Theo dõi trên

Bình Thuận lại dẫn đầu tiến độ giải phóng mặt bằng

10/01/2020, 17:18 - Lượt đọc: 6

BT- Năm 2014, khi tiến hành dự án mở rộng và nâng cấp quốc lộ 1A, Bình Thuận là tỉnh có tuyến quốc lộ 1A đi qua dài nhất, số hộ phải di dời nhiều nhất. Cụ thể có 5 thị trấn, 7.542 hộ dân có nhà, đất nằm trên 169 km quốc lộ 1A phải di dời. Thời gian gấp gáp, trong khi chưa có khu tái định cư, nhiều hộ dân chưa nhận được tiền đền bù, hỗ trợ...

Thế nhưng với tinh thần “vướng chỗ nào tháo gỡ ngay chỗ ấy”, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc đầy quyết tâm, quyết liệt. Tổ công tác của tỉnh, huyện ngày đêm bám địa bàn, bám dân để tuyên truyền vận động cho dân thấu hiểu ý nghĩa, mục đích của dự án, đồng thời đề xuất kịp thời các chính sách hợp tình, hợp lý về đền bù, hỗ trợ, tái định cư. Quả thật “dân vận khéo thì việc gì cũng thành”, khi dân đã đồng thuận thì mặt bằng được giải phóng nhanh chóng, không có hộ nào phải cưỡng chế, không có địa bàn nào phát sinh “điểm nóng”. Bình Thuận là 1/5 tỉnh được Chính phủ biểu dương vì giao mặt bằng đúng hạn để khởi công dự án.

Tới đầu năm 2019, Chính phủ lại chính thức khởi động giải phóng mặt bằng để làm tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đi qua 13 tỉnh, thành, tổng chiều dài 654 km, vốn đầu tư 118.716 tỷ đồng, khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn, Chính phủ yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, không để vướng mắc giải phóng mặt bằng làm chậm trễ công trình trọng điểm quốc gia này.

Riêng đoạn cao tốc qua Bình Thuận dài 160,5 km, quy mô 6 làn xe, bề rộng mặt đường 32,5 m, vận tốc thiết kế từ 100 - 120 km/h, tổng mức đầu tư khoảng 39.650 tỷ đồng, riêng kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 2.205 tỷ đồng. Dự án đi qua 29 xã, thị trấn của 5 huyện, với gần 1.200 ha đất bị thu hồi và khoảng 2.700 hộ dân bị ảnh hưởng.

Đây là dự án vô cùng quan trọng với Bình Thuận, tuyến cao tốc này sau khi hoàn thành sẽ kết nối với cao tốc TP. Hồ Chí Minh  - Long Thành - Dầu Giây, sân bay Long Thành và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam, giải quyết điểm “nghẽn” về giao thông đối ngoại của tỉnh, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch.

Chính vì vậy Bình Thuận đã cam kết với Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện tối ưu cho tuyến cao tốc đi qua tỉnh sớm khởi công. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Bình Thuận sẽ vào cuộc với quyết tâm cao nhất, giải phóng mặt bằng với tốc độ “thần tốc” như đã làm được trong dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1A trước đây.

Đến cuối năm 2019, Bình Thuận đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, sẵn sàng bàn giao khi TW hoàn thành công tác đấu thầu để khởi công xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Bình Thuận trong năm 2020 (dự kiến hoàn thành vào năm 2023). 4/5 khu tái định cư đã được khởi công xây dựng. Tình trạng tự ý trồng cây, xây công trình trên đất để trục lợi từ dự án đã được chấn chỉnh. Khi người dân đã hiểu ý nghĩa vô cùng quan trọng của tuyến cao tốc Bắc - Nam đối với quốc kế dân sinh, cũng như sự phát triển của tỉnh nhà, thì công tác giải phóng mặt bằng trở nên thuận lợi, suôn sẻ. Bộ Giao thông Vận tải đánh giá Bình Thuận là tỉnh hoàn thành khối lượng giải phóng mặt bằng lớn nhất và tiến độ nhanh nhất trong các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

5 năm, 2 lần dẫn đầu các địa phương về tiến độ giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình giao thông trọng điểm của đất nước. Sự vào cuộc quyết tâm, quyết liệt của hệ thống chính trị, cùng sự đồng thuận cao của người dân, là một bài học kinh nghiệm quý cho Bình Thuận triển khai thành công các dự án lớn trong tương lai.

Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận lại dẫn đầu tiến độ giải phóng mặt bằng