng (1981).

Nghiên cứu lịch sử là công việc miệt mài, thầm lặng

Tôi được biết, ngay từ sau ngày giải phóng tháng 4/1975, lực lượng tiếp quản của Ban Tuyên giáo tỉnh đã sớm bắt tay vào công việc sưu tầm, lưu trữ, nghiên cứu lịch sửđảng địa phương. Tôi có cơ hội đọc lại những trang ghi chép, tọa đàm để xác minh hoàn cảnh hình thành Chi bộ Đảng Cộng sản tại Tam Tân (La Gi) và được coi là Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 1930 - 1931. Các cán bộ trực tiếp công tác này là các đồng chí Nguyễn Ngọc Chước, Nguyễn Thế Liêm, Nguyễn Phước Lộc… Những trang giấy pelure mỏng từ đầu năm 1977, nay đọc lại vẫn còn cảm nhận được dũng khí của những nhân vật lịch sử trong thời kỳ dựngđảng. Lúc này, trong số 7 đảng viên Chi bộ Tam Tân chỉ còn có cụ Lê Chạy (Ba Chạy) và cụ Nguyễn Hữu Lợi (Năm Ngu) đều trên 76 tuổi. Trừ thầy giáo Ngô Đức Tốn, quê Hà Tĩnh và Nguyễn Gia Bát (người miền Bắc), còn lại là những thanh niên yêu nước sống tại địa phương. Không chỉ đây là nội dung trao đổi, tự thuật để thu thập tư liệu mà còn có sự tham gia của các cán bộ từng có vai trò lãnh đạo am hiểu tình hình của thời kỳ đó, đi tập kết ra Bắc trở về như các cụ Đỗ Đơn Thơ, Nguyễn Quang Minh, Hứa Tự An mới thấy công việc này rất tỉ mỉ, nghiêm túc... Dẫu vậy, để làm cơ sở sử liệu cho việc biên soạn sẽ có nhiều điểm bất cập, mâu thuẫn về thời gian, sự kiện... Tính ra quãng thời gian quá dài phải lần theo trong hồi ức có đến 50 năm, khó mà đáp ứng được… khi những nhân chứng đều ở tuổi già, đau yếu. 

Chi bộ Đảng tại Tam Tân biểu thị ý chí cách mạng 

Bước khởi động sự ra đời Đảng Cộng sản tại Bình Thuận với tín hiệu của các tổ chức quần chúng phát động rải truyền đơn, treo biểu ngữ, cờ đỏ búa liềm nhiều nơi và tập trung tại Hàm Thuận, Phan Thiết khoảng giữa tháng 7/1930. Các cơ sở Đảng phát triển từ các tổ chức cách mạng là Nông hội ở các làng thuộc Hàm Thuận và những nhân tố tích cực sớm giác ngộ ở nội thành Phan Thiết. Nhưng với làng Tam Tân (La Gi) lúc ấy, thầy giáo Ngô Đức Tốn là người đã sẵn có mối quan hệ với gia đình cách mạng Lê Trọng Thiều, Lê Trọng Mân trước đó hoạt độngđảng Tân Việt, rồi chuyển sang Đảng Cộng sản. Đồng thời đồng chí Dương Chước (đảng viên Chi bộ Hòn Khói, Khánh Hòa) vào Bình Thuận, kết nạp Ngô Đức Tốn vào Đảng Cộng sản và vận động về dạy học tại làng Tam Tân (La Gi). Tại đây Ngô Đức Tốn thành lập tổ chức quần chúng “phản đế Đồng Minh hội” quy tụ các thành phần trong xã hội. Cũng từ tổ chức này mới có những nhân tố tiến bộ, giác ngộ cách mạng và được Ngô Đức Tốn xây dựng, kết nạp 6 quần chúng tốt vào Đảng Cộng sản tại Dốc Ông Bằng, ngảnh Tam Tân. Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (1994) có ghi: “Trên cơ sở số đảng viên đó, Chi bộ Cộng sản Tam Tân là chi bộ đầu tiên được thành lập ở Bình Thuận cuối năm 1930 do đồng chí Ngô Đức Tốn làm Bí thư”.   

Trong nghiên cứu biên soạn lịch sử cách mạng địa phương, nhất là cấp huyện, ngành mà tôi có được điều kiện tiếp cận, thật sự gặp không ít những hạn chế về chuyên môn, về tư liệu… Càng tìm hiểu về công tác được coi là thầm lặng này mới thấy cái yêu cầu trước nhất là tính trung thực, thận trọng từ trong quá trình thu thập, hệ thống tư liệu có giá trị lịch sử và đặc điểm của từng phạm vi địa phương, đơn vị, ngành… Trên thực tế, nếu dựa vào tư liệu thành văn hay lời kể không thôi cũng chưa đủ mang lại sự thuyết phục. Khi xác định Chi bộ Đảng Cộng sản tại Tam Tân để được tỉnh căn cứ coi là chi bộ đầu tiên của tỉnh Bình Thuận, có nhiều phân vân để cân nhắc. Bởi lẽ, trước đó với cái nôi phong trào cách mạng ở Hàm Thuận, Phan Thiết đã có sự chuyển động, hình thành các tổ chức phong trào yêu nước như Nông hội, thành phần trí thức tiến tới nhiều cơ sở Đảng tại các làng Đại Nẫm, Bình An, Bình Lâm, Rạng, Lại An, Tùy Hòa, Kim Ngọc… Nhưng lại chưa có nơi nào hình thành Chi bộ đảng mà chỉ có Chi bộđảng tại Tam Tân. Nhớ lại, sau này (năm 2009), một bức thư của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thuận Hải, Bình Thuận Lê Văn Hiền gởi Ban Thường vụ và ban Tổ chức tỉnh ủy Bình Thuận, với phản biện bài báo “Những phát hiện mới về Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại Tam Tân” (đăng trên báo Bình Thuận ngày 2/2/2009). Phải ghi nhận ý kiến đó rất cần thiết cho câu hỏi xung quanh về mối quan hệ của thầy giáo Ngô Đức Tốn đối với hệ thống tổ chức đảng của tỉnh, trong khi các đảng viên lãnh đạo chủ chốt phong trào như Nguyễn Gia Tú, Nguyễn Tương không biết. Hơn nữa, sự kiện này lại diễn ra ở một làng chài hẻo lánh, tận cuối phía nam của tỉnh? Có coi đó là Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh không? Nhưng nếu nhìn lại bối cảnh lịch sử đất nước, địa phương thời kỳ 1930 - 1931 thì tổ chức Đảng vẫn phải hoạt động trong bí mật và đảng viên lúc bấy giờ hoạt động trong phạm vi tổ nhóm, đơn tuyến. Quá trình thành lập chi bộ phát triển từ tổ chức “Phản đế Đồng minh hội”, và đề ra chương trình, phân công hành động cụ thể… Trường hợp Ngô Đức Tốn quê Hà Tĩnh, xuất thân từ một gia đình giàu truyền thống cách mạng, là cháu ruột của tiến sĩ Ngô Đức Kế, nhà trí thức yêu nước, từng bị tù đày ở Côn Đảo. Ngô Đức Tốn từ năm 1929 hoạt động Tân Việt cách mạng Đảng, sau chuyển thành Đông Dương Cộng sản liên đoàn và tiếp đó được hợp nhất tổ chức Đảng, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam do chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Tính chân xác đối với Chi bộ Đảng tại Tam Tân

Khi nghiên cứu về thân thế người Bí thư chi bộ Tam Tân Ngô Đức Tốn, đòi hỏi cần chi tiết hơn và phải dựa vào tư liệu Biên bản tọa đàm của Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Thuận Hải từ năm 1977, kể cả tự thuật của các cán bộ lão thành cách mạng ở cương vị chủ chốt của địa phương ghi chép lại trước năm 1975, khi còn ở miền Bắc. Nhưng có những điều thú vị và có giá trị củng cố thêm, bổ sung cơ sở khẳng định vị trí tổ chức Chi bộ Đảng đầu tiên ở Tam Tân. Đó là năm 1995, tôi có dịp đi Hà Nội và đến tư gia nhà cách mạng lão thành Ngô Đức Đệ là anh ruột của Ngô Đức Tốn - ở số 2, Thụy Khuê, quận Ba Đình đã hơn trên 90 tuổi, còn khá minh mẫn. Năm 1957, cụ từng là Phó trưởng ban Thống nhất (đồng chí Phạm Hùng - trưởng ban). Là cán bộ cách mạng thời lập Đảng 1930, bị tù chung thân mang số tù 358 của nhà tù Kon Tum…

Ngoài những tư liệu từ gia đình họ Ngô, tôi thật xúc động với  chặng đường cách mạng gian khổ của Ngô Đức Tốn, từ năm 1926 lúc còn tuổi 22… đã xa mẹ già và anh em, rồi biền biệt. Khi trò chuyện, tôi có nhắc đến cụ Ngô Quang Minh, cán bộ tập kết ra Bắc, công tác Bộ Ngoại giao và nghe tiếng Ngô Đức Đệ là Đại sứ Việt Nam DCCH tại Ba Lan. Đồng chí Ngô Quang Minh còn là đồng nghiệp dạy học với Ngô Đức Tốn (1929 - 1930) tại Bình Thuận và cho biết ngày Ngô Đức Tốn bị bệnh mất vào ngày 23/6/1931 tại Nhà thương thí Phan Thiết, mộ chôn ở Bia Đài, đã thất lạc. Cụ Ngô Đức Đệ vô cùng xúc động vì nay mới biết ngày giỗ của em mình! Một phần nào đó, với gia thế Ngô Đức Tốn đã được nuôi dưỡng lòng yêu nước và sớm tiếp thu nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức, tư tưởng cách mạng đã làm nền tảng cho tổ chức “Phản đế Đồng minh hội” ra đời, để rồi tìm được nhân tố tích cực, tiến tới việc thành lập chi bộ Đảng tại Tam Tân - là chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Bình Thuận.

Từ một trường hợp nhưng đã cho tôi nghĩ đến công việc của những người làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử cách mạng dù là cơ sở, thật sự phải chịu khá nhiều áp lực, đòi hỏi tính trung thực và sự tinh tế. Những sự kiện diễn ra từ hơn nửa thế kỷ, trong bối cảnh lịch sử bị giới hạn ở mỗi địa phương mỗi khác chỉ tái hiện trên những trang tư liệu, lời kể nhưng qua năm tháng đầy biến động sẽ khó đáp ứng được yêu cầu đầy đủ cũng là điều không thể nào tránh khỏi.

PHAN CHÍNH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bừng lên ngọn đuốc từ làng Tam Tân năm 30