Theo dõi trên

Phải có chiến lược lâu dài trong xuất khẩu nông sản

05/02/2020, 10:40 - Lượt đọc: 15

BT- Như chúng ta đã biết, mặt hàng nông sản của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhất là củ quả các loại. Tuy nhiên, mặt hàng này đã bị ùn ứ tại các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc từ trước Tết nguyên đán Canh Tý 2020. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ùn ứ này là do phía Trung Quốc thực hiện quy trình kiểm soát đối với phương tiện vận tải và hàng hóa nhập khẩu kể từ ngày 12/10/2019.

Theo Sở Công Thương, hiện đã có thông tin về việc nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm nông sản tại Trung Quốc chững lại do diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm phổi cấp tại Trung Quốc. Mặt khác, do công tác chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc vận chuyển giao nhận hàng hóa giữa các tỉnh, thành của Trung Quốc cũng hết sức khó khăn. Hiện tại một số cửa khẩu biên giới phía Bắc tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh. Để đảm bảo hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, trái cây của tỉnh được thuận lợi, tránh thiệt hại cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản, hoa quả sang thị trường Trung Quốc, Sở Công Thương đã đề nghị các địa phương, đơn vị thông báo, khuyến cáo đến các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản, hoa quả sang thị trường Trung Quốc được biết thông tin trên để chủ động trong việc thu hoạch, thu mua hàng hóa, có sự phối hợp trong việc vận chuyển hàng hóa lên khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc hợp lý nhằm đảm bảo an toàn chất lượng hàng hóa, tránh tình trạng bị ép cấp, ép giá. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần chủ động theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc như: Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Giang… nhằm chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác. Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi, trao đổi thường xuyên với Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc để nắm bắt tình hình và phối hợp với các đơn vị liên quan có thông báo, khuyến cáo đến doanh nghiệp, hợp tác xã khi có những diễn biến mới của bệnh dịch có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Như vậy, một số mặt hàng nông sản của tỉnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhất là thanh long đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh viêm phổi cấp do vi rút corona gây ra. Như mọi năm, cứ dịp gần rằm tháng giêng, bà con nông dân rất vui mừng vì thanh long được giá. Tuy nhiên năm nay lại khác, ở thời điểm này  nhiều vườn thanh long đã chín đỏ cây nhưng thương lái không mua, nếu mua với giá rất thấp. Trong những ngày đầu năm Canh Tý 2020, giá thanh long tại Bình Thuận vẫn được giữ ở mức trên 10.000 đồng/kg nhưng từ mùng 4 tết đến nay đã quay đầu giảm, hiện giá bán chỉ còn ở mức từ 4.000 - 6.000 đồng/kg đối với vườn có tỷ lệ trái đẹp từ 70% trở lên. Bình Thuận là địa phương canh tác thanh long nhiều nhất cả nước, với tổng diện tích trên 26.000 ha, sản lượng hàng năm khoảng 500.000 tấn. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của nông sản này. Trước tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp diễn biến phức tạp, việc thông thương với phía Trung Quốc bị hạn chế, vì thế giá thanh long dự báo sẽ còn ở mức thấp trong thời gian tới. Nhưng về lâu dài, hướng đến xuất khẩu bền vững đến tất cả các thị trường bao gồm cả thị trường Trung Quốc thì các địa phương trong tỉnh cần tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, thương nhân. Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch theo các tiêu chuẩn tiên tiến, xây dựng nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa rõ ràng. Bởi vì thị trường Trung Quốc ngày càng trở nên khắt khe hơn với hàng hóa nhập khẩu, họ đặt ra các hàng rào, yêu cầu cao, chặt chẽ, liên quan đến chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu... Do vậy cần nhanh chóng thực hiện các giải pháp cụ thể để tăng trưởng xuất khẩu, tạo nên thị trường ổn định cho ngành nông nghiệp, từng bước giải quyết câu chuyện “được mùa, mất giá” của nông sản lâu nay.

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phải có chiến lược lâu dài trong xuất khẩu nông sản