Theo dõi trên

Cấm trộm… nước

26/12/2019, 10:32 - Lượt đọc: 5

BT- Cơn bão hình thành trên biển Đông vào ngày 23/12 với dự báo có sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10  (90 - 100 km/giờ), giật cấp 12 bỗng trở thành tin mong ngóng nhiều nhất với Bình Thuận tính đến ngày 25/12. Mặc dù biết bão ở rất xa, biết hướng đi không đổ vào vùng Nam Trung bộ nhưng lâu nay, Bình Thuận vẫn luôn có mưa ngay cả chỉ bị ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới.

Và trong bối cảnh các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang ít nước thì tín hiệu ấy dù mong manh bỗng như cứu rỗi, như giải sức nóng của lòng người hiện tại ở một số huyện. Với những nơi biết chắc chắn rằng không có nước cho sản xuất lúa đông xuân thì người dân lo đi tìm kiếm công việc khác. Còn những nơi thấy có nước chảy trên kênh, dù không biết có đủ nước cho sản xuất lúa hay không, chính quyền có tính cho sản xuất không nhưng không ít hộ dân vừa gặt xong lúa vụ mùa đã quay ra xuống giống lúa đông xuân. Để rồi bây giờ phải đối diện với tình cảnh tréo ngoe, dù tận cùng cũng phải ghi nhận rằng đó là tinh thần ham sản xuất, là góp phần vào sản lượng lương thực. Nhưng trong hoàn cảnh nước quý hơn vàng, phải để dành cho sinh hoạt con người, nước uống cho gia súc gia cầm thì tinh thần sản xuất ấy thật nguy hiểm. Có thể sẽ gây rối an ninh trật tự xã hội qua tụ tập phá công trình thủy lợi để lấy nước, qua giành giật ẩu đả nhau vì nước. Và chắc chắn bị thiệt hại không nhiều thì ít, dù có phải trộm nước, tích nước hồ và cả đào ao khoan giếng đi chăng nữa.

Tại Hàm Thuận Bắc, dọc theo kênh chính Sông Quao, kênh chuyển nước 812 - Châu Tá, những hộ dân có đất ở ven kênh thuộc 4 xã: Hàm Phú, Hàm Trí, Thuận Minh và Hàm Chính đã lỡ sản xuất hơn 300 ha lúa đông xuân. Trong khi, theo kế hoạch sản xuất chung, huyện chỉ có 270 ha lúa sản xuất ở vùng nước gió như Hồng Sơn, Hàm Đức, Phú Long và ở các xã vùng cao nhờ tận dụng nguồn nước các hồ nhỏ ở đây. Có nghĩa nước hồ Sông Quao, nước chuyển theo kênh 812 - Châu Tá về để giành cho sinh hoạt và tưới luân phiên cho 9.000 ha thanh long. Đây là điểm những hộ dân lỡ sản xuất lúa đông xuân nuôi hy vọng, có thể thức đêm thức hôm để trộm nước vào ruộng. Nhưng chính quyền cũng thấy rất rõ điều đó nên các xã này đã vận động các hộ dân sản xuất ngoài kế hoạch ký 2 cam kết. Một là xảy ra thiệt hại thì phải tự chịu. Một là cam kết không được trộm… nước trên kênh. Cam kết sau cứ thấy hài hước và biết chắc không khả thi trên thực tế. Nhưng trong hoàn cảnh trên cũng không còn giải pháp nào khác tốt hơn. Vì thực tế, ở Bắc Bình, bây giờ diện tích sản xuất lúa ngoài kế hoạch đã tăng từ 480 ha của 10 ngày trước lên 600 ha, chủ yếu ven theo các tuyến kênh. Và chính quyền các xã cũng chỉ biết xuống từng hộ dân bắt ký cam kết không được trộm nước trên kênh những khi chi nhánh thủy lợi mở nước theo phiên để tưới thanh long và gia súc uống.

Điều đáng lo là vì nước khan hiếm nên bên thủy lợi sẽ tính toán rất sát sao lượng nước sẽ đổ ra kênh, sẽ tưới đủ trên diện tích thanh long hiện có. Vì vậy, những hộ dân ở đầu tuyến kênh mà cố lấy nhiều nước thì những người ở cuối tuyến kênh sẽ không đủ nước để tưới cho thanh long. Chuyện gì sẽ xảy ra thì ai cũng hình dung. Tất nhiên, ngành chức năng sẽ có những giải pháp để nước đến hết các nhà có đăng ký tưới thanh long. Nhưng từ đây để thấy việc nghiêm cấm trộm… nước không đơn giản.

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cấm trộm… nước