Theo dõi trên

Dấu ấn sáng tạo trong thực hiện Chỉ thị 32

13/02/2020, 09:38

Bài 2:  Mô hình hay cần nhân rộng

BT- Mô hình lồng ghép “Trung tâm Pháp luật cộng đồng” vào Trung tâm Học tập cộng đồng mang lại hiệu quả cao không chỉ ở các xã, thị trấn vùng đồng bằng mà còn ở vùng cao. Mô hình trở thành “điểm sáng” trong phong trào nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân và đang được nhân rộng.

                
      
Công tác nâng cao kiến thức pháp luật cho    cán bộ, nhân dân ở Hàm Thuận Bắc đang được phát triển rộng khắp.

Hiệu quả từ thí điểm...

 Sau khi Ban Chỉ đạo (BCĐ) đề án tỉnh nhất trí, BCĐ đề án huyện Hàm Thuận Bắc chọn thị trấn Ma Lâm làm thí điểm. Để mô hình hoạt động hiệu quả, Ma Lâm kiện toàn Ban quản lý (BQL), các tiểu ban chuyên môn trong Trung tâm Học tập cộng đồng thị trấn. Theo đó, giám đốc, phó giám đốc và người đứng đầu các tiểu ban chuyên môn của trung tâm là lãnh đạo thị trấn, chủ tịch các hội phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, luật gia và các phòng, ban, đoàn thể... Đồng thời khảo sát thị trấn hiện có bao nhiêu mô hình, câu lạc bộ, tổ, nhóm do các ngành, Mặt trận, đoàn thể thành lập, làm nòng cốt phối hợp lồng ghép triển khai nội dung của đề án.

Qua  1 năm thí điểm đã thực hiện 39 lớp tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghề trên các lĩnh vực bao gồm các lớp chuyển giao kỹ năng trồng trọt, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... cho hàng ngàn cán bộ, nhân dân tham gia học. Trong quá trình dạy và học, mỗi lớp đã dành ra thời gian ít nhất 30 phút để phổ biến pháp luật liên quan đến nội dung học. Ngoài ra, tổ chức nhiều lớp học kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL về một số văn bản thiết thực như Luật Đất đai, Luật Giao thông đường bộ, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hộ tịch, Luật Khiếu nại, tố cáo... cho hàng trăm cán bộ, hội viên của các hội, đoàn thể, câu lạc bộ pháp luật. Qua lớp học, hội viên có thể tự mình hoặc phối hợp với các hội, trung tâm, phòng, ban có liên quan tuyên truyền pháp luật lưu động đến các thôn, bản, khu phố.

BCĐ đề án huyện đã mở hội nghị toàn huyện rút kinh nghiệm qua làm thí điểm mô hình lồng ghép tại thị trấn Ma Lâm, trên cơ sở báo cáo BCĐ đề án tỉnh. Cùng thời điểm, Hội Luật gia tỉnh tổ chức hội nghị mời đại diện tất cả hội luật gia huyện, thành phố, thị trấn về Hàm Thuận Bắc  tham dự nghe kết quả thí điểm mô hình lồng ghép này để học hỏi. Ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc, Trưởng BCĐ đề án huyện đánh giá, bước đầu triển khai có khó khăn, nhưng với sự quyết tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, BCĐ đã gặt hái được kết quả tốt. Mô hình lồng ghép hoạt động tốt, huyện sẽ nhân rộng đến nhiều xã còn lại trên địa bàn.

...Đến nhân rộng

17 xã, thị trấn, trong đó có 3 xã với 5 thôn xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Hàm Thuận Bắc năm 2018 đồng loạt triển khai mô hình lồng ghép. Cho đến nay hầu hết các xã hoạt động ổn định thông suốt, điển hình như xã vùng cao Đông Giang, mô hình lồng ghép có cơ cấu tổ chức bộ máy hoạt động như ở thị trấn Ma Lâm. Giám đốc trung tâm là lãnh đạo xã, phó giám đốc và thành viên BQL là lãnh đạo của các hội, ban, ngành, đoàn thể... Cùng với mạng lưới câu lạc bộ, mô hình ở địa bàn dân cư như CLB khuyến nông, CLB nuôi dạy con tốt, mô hình hũ gạo tình thương, CLB văn nghệ của Đoàn thanh niên... phối hợp làm khá tốt công tác đưa pháp luật đến với người dân.

Bằng hình thức phối hợp, tất cả hoạt động đều phải lồng ghép phổ biến luật hay các văn bản pháp luật có liên quan. Ông K’ Văn Bển – Chi hội trưởng Hội Luật gia xã Đông Giang cho biết: “Ngay cả phát quà từ thiện cho người nghèo cũng lồng ghép luật vào tuyên truyền. Tổ chức văn nghệ lễ, tết bà con đến xem đông cũng xen kẽ luật vào tuyên truyền. Nói chung phối hợp PBGDPL đa dạng hình thức bao gồm thi có thưởng như thi hát karaoke, ai không hát được phải trả lời câu hỏi về luật”.  “Khi tổ chức nội dung gì thì phổ biến về luật đó như Hội Phụ nữ tổ chức thi nấu ăn thu hút bà con đến xem đông thì tranh thủ phổ biến về Luật Hôn nhân gia đình”, ông Bển nói thêm.

Người dân giờ đây ai cũng hiểu biết về pháp luật khi mô hình được triển khai, nhân rộng. Vui mừng về sự tiến bộ của người dân trong nhận thức pháp luật, Bí thư Đảng ủy xã Đông Giang Hoàng Văn Chiến nói, trên cơ sở chỉ đạo của Huyện ủy, những năm qua Đảng ủy xã đã tập trung chỉ đạo BCĐ đề án xã cũng như Hội Luật gia phối hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng làm tốt công tác PBGDPL cho dân. Đến nay nhận thức pháp luật của người dân trong xã nâng lên thấy rõ, có kết quả này, ngay từ đầu năm BCĐ đề án xã xây dựng kế hoạch triển khai, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho BQL và các tiểu ban trong trung tâm.

Tín hiệu tích cực

Trước thành công của Hàm Thuận Bắc trong thực hiện mô hình lồng ghép, năm 2018 BCĐ đề án tỉnh tiếp tục triển khai thí điểm mô hình này đến 2 huyện Tánh Linh và Hàm Tân. Tại hội nghị tổng kết công tác hội năm qua của Hội Luật gia tỉnh, đề án “Xã hội hóa công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017 – 2020” cũng được đưa ra bàn luận, phân tích. Hội Luật gia tỉnh đánh giá cao Hội Luật gia huyện Hàm Thuận Bắc trong việc thực hiện đề án và đề nghị các hội ở huyện khác nghiên cứu học tập. Hội Luật gia huyện Hàm Tân – nơi đang thí điểm mô hình lồng ghép theo chỉ đạo của BCĐ đề án tỉnh, cũng khen ngợi cách làm của Hàm Thuận Bắc. Ông Phan Văn Trung – Phó Chủ tịch Hội Luật gia Hàm Tân thừa nhận thành lập “Trung tâm Pháp luật cộng đồng” để triển khai thực hiện đề án thì rất khó vì thành lập phải có bộ máy tổ chức, kinh phí hoạt động… Vì vậy mô hình lồng ghép khả thi hơn.

Cũng có ý kiến cho rằng cách làm như Hàm Thuận Bắc rất hay, nhưng phải đặt ra mục tiêu làm sao người dân tự giác đến với Hội Luật gia ngày càng nhiều để trợ giúp pháp lý miễn phí. Hiện có không ít người dân đang lúng túng trong việc viết đơn thư khiếu nại, tố cáo, đã đến nhờ luật sư viết, tốn ít nhất 500.000 đồng/lá đơn, nếu họ biết tìm đến Hội Luật gia thì không phải tốn tiền. Ông Nguyễn Đình Kiên - Phó BCĐ đề án tỉnh đánh giá cao Hàm Thuận Bắc tiên phong trong thực hiện đề án. Ông cho biết, năm 2019 đã tuyên truyền mô hình lồng ghép đến cán bộ chủ chốt của 2 huyện Tuy Phong, Bắc Bình và tiếp tục nhân rộng cho đến năm 2021.

Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ban hành nhiều, thường xuyên bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp thực tế, đã tạo ra áp lực cho việc nâng cao pháp luật cho cán bộ, nhân dân. Đề án “Xã hội hóa công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý” đang để lại dấu ấn tích cực trên địa bàn tỉnh nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong thực hiện Chỉ thị 32.

    
      Hoàng Văn Chiến – Bí thư Đảng ủy xã Đông Giang tâm huyết với mô hình   nói: “Mô hình lồng ghép rất hay, chỉ có lồng ghép vào các chương trình,   hội, họp... thì pháp luật mới đến được với người dân. Mỗi lần tuyên   truyền, phổ biến nên có liều lượng, nhiều quá sẽ khó thu hút người   nghe”.

Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dấu ấn sáng tạo trong thực hiện Chỉ thị 32