Theo dõi trên

Cô gái Bình Thuận đi lính "Mũ nồi xanh"

20/01/2020, 14:29

BX- Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình (LLGGHB) của Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở Nam Sudan vừa kết thúc nhiệm vụ trở về nước. Ít ai biết trong đoàn, có một cô gái trẻ trung, xinh xắn - Huỳnh Cẩm Thư, quê Bình Thuận. Ngày xuân, Báo Bình Thuận đã có cuộc trò chuyện, để nghe chia sẻ những trải nghiệm đặc biệt.  

                
Huỳnh Cẩm Thư trong bộ quân phục lính mũ nồi xanh.

 Chúc Thư cùng đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về nước an toàn. Thư có thể chia sẻ từ đâu và điều gì đã thôi thúc mình tham gia vào LLGGHB của LHQ? 

Huỳnh Cẩm Thư: Khi nghe thông tin về việc Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam tham gia triển khai tại Nam Sudan, tôi đã tìm hiểu về đất nước ở châu Phi này. Đó là một quốc gia non trẻ, đang nội chiến, xung đột sắc tộc, bệnh tật và đói nghèo. Khi ấy, tôi đang công tác tại Khoa Sinh hóa - Bệnh viện Quân y 175 và lãnh đạo khoa cùng bệnh viện đã trao cơ hội này cho tôi. Là một người trẻ, được đào tạo tốt về kỹ năng sống lẫn chuyên môn và với kinh nghiệm hơn 2 năm đi làm, tôi nghĩ mình có thể góp chút sức nhỏ bé. 

Hơn nữa, vốn xuất thân từ gia đình khó khăn, những năm đi học luôn nhận được sự hỗ trợ từ các quỹ học bổng, nên hy vọng đến một ngày có thể giúp những người khác khó khăn hơn mình. Tôi nghĩ mình còn trẻ, cần trải nghiệm để trưởng thành, đi để nhìn nhận đất nước mình trong mắt bạn bè quốc tế. Đi để học hỏi thêm nhiều điều về cuộc sống này. Đi để ngày càng hoàn thiện bản thân. Từ đó, tôi đã tự nguyện tham gia vào LLGGHB của LHQ.

Khi biết ý định của Thư, gia đình, người thân và bạn bè có ủng hộ không? Họ đã nói gì về quyết định ấy?

Ba mẹ, bạn bè cũng ủng hộ quyết định của tôi. Dù nhà tôi không đủ điều kiện, nhưng ba mẹ luôn động viên con cái chăm chỉ học hành, làm những điều tốt, có ích và luôn hỗ trợ hết mức có thể. Tuy nhiên, cũng có một số người thân và bạn bè họ nghĩ tôi không nên tham gia, vì là nữ sợ sẽ khổ cực, đất nước đó lại đang có chiến tranh, xung đột. Do đó, mọi người lo lắng đến an nguy cho tính mạng, nên khuyên không nên tham gia. Thậm chí có người còn so sánh “đi mất nhiều hơn được”!

Lúc đến Nam Sudan, mọi thứ có như lúc đầu Thư nghĩ? Mọi người trong đoàn đã gặp khó khăn gì trong quá trình hòa nhập?

Lúc đến sân bay thủ đô Juba, chúng tôi choáng ngợp bởi thời tiết nóng. Trên người vừa áo chống đạn, vừa nón sắt, trên lưng thì ba lô hơn chục ký. Thời điểm ấy là mùa khô, nhiệt độ trưa lên đến 450C, cây cỏ khô cằn, đất đỏ bụi bay mù mịt, nắng rát hết cả mặt. Dù được huấn luyện trước về thời tiết và những khó khăn gặp phải, nhưng bản thân vẫn chưa hình dung hết được. Quãng đường về Bentiu - nơi đóng quân phải bay thêm 2 - 3 tiếng. Sau 2 ngày trên trời, khi nhìn thấy lá cờ Việt Nam, thấy được đồng đội ra đón chào, tôi chỉ có thể khóc. Có lẽ do là lần đầu tiên trong 25 năm đi xa gia đình, xa quê hương như thế (cười)!

Khí hậu khắc nghiệt và chưa quen với thức ăn LHQ cấp, nên sức khỏe nhiều người không được tốt, cộng với việc lệch múi giờ và khối lượng công việc khá nhiều, nên 3 tháng đầu tiên, bản thân sụt luôn 5 kg. Điều kiện sinh hoạt nghèo nàn, nước mùa khô rất hiếm, nam thậm chí phải nhường nước cho nữ tắm. Đến mùa mưa nguồn nước được cải thiện thì đường sá lầy lội, hạn chế đi lại và vận chuyển.

Sốt rét là căn bệnh đáng sợ nhất vào mùa mưa. Với người dân Nam Sudan họ quá quen, nhưng đối với các nước đóng quân, họ cực kỳ sợ, vì nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Thư có thể chia sẻ những ấn tượng và suy nghĩ của mình về đất nước và con người Nam Sudan?

Nơi đơn vị đóng quân khí hậu khá giống vùng quê hương Chí Công (Tuy Phong), nơi tôi lớn lên. Bầu trời nơi đây rất yên bình. Không khí thì trong lành. Bình minh rất đẹp. Mọi thứ êm đềm như miền quê Việt Nam, nên không ai nghĩ đang xảy ra chiến tranh, xung đột. Thiên nhiên hoang dã ở đây cũng đa màu sắc, động vật hoang dã chúng không ngại người.

                
Thư (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng đội    nữ ở Nam Sudan.

Nam Sudan có 2 dân tộc lớn là người Nuer và người Dinka. Người dân ở đây họ khá cởi mở, trẻ em thì rất đam mê bóng đá. Các em nói rất nhiều đến các cầu thủ nổi tiếng mà mình yêu mến. Người dân Nam Sudan họ nghe nói khá tốt tiếng Anh, nên một bộ phận được LHQ tuyển dụng giúp việc trong các đơn vị, để cải thiện cuộc sống đói nghèo.

Ấn tượng của Thư về LLGGHB của LHQ các nước như thế nào? Đoàn Việt Nam đã để lại những dấu ấn gì với người dân Nam Sudan và bạn bè quốc tế?

Có khá nhiều đơn vị các nước như: Anh, Ấn Độ, Mông Cổ, Ghana… Ngoài ra còn có thành phần tham gia cá nhân của nhiều nước khác như: Nga, Campuchia, Thái Lan, Aghentina, Brazil… Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam đã gây ấn tượng tốt với phụ trách phái bộ Bentiu, khi cấp cứu và điều trị nhiều ca bệnh nặng, chuyển bệnh an toàn lên các bệnh viện cấp cao hơn.

Với tinh thần chịu thương, chịu khó của Bộ đội Cụ Hồ, các chiến sĩ “mũ nồi xanh” của Việt Nam tham gia làm vườn, trồng thêm rau xanh, mướp để bổ sung khẩu phần ăn. Bạn bè quốc tế rất ấn tượng với quang cảnh xung quanh bệnh viện, khi những vườn hoa được trồng khoe sắc. Họ cũng rất yêu thích các món ăn Việt Nam, điển hình là đơn vị đạt được giải nhất Master Chef Bentiu, với sự tham gia của đầy đủ đơn vị các nước. 

Người dân Nam Sudan họ rất quý người Việt Nam, họ nói người Việt Nam kiên cường, yêu hòa bình và thân thiện. Ngoài khám chữa bệnh cho nhân viên của LHQ, đơn vị còn tổ chức các hoạt động xã hội từ thiện cho các trại tị nạn, nên được người dân rất yêu mến. 

Sau 1 năm tham gia LLGGHB của LHQ, những điều đọng lại và kinh nghiệm rút ra đối với Thư như thế nào?

1 năm qua như chớp mắt, nhưng biết bao điều đọng lại. Có rất nhiều thứ lần đầu, như lần đầu đi xa nhà đến thế; lần đầu tiên sống và làm việc trong đơn vị quân đội; lần đầu tiên những đêm tối ngủ nghe tiếng bom, tiếng súng nổ của giao tranh; lần đầu tiên trong 1 năm khóc rất nhiều vì công việc, vì nhớ nhà, rồi lại tự động viên mình cố gắng hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa!

1 năm đã cho tôi câu trả lời rằng lựa chọn của mình là đúng. Tôi đã học hỏi, đã trưởng thành hơn trước rất nhiều. Dù xa nhà, nhưng có đồng đội bên cạnh như một gia đình. Chính mọi người đã dạy tôi rất nhiều bài học hay, cách sống tốt trong cuộc sống, để hoàn thiện bản thân. Hiểu được Việt Nam mình điều kiện còn tốt hơn rất nhiều nước khác. Đi để biết hòa bình là tài sản vô giá, mà để có được nó, biết bao công lao của ông cha ta phải đánh đổi. Và nhiệm vụ hôm nay chúng ta là cùng nhau gìn giữ tài sản vô giá đó.

Xin cảm ơn Thư về buổi trò chuyện!

    
      Từ giữa năm 2014, những sĩ quan Việt Nam đầu tiên trong phái bộ Liên   Hiệp  Quốc được cử đến Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi để tham gia gìn   giữ hòa bình quốc tế. Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 là lực lượng đầu   tiên của Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế tại phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ   ở Nam Sudan. 1 năm qua, bệnh viện đã điều trị cho gần 1.800 bệnh nhân,   trong đó có nhiều ca nghiêm trọng được phẫu thuật thành công.    

Phúc Sinh (Thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô gái Bình Thuận đi lính "Mũ nồi xanh"