Theo dõi trên

Hạ đèo

20/12/2019, 15:38

BT- Cuối năm, không khí lạnh ban mai bao phủ cánh rừng già Đông Giang của huyện Hàm Thuận Bắc. Đã gần 7 giờ sáng mặt trời còn ở dưới chân núi Ông, vậy mà tiếng máy xúc đất, máy đục đá, tiếng nổ của đoàn xe chuyển đất đá vang rền làm cho khu rừng già vốn yên tĩnh bỗng trở nên rộn ràng và hối hả. Không khí làm việc của những người thợ, kỹ sư làm nhiệm vụ hạ đèo Đông Giang bắt đầu một ngày mới.

                
Thi công nhưng vẫn bảo đảm cho các phương tiện    lưu thông tại đèo số 4.

Hạ độ cao đèo 11 m

Thoạt đầu tôi cứ nghĩ đơn giản hơn 3 km đường đèo Đông Giang làm mới thì cũng chỉ đổ đá, nâng nền, trải thảm bê tông, xây taluy báo hiệu nơi đường đèo nguy hiểm… thế là xong. Nhưng, không phải vậy, Công ty TNHH Xây dựng Phan Đình trúng thầu thi công có trách nhiệm phải hạ đèo để bảo đảm đúng tiêu chuẩn độ dốc đèo đường bộ Việt Nam, đó là độ dốc không quá 10 độ. Trên tuyến đường 714 đoạn qua đèo Đông Giang có 4 đèo con cần phải hạ thấp nền từ 2 - 11 m, trong đó đèo số 7 dài hơn 200 m giáp với Đông Tiến hiện trạng có độ dốc trên 40 độ, nay phải hạ độ cao nền đường cũ xuống 11 m để bảo đảm độ dốc chuẩn theo quy định; đèo số 4 phải hạ nền xuống 3,5 m; đèo số 5 và 6 từ nền đường cũ hạ xuống 2 m. Song, việc thi công hạ đèo lại phải bảo đảm giao thông 2 chiều thông suốt, các phương tiện giao thông và người đi lại bình thường. Đây là việc làm khó và vất vả đòi hỏi phải có giải pháp thi công khoa học. Anh Lê Văn Trình, cán bộ kỹ thuật dẫn chúng tôi đến quan sát đèo số 4 hơn chục xe máy đang tập trung thi công. Anh Trình chỉ vào chiếc máy đang cần mẫn đục đá tại chân đèo rồi nói: “Trên tuyến đường 714 từ Đông Tiến đến Đa Mi có 7 đèo nhỏ, trong đó đèo 1, 2, 3 đã thi công trước đây. Còn lại đèo  số 4, 5, 6, 7 nằm trong dự án đường đèo Đông Giang đang được thi công. Đến đầu tháng 12 đơn vị đã hoàn thành việc hạ đèo số 5, 6, 7. Còn lại đèo số 4 công ty đang tập trung nhân lực và xe máy thi công. Song, đèo này phần lớn là đá bàn nguyên khối nên phải sử dụng 2 búa máy loại lớn để đục, có chỗ phải xử lý bằng nổ mìn. Búa máy mỗi ngày chỉ đục được khoảng 300 m3 đá. Do vậy, chúng tôi phải tăng ca để bảo đảm tiến độ. Dự kiến đến cận Tết Nguyên đán Canh Tý  đục được 30% khối lượng đá…”.

Điều khó khăn hơn trong việc thi công tuyến đường đèo Đông Giang là công trình vừa thi công bảo đảm đúng tiến độ, địa bàn thi công chật hep, nhưng lại phải bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn. Vì thế, Công ty TNHH Xây dựng Phan Đình không thể tập trung nhiều xe máy, thiết bị để thi công cùng một lúc mà hiện tại chỉ huy động 24 xe máy cần thiết, như 8 xe xúc, xe ủi; 7 xe lu, xe bang, 7 ô tô chở đất đá… cùng với gần 100 công nhân để tuyến đường thông thoáng, không bị ùn tắc giao thông lúc cao điểm.

Thi công cuốn chiếu

Với quy mô và tính chất của công trình phức tạp nên Công ty TNHH Xây dựng Phan Đình đã giao ông Phan Đình Phúc, Phó Giám đốc công ty trực tiếp chỉ đạo, điều hành thi công công trình. Ông Phan Đình Phúc cho hay: “Đơn vị bắt đầu thi công từ tháng 7/2019, dự kiến thi công trong vòng 1 năm. Khi công trình hoàn thành sẽ là tuyến đường đèo đẹp nhất của Bình Thuận có chiều rộng mặt đường 7 m, dài 3 km có độ dốc thoai thoải, hạn chế được tai nạn giao thông. Đơn vị vừa thi công, vừa bảo đảm cho người dân và các phương tiện lưu thông trên đường thông suốt. Vì vậy, đơn vị thực hiện thi công cuốn chiếu. Trên tuyến đường chia làm 2, một bên thi công, còn một bên xe vẫn chạy. Tại đèo số 4 đơn vị hạ nền đường thành 5 đợt (mỗi đợt hạ hơn 2 m), sau đó cho xe lưu thông trên phần đường đã hạ để tiếp tục thi công hạ nền đường bên kia. Phấn đấu từ nay đến Tết Nguyên đán hạ 200 m đèo số 4 xuống 2 m so với mặt đường cũ. Trong thời gian vui xuân, đón tết mặt bằng đèo số 4 sẽ được sửa sang rộng rãi để người dân đi lại dễ dàng, hạn chế tai nạn giao thông”.

Hạ đèo không phải là việc làm khó, nhưng hạ đèo Đông Giang với khối lượng đất đá bỏ đi khá lớn; mặt bằng thi công chật hẹp, đồi dốc nên phải có giải pháp thi công khoa học. Riêng khối lượng đất đá hạ đèo phải chuyển đi nơi khác hơn 100.000 m3, vì loại đá ở đèo Đông Giang không bảo đảm tiêu chí để sử dụng lại. Trong lúc đó đơn vị thi công phải mua và vận chuyển khoảng 12.000 m3 đá cấp phối từ Ta Zôn về với chiều dài gần 65 km, tốn kém về chi phí và thời gian vận chuyển.

Không phải chúng tôi mà bà con dân tộc K’ ho ở các xã La Dạ, Đông Giang, Đông Tiến chạy xe máy, ô tô trên con đường đèo này đều dừng lại đỉnh đèo để chứng kiến cảnh xe máy thi công nhộn nhịp và hối hả. Những điều suy nghĩ và mong ước của họ về một con đường đẹp, an toàn khi lưu thông đã gần trở thành hiện thực. Khoảng cách các xã vùng cao với đồng bằng đang được kéo lại gần hơn. Anh K’ Tân, xã Đông Giang chia sẻ: “Cái đèo này dài và độ dốc cao nên năm nào cũng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Dự án thi công hạ thấp đèo người dân rất phấn khởi, vì đi lại sẽ dễ dàng và an toàn hơn khi tham gia giao thông…”.          

Phóng sự: Lê Thanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hạ đèo