Theo dõi trên

Nỗi lo về an toàn thực phẩm dịp tết

31/12/2019, 15:47

BT- Tết năm nào cũng vậy, người dân luôn lo lắng sợ sử dụng phải thực phẩm bẩn, còn các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường tập trung cao độ để kiểm tra, kiểm soát, xử lý việc chế biến, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm bẩn.

Tình hình an toàn thực phẩm luôn được các ngành chức năng và địa phương hết sức quan tâm vì đây là vấn đề quan trọng để đảm bảo sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường. Do đó, cần thiết phải tăng cường sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực chất, nhiều vấn đề như tình trạng sử dụng hóa chất cấm dùng trong nuôi trồng, chế biến nông, thủy sản, thực phẩm; việc sản xuất  một số sản phẩm kém chất lượng; quy trình chế biến… đang  gây ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu và tiêu dùng. Các vụ ngộ độc thực phẩm trong cưới hỏi, trong nhà hàng trên địa bàn tỉnh đã từng xảy ra càng làm bùng lên sự lo lắng của mọi người, bởi vì tỉnh ta có lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng khá đông. Thức ăn hè phố cũng là một điểm nóng về an toàn thực phẩm, đặc biệt là tình trạng thực phẩm đã chế biến sẵn bán tại các chợ, trong khi đó điều kiện vệ sinh cơ sở, vệ sinh dụng cụ chế biến và vệ sinh cá nhân người trực tiếp chế biến thực phẩm chưa bảo đảm.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ có du khách quan tâm, mà nhiều người dân trong tỉnh cũng rất bức xúc đến vấn đề này. Bởi thời gian qua tình trạng buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm kém chất lượng khá phổ biến làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, trong khi đó công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được các ngành chức năng quan tâm đúng mức. Đặc biệt là thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường. Các thực phẩm này không đảm bảo về chất lượng, không rõ nguồn gốc khiến người tiêu dùng khó có thể lựa chọn được các sản phẩm đảm bảo an toàn. Ngày càng có nhiều người sản xuất, kinh doanh sử dụng thuốc kích thích, thức ăn tăng trưởng trong chăn nuôi, những hóa chất cấm dùng trong chế biến nông, thủy sản, sử dụng nhiều loại chất tẩy rửa… Nhiều cơ sở chế biến không đảm bảo vệ sinh, máy móc không đảm bảo đúng yêu cầu theo quy định.

Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh luôn được các ngành, địa phương quan tâm. Chỉ tính trong 9 tháng năm 2019, ngành Y tế, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ngành Công Thương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm được 5.152 cơ sở, xử phạt 197 cơ sở có hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Cục Quản lý thị trường còn kiểm tra 687 vụ, phát hiện và xử lý 80 vụ vi phạm. Công an tỉnh kiểm tra phát hiện 8 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, trong đó đã đề xuất cấp có thẩm quyền xử phạt 5 vụ, tịch thu, tiêu hủy 15,42 tấn thực phẩm, 3,9 kg hóa chất, phụ gia nằm ngoài danh mục và hết hạn sử dụng dùng để chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, tham gia phối hợp các đoàn liên ngành kiểm tra về an toàn thực phẩm các cấp tiến hành kiểm tra đối với 373 cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm như: bánh kẹo, rau, củ, quả, cơ sở giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, kinh doanh thủy hải sản tươi sống, cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán, Tết Trung thu...

Đến thời điểm này, UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về an toàn thực phẩm và thú y. Chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa lễ hội xuân năm 2020. Như vậy, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đã và đang được tăng cường. Quy định về thanh tra, kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm cũng đã được cấp có thẩm quyền ban hành cụ thể. Nhưng vấn đề then chốt là làm thế nào quản lý được tốt chất lượng nông thủy sản bảo đảm thực phẩm không nhiễm vi sinh, không  chứa  hóa  chất bị cấm, hóa chất ngoài danh mục cho phép, bị nhiễm hóa chất quá giới hạn cho phép nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, đòi hỏi cần phải xử phạt nặng hơn, nghiêm khắc hơn đối với các đối tượng vi phạm về an toàn thực phẩm. Các cơ sở sản xuất, chế biến cần có những biện pháp hỗ trợ sản xuất sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm theo đúng tiêu chuẩn được các cơ quan chức năng đánh giá, chứng nhận. Nhà sản xuất cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong kinh doanh, tránh vì mục đích lợi nhuận mà gây ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng cũng như gây ảnh hưởng đến toàn xã hội.

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi lo về an toàn thực phẩm dịp tết