Theo dõi trên

Thanh long Bình Thuận trong những ngày chống corona virus!

10/02/2020, 08:57

BT- Với gần 90.000 tấn thanh long đã, đang và sẽ chín tính đến cuối tháng 3/2020, trong khi dịch bệnh corona thì diễn biến ngày càng phức tạp, cửa khẩu Tân Thanh đã lùi thông quan đến cuối tháng 2, đã đưa nhà vườn, doanh nghiệp và chính quyền tỉnh đứng trước cảnh: “Dầu sôi lửa bỏng”. Phải tính cho hiện tại và cả tương lai, khi toàn tỉnh có đến 30.000 ha thanh long. 

                
Ảnh: N Lân

Ưu thế xuất chính ngạch

Hôm 8/2, cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), cửa khẩu mà hơn 70% thanh long Bình Thuận qua mua bán, phía bên Trung Quốc đã lùi thông quan vào cuối tháng 2/2020, thay vì ngày 10/2 như dự tính ban đầu vì dịch bệnh corona đang diễn biến phức tạp. Điều này như đóng lại cơ hội cho hàng thanh long xuất theo đường tiểu ngạch, khi mà hiện tại Bình Thuận đang có 150 xe container thanh long đang chờ ở đây và tại tỉnh, rất nhiều vườn có thanh long đang chín cần phải thu hoạch. Trong khi đó, tại cửa khẩu Hữu Nghị, cửa khẩu xuất hàng chính ngạch qua Trung Quốc đã thông quan và giải quyết xong khó khăn trong vấn đề tài xế qua lại cửa khẩu phải cách ly 14 ngày, ảnh hưởng lịch trình của các tài xế xe container bằng cách thành lập một tổ lái xe người Việt Nam tại Lạng Sơn. Điều đó cũng có nghĩa xuất khẩu thanh long chính ngạch theo đường bộ qua Trung Quốc đã thông thoáng. Còn xuất khẩu chính ngạch theo đường biển thì từ tết đến nay, mọi hoạt động vẫn bình thường. Vì vậy, các doanh nghiệp tại tỉnh xuất khẩu thanh long chính ngạch vẫn mua thanh long trữ lạnh, đủ đơn hàng để xuất đi nên vẫn ra quân mua thanh long từ ngày mùng 1 tết. Nổi lên có hơn 10 công ty như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kiên Kiên, Công ty TNHH Sơn Thủy, Công ty TNHH Thủy Rớt, Công ty TNHH XNK Nguyên Thuận, Công ty TNHH Hưng Nguyên… với thị trường xuất đi đến Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Campuchia. Bên cạnh đó, cũng có một số cơ sở thu mua đóng gói thanh long như Xuân Tình, Hồng Đào, Hòa Diệu… cũng mua thanh long và bảo quản tại kho lạnh để xuất khẩu. Từ đó, giá thanh long nhích lên 5.000 - 7.000 đồng, tính đến 7/2.

Lâu nay, nhà vườn không chú tâm đến sản xuất thanh long theo chuẩn VietGAP, vì cho rằng không có gì khác biệt trong mua bán nhưng đến hoàn cảnh  hiện nay mới thấy rõ, là thanh long VietGAP dễ dàng được mua, được giá hơn. Tương tự, những công ty, doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch vào thời điểm này mới được đánh giá rõ hơn, ghi nhận nhiều hơn về kinh doanh gắn liền với đạo đức, khi người nông dân ở thế khó. Tại cuộc họp bàn tiêu thụ, sản xuất thanh long do UBND tỉnh tổ chức vào chiều 7/2, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai đã chỉ đạo các sở ngành liên quan đề xuất chính sách hỗ trợ liên quan đến thuê kho lạnh tạm trữ, hỗ trợ tiền điện tại các kho lạnh cho các doanh nghiệp vẫn mua thanh long từ tết đến giờ trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở đóng cửa.  

Con đường quay về

Với khoảng 90.000 tấn thanh long đã, đang và sẽ chín đến cuối tháng 3/2020, trong đó tháng 2 phải thu hoạch là 44.586 tấn thanh long, tháng 3 thu hoạch 43.840 tấn, Bình Thuận đứng trước tình cảnh căng thẳng trong tìm cách để tiêu thụ hết sản lượng trên, tránh xảy ra chuyện đổ bỏ. Ở xuất khẩu, làm sao chuyển hướng thị trường kịp? Chủ Công ty TNHH Sơn Thủy cho rằng, thời điểm này bên cạnh xuất hàng đi theo đơn cần phối hợp hỗ trợ xúc tiến thương mại ở các nước gần ở Đông Nam Á để mở rộng luôn thị trường thì mới mong tiêu thụ tốt hơn sản lượng trên. Phải quay về thị trường nội địa. Sau các cuộc gặp nhiều bên, hệ thống các siêu thị lớn trong nước như Big C, Lotte Mart, Co.op Mart, Vin Mart… đã chung tay mua hàng thanh long Bình Thuận với số lượng dự kiến 120 tấn/ngày. Ngoài ra, Sở Công Thương TP.HCM, Hiệp hộidoanh nghiệp TP.HCM cũng đang giới thiệu 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn, các doanh nghiệp thành viên hỗ trợ tiêu thụ thanh long Bình Thuận.

Việc tiêu thụ thanh long theo quá trình thu hoạch của dân mới bắt đầu, nhưng đã thấy rõ ưu thế của những nhà vườn sản xuất theo chuẩn VietGAP. Vì các siêu thị đều quan tâm đến chuẩn sản phẩm không chỉ vào thời điểm này. Thực tế, đó là câu chuyện dài. Nhìn lại gần 20 năm qua để thấy, thanh long Bình Thuận đã từng “lên bờ xuống ruộng”, vì thích thị trường dễ dãi nên phần lớn đều xuất tiểu ngạch qua biên giới. Trong khi đó, thị trường trong nước, cụ thể là các hệ thống siêu thị vì phải qua đàm phán tới lui, đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn nên ngại. Thành ra, bỏ lửng, rồi khi xảy ra tình huống như hiện nay phải mong đến thị trường nội địa và đầu tiên nhất vẫn là hệ thống các siêu thị.

Vì vậy, lời của giám đốc một hệ thống siêu thị lớn cho rằng các HTX, doanh nghiệp mua bán thanh long cần tập trung cho thị trường trong nước với 100 triệu dân một cách nghiêm túc, cần phải suy ngẫm. Nghiêm túc ấy thể hiện ở nhiều khía cạnh, vấn đề, không chỉ trái tươi mà còn phải đa dạng hóa sản phẩm để mở và giữ thị trường trước làn sóng trái cây ngoại ồ ạt vào. Bình Thuận hướng đến chế biến, từ sấy dẻo, sấy khô, ủ rượu từ thanh long và đã có thành phẩm đa dạng trên thực tế. Nhưng hầu hết chưa thể mở rộng sản xuất, vì nhiều lý do nhưng chung quy chưa tạo sự liên kết, kết nối các bên liên quan nên đầu ra còn bấp bênh.

 Vấp phải thử thách từ dịch bệnh corona vào thời điểm này, không có nghĩa thanh long Bình Thuận không còn đối mặt với những thử thách khác nữa ở phía trước, nếu như không tìm cách hạ sản lượng thanh long lụy vào các chợ biên giới phía Bắc.

Bích NghỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh long Bình Thuận trong những ngày chống corona virus!