Theo dõi trên

Để kinh tế Bình Thuận phát triển bền vững: Những “hiến kế” của đại biểu HĐND tỉnh

20/12/2019, 15:59 - Lượt đọc: 18

BT- Tại kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh khóa X, nhiều đại biểu đã hiến kế về các giải pháp để phát triển kinh tế  - xã hội của tỉnh một cách bền vững trong thời gian tới.

Đại biểu Hồ Trung Phước – Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách: Rà soát các khu đất sạch cho đấu giá, tạo nguồn thu

Năm 2019, kinh tế Bình Thuận có nhiều chuyển biến tích cực. Từ thu ngân sách đạt khá cao 11.645 tỷ đồng, đến GRDP tăng 11,09%, vốn đầu tư phát triển đạt 98,26%... và các chỉ tiêu khác đều tăng, điều này cho thấy tỉnh đã có những giải pháp kịp thời và mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, để kinh tế tỉnh phát triển bền vững, tôi đề nghị tỉnh cần nhanh chóng xử lý các doanh nghiệp đã được chấp thuận đầu tư nhưng chậm triển khai. Hiện nay, rất nhiều dự án, nhất là các dự án về du lịch ở các địa phương như Hàm Tân, La Gi, Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình… Thậm chí có dự án cấp phép trên 15 năm nhưng chưa kiên quyết thu hồi. Phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tiếp tục minh bạch thông tin hơn nữa. Tăng cường đấu giá tài sản công, nên có phương pháp đấu giá hiệu quả. Cho rà soát lại quỹ đất sạch rải rác trong khu dân cư và cho tiến hành đấu giá, tạo nguồn thu. Tăng cường quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng. TP. Phan Thiết vừa qua là một bài học rất đau xót về đất đai, do quản lý không tốt, làm phá vỡ quy hoạch, làm mất cán bộ. Ngoài ra, tôi đề nghị tỉnh cần quan tâm chủ trương đánh bắt xa bờ, nhất là trên 1.000 tỷ đồng đối với các tàu vay vốn theo Nghị định 67, nếu không có giải pháp phù hợp sẽ khó có điều kiện hoàn vốn. Cuối cùng, tỉnh nên tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, lâu nay do chế tài chưa đủ mạnh, để mất mát tài nguyên, khoáng sản gây thất thoát cho tỉnh.

Đại biểu Đỗ Duy Tiến (Hàm Tân): Không nhất thiết phải duy trì sản lượng lương thực

 Đồng tình với quan điểm là tiếp tục chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ngắn ngày khác có hiệu quả cao hơn. Chính vì vậy đề nghị tỉnh giảm chỉ tiêu sản lượng lương thực, tạo điều kiện cho người nông dân chuyển đổi cây trồng khác, không nhất thiết phải duy trì sản lượng lương thực. Sản lượng lương thực hiện nay chủ yếu cây lúa và cây bắp, nhưng cây bắp bán giá rất thấp, nên phần lớn người nông dân không thích trồng. Nếu đưa chỉ tiêu sản lượng lương thực buộc người nông dân theo sẽ rất khó.  Với Hàm Tân, nếu năm 2020 tiếp tục giao chỉ tiêu lương thực 17.000 tấn thì sẽ khó khả thi.

Đại biểu Nguyễn Hữu Phước  - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đầu tư nhiều hơn cho nước sạch

Hiện nay nhiều công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh giảm công suất khai thác trong khi nhu cầu của người dân ở vùng nông thôn ngày càng tăng cao. Do đó, một số khu vực người dân phải mua nước với giá cao, những hộ dân không có tiền mua nước phải sử dụng nguồn nước tại chỗ không đảm bảo chất lượng do tiềm ẩn nhiều chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Hiện nay, ở vùng nông thôn tỉnh ta hơn một nửa số người dân (51,8%) chưa được sử dụng nước sạch. Đề nghị UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành liên quan, cấp huyện, thị xã, thành phố hãy quan tâm bố trí nhiều nguồn lực hơn nữa để đầu tư cho nước sạch. Tiếp tục huy động các doanh nghiệp cùng người dân chung tay chăm lo nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, bởi đầu tư nước sạch chính là đầu tư vào sức khỏe người dân.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiếu - Phó Giám đốc Sở Tư pháp: Sớm điều chỉnh bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho TP. Phan Thiết

 Một trong những tác động rõ nhất đó là giá đất ở các khu vực xã Thiện Nghiệp, Phong Nẫm, Tiến Lợi… từ năm 2016 - 2018 qua quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và cho tách thửa hàng loạt đất nền thổ cư có diện tích từ 100 m2  trở lên, đây là một trong những nguyên nhân làm cho giá đất tăng đột biến, với số lượng giao dịch cao tập trung ở 3 xã trên, đã có lúc đẩy giá đất lên thành cơn sốt giá đất ảo. Từ 132 thửa đất với 17 ha đã được UBND TP. Phan Thiết cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thổ cư không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thực tế 132 thửa đất tổng này không còn nguyên vẹn hiện trạng mà đã được Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh ký tách thửa ra thành nhiều đất thổ cư và đã tách sổ ra hàng loạt thửa đất thổ cư nhỏ. Theo thông tin giao dịch từ các văn phòng công chứng và qua nắm bắt ý kiến của cử tri thì số lô đất này đã được chuyển nhượng, mua bán qua tay rất nhiều người, thậm chí vài trăm người.

 Qua kiểm tra các văn phòng công chứng trên địa bàn TP. Phan Thiết, Sở Tư pháp nhận thấy có nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thổ cư tại 3 xã trên đã được chuyển nhượng, đăng ký biến động qua vài 3 người đến 5 hoặc 7 người/lô đất và thể hiện đăng ký biến động rõ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đối chiếu theo quy định pháp luật thì người dân sở hữu hợp pháp theo quy định Điều 166, 167, 188 của Luật Đất đai 2013 và Điều 133 Bộ Luật Dân sự 2015.

Tôi đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương cùng giúp UBND TP. Phan Thiết sớm rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng của địa phương để sớm trình UBND tỉnh phê duyệt cho phù hợp với sự phát triển chung của TP. Phan Thiết và tỉnh. Trong đó, đặc biệt là kế hoạch sử dụng đất năm 2020, phải được phê duyệt từ đầu năm bởi kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của Phan Thiết chưa phê duyệt nên tất cả các hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai của người dân Phan Thiết nằm ngoài khu vực 132 thửa đất trên, đều bị ách tắc và trả hồ sơ với lý do kế hoạch sử dụng đất năm 2019 chưa phê duyệt. Đề nghị UBND tỉnh có biện pháp, giải pháp cụ thể đối với các khu dân cư tự phát đã hiện hữu mà người dân đã sở hữu đất hợp pháp theo quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát các dự án…

K.Ngọc – T.Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để kinh tế Bình Thuận phát triển bền vững: Những “hiến kế” của đại biểu HĐND tỉnh