Theo dõi trên

Năm 2020: Hành động tạo đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội

08/01/2020, 09:38 - Lượt đọc: 24

BT- Ngay từ ngày đầu năm mới UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với tinh thần và quyết tâm cao nhất thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. 

                
      
   Tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư    vào các lĩnh vực trụ cột nền kinh tế (trồng dưa lưới công nghệ cao ở    Hàm Thuận Bắc).

Bứt phá năm “bản lề”

Năm “bản lề” 2019 vừa khép lại, nền kinh tế - xã hội tỉnh đã đạt được thành quả rất phấn khởi. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 11,09% (vượt mục tiêu của HĐND tỉnh đề ra: 7,3% đến 7,5%), cao nhất 10 năm qua, khẳng định được vai trò là năm tăng tốc của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020). Điểm lại những kết quả đạt được, điểm sáng trong bức tranh kinh tế tỉnh nổi bật nhất phải kể đến là việc huy động tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội vào nền kinh tế tỉnh tăng mạnh đạt 33.152 tỷ đồng, tăng 38,13% so cùng kỳ năm trước, chiếm 43,45% GRDP. Tiếp đến là thu ngân sách tỉnh đạt gần 13.000 tỷ đồng, vượt gần 40% dự toán năm vượt cao nhất từ trước đến nay. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, năng suất lao động được cải thiện đáng kể. GRDP bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng tương đương 2.681 USD, tăng 12,94% cải thiện đời sống cho người dân... Tất cả cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được  thì cơ cấu kinh tế tăng trưởng không đồng đều, tái cơ cấu nền kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu, tăng trưởng khu vực dịch vụ, nông – lâm – thủy sản không đạt kế hoạch năm. Việc tháo gỡ vướng mắc trong chồng lấn quy hoạch khoáng sản titan với quy hoạch các ngành, lĩnh vực khác vẫn còn chậm. Số dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm triển khai còn nhiều, nhất là các dự án du lịch. Đặc biệt, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, khai thác khoáng sản trái phép, các khu dân cư tự phát còn tồn tại hạn chế, bất cập. Để khắc phục những tồn tại đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh cần phải xác định vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp chủ động thực hiện nhiệm vụ, chương trình hành động đề ra. Từ đó khắc phục sự chậm trễ, lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ, hoặc khi sai phạm xảy ra không xác định được trách nhiệm do ai.  

Tăng tốc tạo đà phát triển giai đoạn mới

Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 – 2020) chuẩn bị tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021 – 2025. Trong năm nay có nhiều sự kiện lớn: Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 75 năm ngày thành lập nước; đồng thời là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Để thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Chính phủ, kết luận của Tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương toàn tỉnh tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện 10 nhóm giải pháp đã đề ra trong Chương trình hành động.

Để tăng tốc trong năm quyết định này tạo đà phát triển cho giai đoạn mới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai lưu ý các sở, ngành địa phương tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khơi thông các điểm nghẽn, tạo cơ sơ hạ tầng đồng bộ phát huy tiềm năng và cơ hội mới của tỉnh. Chủ động làm việc với các bộ, ngành Trung ương thực hiện các công trình trọng điểm Cảng hàng không Phan Thiết; Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam (phía Đông) qua địa bàn tỉnh; phát triển hệ thống logistics kết nối thông qua Cảng Quốc tế Vĩnh Tân; các công trình trọng điểm quan trọng khác quốc lộ 55, quốc lộ 28, các đường ven biển… tạo hành lang kinh tế Đông Tây kết nối liên vùng Bình Thuận với Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Nam Trung bộ, tháo gỡ các “điểm nghẽn” của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng có năng lực đầu tư phát triển 3 trụ cột của nền kinh tế. “Bầu trời đã mở có sân bay, Cảng biển Quốc tế Vĩnh Tân, đường bộ cao tốc chúng ta còn chờ đợi gì nữa!. Cùng với quyết tâm lớn của đất nước, những công trình trọng điểm là cơ hội lớn để phát triển, cần có định hướng chiến lược khai thác tiềm năng lợi thế phát triển tỉnh nhà, vì cuộc sống ấm no của nhân dân”, Chủ tịch UBND tỉnh phân tích. Cùng với đó là triển khai hiệu quả các giải pháp, đề án đã phê duyệt tập trung tái cơ cấu nền kinh tế tỉnh, đặc biệt là ngành nông nghiệp. Thực hiện đồng bộ giải pháp phát triển nông nghiệp gắn với các hình thức hợp tác, liên kết chuỗi giá trị đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sớm hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

    
    Các   chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2020: phấn đấu tốc độ tăng trưởng   GRDP từ 7,5% trở lên; tổng thu ngân sách nhà nước 10.750 tỷ đồng; kim   ngạch xuất khẩu đạt 808 triệu USD; sản lượng lương thực 811.000 tấn; sản   lượng khai thác hải sản 210.000 tấn; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới   0,6%; giải quyết việc làm 24.000 lao động...

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm 2020: Hành động tạo đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội